MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lĩnh vực chiến lược hàng trăm tỷ USD cần kíp ở Việt Nam gọi tên tập đoàn tuyên bố làm đường ray 850km/h

Tập đoàn này và một số đơn vị tên tuổi ở Việt Nam có thể sẽ được ưu tiên đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực cơ khí, luyện kim, sản xuất ray đường sắt tốc độ cao.

Lĩnh vực chiến lược cấp bách hàng trăm tỷ USD ở Việt Nam

Nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên (Hội nghị WEF Đại Liên) và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24-27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC).

Tại cuộc tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trên nền tảng quan hệ chính trị rất tốt đẹp, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt - lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Lĩnh vực chiến lược hàng trăm tỷ USD cần kíp ở Việt Nam gọi tên tập đoàn tuyên bố làm đường ray 850km/h- Ảnh 1.

Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông. Ảnh: VGP

Lĩnh vực cấp bách này ở Việt Nam dự kiến trị giá đến hàng trăm tỷ USD. Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trao đổi trong Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông thì nhu cầu vốn cho phát triển giao thông đường sắt của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn.

Cụ thể, mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD), trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Bao gồm nâng cấp cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600 km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.545km, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ dài trên 175km…

Lĩnh vực chiến lược hàng trăm tỷ USD cần kíp ở Việt Nam gọi tên tập đoàn tuyên bố làm đường ray 850km/h- Ảnh 2.

Ảnh minh họa quá trình xây dựng hệ thống đường sắt ở Việt Nam trong tương lai bằng ứng dụng AI Chat GPT

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản Kế hoạch này là nền tảng quan trọng giúp ngành đường sắt tăng tốc, có bước nước rút về đầu tư hạ tầng trong “thập kỷ bùng nổ đầu tư đường sắt giai đoạn 2025 - 2035”.

Hiện nay, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là mục tiêu trọng tâm của ngành đường sắt và Chính phủ Việt Nam. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết tại buổi tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) rằng, phát triển hệ thống đường sắt là chiến lược lớn nhất của Việt Nam hiện nay; mong muốn phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao dài hơn 1.500 km.

Lĩnh vực chiến lược hàng trăm tỷ USD cần kíp ở Việt Nam gọi tên tập đoàn tuyên bố làm đường ray 850km/h- Ảnh 3.

Nguồn: Báo Người lao động

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Việt Nam quyết tâm triển khai trong giai đoạn 2026 – 2027. Do đó, Việt Nam mong hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu. Ông hy vọng thời gian tới hai bên có trao đổi, hợp tác.

Trước đó, Bộ GTVT thông báo phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.500km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ GTVT và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037, triển vọng kinh tế vô cùng khả quan một khi đưa vào vận hành.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao

Theo dự thảo Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội đang được Cục Đường sắt Việt Nam lấy ý kiến có nội dung đáng chú ý, trong đó nêu rõ: "Phát triển công nghiệp đường sắt gắn với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Xây dựng chính sách, nguyên tắc ràng buộc từ bước chuẩn bị dự án để giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng vật tư, phụ kiện, sản phẩm từng công đoạn...

Khuyến khích các ngành công nghiệp khác trong nước tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp đường sắt, đặc biệt là ngành cơ khí phụ trợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trong nước từng bước tham gia trong quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác đường sắt TĐC, đặc biệt các lĩnh vực cơ khí (luyện kim, sản xuất ray: Hòa Phát, Tổng công ty thép...), công nghệ thông tin: FPT, Viettel,..".

Lĩnh vực chiến lược hàng trăm tỷ USD cần kíp ở Việt Nam gọi tên tập đoàn tuyên bố làm đường ray 850km/h- Ảnh 4.

Ảnh minh họa quá trình xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong tương lai bằng ứng dụng AI Chat GPT

Trong Báo cáo trên có nhắc đến việc hỗ trợ Tập đoàn Hòa Phát trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao. Trước đó, vào ngày 11/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát công bố, tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2, Hòa Phát sẽ làm đường ray xe lửa - không phải loại đường ray thông thường - mà là đường ray cho tàu tốc độ cao. Hòa Phát đã tiến hành những bước đầu tiên và sẵn sàng đấu thấu tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Lĩnh vực chiến lược hàng trăm tỷ USD cần kíp ở Việt Nam gọi tên tập đoàn tuyên bố làm đường ray 850km/h- Ảnh 5.

“Hy vọng sau này Đảng, Chính phủ quyết tâm làm đường sắt cao tốc Bắc Nam, thì Hòa Phát sẽ tham gia vào thầu để cung cấp thép cho dự án”, Ông Long nhấn mạnh. Ảnh: Hòa Phát

Trả lời báo chí ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cho biết doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu đề án sản xuất đường ray tàu hỏa tốc độ cao. Về tốc độ tính toán dự kiến đường ray sẽ đạt mức 850km/h.

"Bao giờ ra sản phẩm cũng phải tính được thì tương lai. Bây giờ thế giới phổ biến là 300-500km/h. Nhưng tôi được biết nhiều nước đang có thử nghiệm 800km/h. Mình làm sau, mình phải bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu về tốc độ. Tốc độ càng cao thì tính ăn mòn càng khủng khiếp", ông Long nhấn mạnh.

Người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát cũng cho rằng, "đề án mới chỉ là ý tưởng từ phía doanh nghiệp, đang được nghiên cứu một cách tích cực, bài bản với đội ngũ các chuyên gia nước ngoài. Về tiến độ, dự kiến năm 2026 sẽ hoàn thành nghiên cứu và nhanh nhất năm 2028 ra được sản phẩm".

Không chỉ doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam bày tỏ sự quan tâm tới Dự án trọng điểm quốc gia Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có mong muốn tương tự.

Ngày 25/6/2024, ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.

Ngày 26/2/2024, ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết Siemens quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và có thể cung cấp các giải pháp về đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe.


Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên