Một công ty chứng khoán dự báo Hòa Phát đạt gần 13.000 tỷ lợi nhuận trong năm nay
SSI Research cho rằng sản lượng sản xuất thép Trung Quốc tăng trở lại có thể gây áp lực lên giá thép khu vực.
Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã công bố báo cáo tài chính quý 2 với kết quả tương đối tích cực. Doanh thu 39.555 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế tăng 120% lên 3.733 tỷ - cao nhất trong hai năm qua.
Trong báo cáo vừa cập nhật, Chứng khoán SSI nhận định mức tăng trưởng ấn tượng trên được thúc đẩy bởi sản lượng tiêu thụ thép xây dựng. Đồng thời, biên lợi nhuận ổn định so với quý trước nhờ chi phí đầu vào thấp bù đắp cho việc giá HRC điều chỉnh.
Kênh xuất khẩu gặp khó, giá thép gặp áp lực lớn
Đánh giá về triển vọng của Hòa Phát trong thời gian tới, SSI Research cho rằng hoạt động xuất khẩu sang thị trường Châu Âu chịu thêm nhiều áp lực từ các biện pháp bảo hộ. Việc Liên minh châu Âu quyết định gia hạn các biện pháp bảo hộ đối với thép nhập khẩu đến hết tháng 6/2026, đồng thời áp dụng hạn ngạch 15% của danh mục "các nước khác" có thể làm giảm hạn mức HRC từ Việt Nam vào châu Âu khoảng 50% so với năm 2023. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) gần đây cũng đã thông báo về việc nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu HRC từ Việt Nam.
Trong năm 2023, thị trường châu Âu chiếm khoảng 37% tổng doanh thu xuất khẩu của HPG và đóng góp gần 11% tổng doanh thu. Dù vậy, Hòa Phát đang mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ, do đó điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào.
Ngoài ra, công ty có thể tăng tỷ trọng của thị trường nội địa nếu các thị trường xuất khẩu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu HRC. Thực tế, tỷ lệ xuất khẩu HRC/tổng sản lượng tiêu thụ HRC của Hòa Phát đã giảm từ 42% trong năm 2023 xuống còn 24% trong quý 2/2024.
Ở khía cạnh khác, SSI Research cho rằng sản lượng sản xuất thép Trung Quốc tăng trở lại có thể gây áp lực lên giá thép khu vực. Sản lượng tại nước này đã tăng lên mức trung bình 92 triệu tấn/tháng trong tháng 5 và tháng 6, cao hơn 10% so với mức trung bình trong 12 tháng trước đó, nhờ biên lợi nhuận tại các nhà máy thép cải thiện do giá quặng sắt giảm. Mặt khác, nhu cầu trong nước yếu đã khuyến khích các công ty đẩy mạnh các kênh xuất khẩu.
Thống kê nửa đầu năm 2024, sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 22% so với cùng kỳ. Việc dư cung cũng khiến giá thép Trung Quốc giảm khoảng 10% trong 2 tháng qua.
Song giá thép giảm cũng giúp biên lợi nhuận của HPG được hỗ trợ nhờ chi phí đầu vào thấp hơn và giá thép xây dựng ổn định. Sau khi giá HRC của Trung Quốc giảm, giá HRC tại Việt Nam cũng đã giảm 7% trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, SSI cho rằng tác động của mức giảm này có thể được giảm bớt nhờ giá quặng sắt và than cốc giảm khoảng 8-9% trong 2 tháng qua. Ngoài ra, giá thép xây dựng vẫn khá ổn định do độ tương quan thấp hơn với giá thép trong khu vực so với sản phẩm HRC.
Lãi ròng năm 2024 có thể tăng trưởng 87%
Với việc kết quả kinh doanh nửa đầu năm theo đúng dự phóng, SSI cho rằng lợi nhuận ròng năm 2024 của Hòa Phát có thể đạt 12.800 tỷ (tăng 87% so với cùng kỳ). Kết quả này giúp công ty vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024 ( LNST 10.000). Trong đó. sản lượng thép xây dựng và HRC của Hòa Phát lần lượt đạt 4,5 triệu tấn (tăng 17,6% so với cùng kỳ) và 3,05 triệu tấn (tăng 10%).
Riêng với quý 3/2024, SSI dự phóng lợi nhuận ròng có thể giảm so với quý 2 vừa qua do giá thép khu vực điều chỉnh và sản lượng giảm trong mùa thấp điểm.
Đối với năm 2025, lợi nhuận có thể tăng 23% so với năm 2024, đạt 15.700 tỷ đồng (điều chỉnh giảm 6% so với ước tính trước đó), nhờ sản lượng HRC tăng 66% lên 5,2 triệu tấn sau khi lò cao đầu tiên của Dung Quất 2 đi vào hoạt động. Giá HRC có thể giảm 6% vào năm 2025 để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ từ nhà máy mới, nhưng giá nguyên liệu đầu vào giảm và kỳ vọng giá thép xây dựng ổn định hơn có thể khiến biên lợi nhuận gộp chỉ giảm nhẹ xuống 15%.