MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ách tắc cá tra xuất sang Mỹ

11-07-2017 - 13:25 PM | Thị trường

Cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp khó do nước này bất ngờ đưa ra thông báo sẽ áp dụng quy định kiểm tra 100% số lô từ ngày 2-8, thay vì 1-9 như đã thông báo trước đó.

Ngày 10-7, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes (cá tra, ba sa) sang Mỹ chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu nước này để tuân thủ quy định mới.

Cụ thể, tất cả lô hàng cá tra nhập khẩu vào Mỹ sẽ được Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức (i-house, các kho bảo quản được chỉ định) từ ngày 2-8, thay vì 1-9 như lộ trình đã thông báo trước đó. Nafiqad lưu ý các DN trong việc ghi nhãn sản phẩm phù hợp với quy định của FSIS từ tên sản phẩm, hướng dẫn bảo quản, thành phần…

Nội dung kiểm tra của FSIS đối với các lô cá tra gồm: sự phù hợp của chứng thư kèm lô hàng, cảm quan, ghi nhãn, điều kiện bảo quản vệ sinh chung và lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất độc hại, định danh loài và vi sinh vật gây bệnh. Trong đó, riêng nhóm hóa chất, kháng sinh FSIS kiểm nghiệm đa dư lượng 108 chất nhóm thuốc bảo vệ thực vật, 89 chất kháng sinh, 17 kim loại và 4 chất nhóm thuốc nhuộm.


Mỹ sẽ kiểm tra 100% lô cá tra nhập khẩu từ Việt Nam Ảnh: Ngọc Trinh

Mỹ sẽ kiểm tra 100% lô cá tra nhập khẩu từ Việt Nam Ảnh: Ngọc Trinh

Chiều 10-7, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nói rất ngạc nhiên trước việc phía Mỹ áp dụng sớm điều khoản trên. Thời gian qua, các DN Việt Nam đã chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu theo quy định của thị trường nên các vấn đề về chất lượng, chỉ tiêu kiểm soát là không đáng lo.

"Vấn đề lo nhất là các kho được chỉ định (i-house) ở Mỹ liệu có đủ cho nhu cầu của DN Việt Nam khi phải kiểm tra 100% dẫn đến lưu kho kéo dài. Trước đây, DN có quyền chọn kho trong quá trình chờ thông quan nhưng quy định mới, kho chứa phải được chỉ định. Ở Mỹ hiện chỉ có khoảng 40 kho được chỉ định nhưng còn phải chứa các mặt hàng khác như thịt gia súc, gia cầm. DN lo ngại một số kho mới được chỉ định ở xa nơi bán hàng, gây khó khăn cho họ. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm làm việc với phía Mỹ để tháo gỡ những vướng mắc này nhằm tránh việc hàng hóa bị ách tắc, không kịp giao cho khách hàng" - ông Hòe đề nghị.

Theo VASEP, cá tra xuất khẩu đi Mỹ bị sụt giảm trong các tháng đầu năm 2017 do khó khăn về thị trường. Trước đây, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chịu sự quản lý của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và chỉ bị lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên với tần suất khá thấp (khoảng 2%).

Theo Đạo luật Nông trại của Mỹ, cá tra được chuyển sang Bộ Nông nghiệp Mỹ quản lý với các yêu cầu phải tương đương với cá da trơn của Mỹ trong khi điều kiện sản xuất 2 nước rất khác nhau. Trong thời gian chuyển tiếp quản lý, phía Việt Nam đã chủ động trong việc kiểm tra 100% lô hàng cá tra xuất khẩu đi Mỹ từ ngày 15-7-2016.

Ông Ông Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), cho biết mặc dù công ty được phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhưng thực tế không giao dịch vì chịu thuế bán chống phá giá cao, hơn 2,39 USD/kg, không cạnh tranh được. Vì vậy, quy định mới của Mỹ chủ yếu tác động vào các DN lớn đang xuất khẩu cá tra số lượng nhiều sang thị trường này nhờ mức thuế chống bán giá thấp, dưới 0,41 USD/kg.

Theo Ngọc Ánh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên