Lương cao hay thấp đều tiêu hết tiền: Dân văn phòng tìm cách tiết kiệm từng đồng, “giải cứu” chính mình khỏi vòng xoáy nợ nần
Mỗi người trẻ lại có công thức quản lý tài chính khác nhau.
- 11-06-2024Dân văn phòng có 1 khoản chi tiêu nhìn thì lặt vặt nhưng khiến họ mãi chẳng đạt mục tiêu tiết kiệm nổi, cuối tháng nhìn lại tổng tiền tiêu lại là con số không hề bé nhỏ
- 01-05-2024Từ sinh viên đến dân văn phòng đổ xô bán nước giải khát tối 30/4, lời một gấp đôi, kiếm tiền triệu mỗi tối
- 04-04-2024Bạn luôn có 9 khoản tiền nhưng không biết: Hiểu rõ, dân văn phòng sẽ tiết kiệm được 1 năm tiền lương trước tuổi 30!
Một sai lầm trong quản lý tài chính của nhiều người là kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, tệ hơn là khiến mình rơi vào vòng xoáy nợ nần. Cho đến khi phải gặp phải biến cố, họ mới từ bỏ được cách tiêu tiền sai lầm, cố gắng tự xây dựng công thức quản lý tài chính cho riêng mình.
Lương cao hay thấp đều tiêu hết sạch tiền
Lê Hiền (27 tuổi, Đắc Lắc) thừa nhận, đã nhiều lần cô nàng trót vung tiền quá mức. Theo kế hoạch đặt ra, cô chỉ được phép dành 3-4 triệu đồng (tương đương 15% thu nhập) cho việc mua sắm.
"Tuy nhiên, có những lần gặp chuyện gì đó buồn phiền, áp lực công việc, mình thường lựa chọn mua sắm nhiều hơn để giải tỏa. Quả thực là có tác dụng về mặt cảm xúc, nhưng tài chính thì không", cô nàng ngậm ngùi.
Một trường hợp khác, Thư Vũ (25 tuổi) chia sẻ, thời điểm mới ra trường, cô không nghĩ rằng tiết kiệm từ tiền lương kiếm ra lại quan trọng đến thế. Bởi khi đó, bố mẹ cô đều vẫn còn đi làm, có mức thu nhập ổn định. Do đó, Thư Vũ kiếm được bao nhiêu thì sẽ xài hết cho bản thân. "Tiêu tiền rất vô tư, không tiết kiệm, không đầu tư", là lời cô miêu tả về cách quản lý tài chính thời điểm này.
"Nhưng khoảng thời gian 1 năm trở lại đây, bố mẹ mình bắt đầu tính toán đến chuyện về hưu, em trai cũng chuẩn bị thi lên đại học. Bố mẹ chia sẻ chuyện kinh tế với mình. Đó là lúc, mình nhận ra bản thân phải phụ giúp gia đình về mặt kinh tế. Từ một người chi tiêu thoải mái, mình dần học cách cân nhắc đến mỗi quyết định tiêu tiền của bản thân", Thư Vũ bày tỏ.
Cùng hoàn cảnh, Bá Duy (30 tuổi, Hà Nội) nhớ lại khi còn độc thân, anh hoàn toàn chưa có khái niệm gì về việc quản lý tài chính. Thậm chí đến việc cơ bản nhất là gửi tiết kiệm anh cũng chẳng ngó ngàng tới. Bởi lẽ Duy nghĩ rằng tiền lương kiếm ra không nhiều, vậy thôi cứ chi tiêu cho sướng đã, rồi mới có động lực làm việc tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn.
Bá Duy kể lại: "Với suy nghĩ như vậy đã tạo cho mình một thói quen chi tiêu khá tùy hứng, không có kế hoạch. Mình để toàn bộ số tiền kiếm được vào 1 tài khoản ngân hàng duy nhất. Mà khi tài khoản có nhiều chữ số, bạn sẽ luôn có cảm giác: Mình dư dả mà, chi thêm một chút có sao đâu. Kết quả là sau vài năm đi làm, mặc dù thu nhập có tăng lên nhưng lại chẳng để ra được khoản lớn nào cả".
Tuy nhiên, một sự kiện đã làm thay đổi anh hoàn toàn là sau khi kết hôn. Khi đó, anh có rất nhiều khoản chi cần tính toán cho hiện tại và tương lai. Mọi thứ đều phức tạp hơn so với thời điểm còn độc lập nên Duy đã bắt mình tìm hiểu kỹ càng hơn về quản lý tài chính.
Công thức tiết kiệm tiền của hội văn phòng
Với Lê Hiền, cô luôn nhắc nhở bản thân phải luôn dành 30% thu nhập để tiết kiệm. Để không gặp tình trạng tiêu quá số tiền mình có, cô nàng lập sẵn 1 tài khoản tiết kiệm riêng.
Ngay khi vừa nhận lương,Hiền mặc định chuyển 30% số tiền đó vào tài khoản và coi đây số tiền "bất khả xâm phạm". Tức là nếu không rơi vào tình huống khẩn cấp, cô nàng sẽ không bao giờ động vào chúng.
"Khi nhìn thấy một phần tiền lương hàng tháng được giữ lại, và ngày càng sinh lãi, mình sẽ càng muốn tiết kiệm được nhiều hơn. Chính điều này khiến mình buộc phải chi tiêu hiệu quả hơn để không vượt quá số tiền cho phép" , Lê Hiền tổng kết.
Còn về phía Bá Duy, do đã kết hôn nên cách anh quản lý tài chính cũng là nguyên tắc chi tiêu chung của hai vợ chồng. Và dưới đây là một vài phương án quản lý tài chính của cặp đôi;
- Thành lập 1 quỹ chung của gia đình, mỗi người khi có các khoản thu nhập sẽ cùng đóng góp một mức đã thỏa thuận hợp lý từ trước. Quỹ này sử dụng để chi tiêu các khoản chung của gia đình, chẳng hạn ăn uống sinh hoạt, mua sắm đồ đạc gia đình đến biếu tặng, hội họp.
- Mọi khoản thu chi từ quỹ chung đều phải ghi chép đầy đủ để đảm bảo minh bạch.
Lúc đầu Bá Duy còn ghi thủ công qua excel, vài tuần mới tổng kết lại thì dẫn tới lúc nhớ lúc quên. Sau sử dụng app thu chi thì tiện hơn rất nhiều. Cặp đôi cùng sử dụng chung 1 tài khoản, khi có một khoản thu chi là bấm ngay vào app, cả 2 đều theo dõi được.
- Đã có quỹ chung thì phải có quỹ riêng
Bá Duy chia sẻ: "Mỗi người tự giác thông báo mức thu nhập tháng này của mình bao nhiêu và giữ lại bao nhiêu cho quỹ riêng của bản thân. Quỹ riêng của ai thì người đó toàn quyền quyết định chi tiêu. Khi vợ bảo mua đồ này, món kia thì cứ tự lấy quỹ riêng ra mà mua, không cần hỏi mình. Tương tự mình cũng thế, thích món này món kia hay đi cafe, tụ tập với bạn bè là tự chi được không cần ngửa tay xin tiền vợ".
- Khi có khoản thu mới vào quỹ chung đủ lớn, cả hai vợ chồng sẽ bàn bạc thống nhất phân chia ngay thành các khoản như: Thiết yếu - Bảo hiểm - Giáo dục - Hưởng thụ - Đầu tư - Từ thiện.
Bá Duy nhận định, sau khi xây dựng công thức quản lý tài chính này, cặp đôi chưa hề gặp mâu thuẫn tiền bạc. Ngoài ra, do nguyên tắc chi tiêu được thống nhất từ đầu nên mọi việc trong gia đình đều diễn ra rất tự nhiên và tự động.
Sau cùng, với những người trẻ đang có dự định tìm hiểu về quản lý tài chính, Bá Duy nhắn nhủ: "Các bạn trẻ chưa kết hôn thì có trong tay một loại tài nguyên vô cùng quý giá đó là THỜI GIAN. Nếu ở những độ tuổi còn trẻ, các bạn bắt đầu nhận thức và tạo được thói quen tốt về việc quản lý tài chính, chi tiêu hợp lý thì cùng với thời gian sẽ mang lại cho các bạn một khoản tiền không ngờ tới đó. Chúc các bạn sớm quản lý được tài chính cá nhân thật vững vàng".
Nhịp sống thị trường