MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số đề xuất gửi tới ngành ngân hàng giúp vượt qua đại dịch Covid-19

02-04-2020 - 17:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Mùa dịch Covid-19 đang đặt ra cho ngành nhiều thách thức, đòi hỏi các ngân hàng phải có những quyết định phù hợp và kịp thời ngay từng thời điểm. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", thiết nghĩ ngành ngân hàng cần có một "Hội nghị Bình Than" như vua Trần Nhân Tông đã thực hiện cách đây hơn 700 năm.

Và nhân bài viết này, người viết xin gửi đến "Hội nghị Bình Than của ngành ngân hàng" (nếu có) một số đề xuất để ngành ngân hàng và khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

Thứ nhất, NHNN nên xem xét ban hành quy định trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống thay vì chỉ áp trần lãi suất đối với kỳ hạn dưới 6 tháng như hiện nay. Bởi lẽ, đây là mấu chốt của vấn đề lãi suất cho vay. Hầu hết các ngân hàng cho vay đều có biên độ % cộng thêm so với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng. Một khi lãi suất huy động không giảm thì về lâu dài dù có nhiều biện pháp cơ cấu nợ theo Thông tư 01 của NHNN thì cũng không giải quyết dứt điểm bài toán hạ lãi suất cho vay trong mùa dịch bệnh như hiện nay. Trên thực tế, có nhiều ngân hàng huy động lãi suất cao để giành thị phần tiền gửi, nhưng dư nợ cho vay ít. Vì vậy, nếu NHNN không can thiệp trần lãi suất huy động thì khác nào đẩy các ngân hàng thương mại khác vào thế khó?

Thứ hai, NHNN nên tạm dừng hoạt động kinh doanh vàng miếng SJC tại tất cả các ngân hàng thương mại trong thời gian cách ly xã hội. Trong thời điểm hiện tại, thay vì để dòng tiền vào sản xuất, lưu thông; một số lượng không nhỏ tiền mặt đang được khách hàng đầu tư vào vàng miếng với số vòng chu chuyển quá nhiều. Ngoài ra, sự biến động giá vàng miếng cũng kích thích nhu cầu mua bán vàng để kiếm lời là chưa phù hợp với tinh thần cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Vì vàng miếng không phải là hàng hóa thiết yếu như các nhu yếu phẩm khác. Thậm chí, trong tình thế đối đế, NHNN cũng chỉ nên cho phép các ngân hàng thương mại mua vàng vào để đáp ứng nhu cầu tiền mặt của người dân và tạm cấm các ngân hàng dừng chiều bán ra cho khách hàng để đầu cơ, tích trữ.

Thứ ba, NHNN nên có hướng dẫn chi tiết hơn và truyền thông nhiều hơn các trường hợp nào được cơ cấu nợ để tránh tâm lý tất cả khách hàng đều muốn được cơ cấu nợ, giảm lãi vay. Mặc dù NHNN cũng có nhiều văn bản hướng dẫn vấn đề cơ cấu nợ, tuy nhiên các ngân hàng vẫn loay hoay và lúng túng khi triển khai áp dụng trước nhu cầu giảm lãi, cơ cấu nợ quá lớn của khách hàng. Nếu theo quy định hiện nay, các ngân hàng phải làm việc với từng khách hàng để nắm bắt thông tin, sức khỏe tài chính khách hàng để có hướng hỗ trợ thì rõ ràng các ngân hàng không đủ nhân sự và thời gian để xử lý kịp thời với số lượng khách hàng quá lớn (nhất là trong điều kiện nhân sự ngân hàng nghỉ luân phiên, hạn chế tiếp xúc theo quy định cách ly xã hội). 

Ngoài ra, nếu các ngân hàng không xử lý đồng bộ, tình trạng nợ kéo theo của 1 khách hàng tại nhiều tổ chức tín dụng cũng là điều cần được hướng dẫn chi tiết hơn trong mùa dịch. (Vì có thể với cùng 1 khách hàng vay tại nhiều ngân hàng, với ngân hàng này thì khách hàng thỏa điều kiện cơ cấu nợ cho khoản vay X; nhưng với dư nợ Y tại ngân hàng khác không thỏa điều kiện cơ cấu nợ,...thì cũng khó cho khách hàng và các ngân hàng)

Thứ tư, NHNN nên tinh giảm hoặc tạm thời dừng các nội dung báo cáo định kỳ và đột xuất không cần thiết đối với các ngân hàng thương mại trong thời điểm này để các ngân hàng có thể tập trung toàn lực phục vụ khách hàng trong mùa dịch bệnh. Ngoài ra, cơ quan thanh tra NHNN cũng nên xem xét lại kế hoạch thanh tra các tổ chức tín dụng trong năm 2020; tạm hoãn các cuộc thanh tra thường kỳ mà không phải các cuộc thanh tra mang ý nghĩa đặc biệt. Vì một khi các ngân hàng phải căng cứng bố trí nhân sự cho nhiều "mặt trận", vừa kinh doanh, vừa phòng chống dịch, vừa hỗ trợ khách hàng, vừa cung cấp hồ sơ, tài liệu, khắc phục chỉnh sửa khuyến nghị của Đoàn Thanh tra là quá sức với các ngân hàng thương mại trong thời điểm này.

Thứ năm, NHNN nên quy định chế tài thật mạnh đối với các tổ chức tín dụng chưa thực hiện nghiêm quy định pháp luật và của NHNN về công tác phòng chống, dịch bệnh Covid-19. Thậm chí là NHNN có thể yêu cầu xử lý, cách chức các Trưởng đơn vị ngân hàng thương mại thiếu trách nhiệm để mang tính răn đe kịp thời, để tất cả nâng cao ý thức cùng chung tay chống dịch đúng theo chỉ đạo.

Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại (gọi chung là ngân hàng)

Thứ nhất, các ngân hàng nên có kế hoạch, phương án tổng thể và cụ thể để hành động trong mùa dịch, chứ không phải xây dựng phương án theo kiểu đối phó, mang tính hình thức. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân để làm cơ sở để kiểm soát và xử lý; không nên quy định theo kiểu chung chung. Ví dụ: đã quy định chế độ nghỉ luân phiên, nhưng CBNV các ngân hàng vẫn lọt xọt vào cơ quan khi cần thì việc thì việc nghỉ luân phiên không có ý nghĩa.

Thứ hai, các ngân hàng nên chủ động giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng trước khi trông chờ một trần lãi suất chung từ NHNN. Vì như đã phân tích ở trên, lãi suất huy động là đầu vào quan trọng có ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng nên chủ động đối với kinh doanh vàng miếng trước khi NHNN có quy định tạm dừng kinh doanh vàng miếng SJC trong mùa dịch.

Thứ ba, các ngân hàng nên tăng cường công tác an ninh, chống dịch là quan trọng nhưng không nên lơ là công tác bảo vệ, an ninh trước tình hình dịch bệnh, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp.

Thứ tư, các ngân hàng nên có Ban Chỉ đạo từ Hội sở đến Chi nhánh/Phòng giao dịch triển khai quyết liệt việc cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 01 của NHNN và các văn bản có liên quan; quy trách nhiệm đến từng các nhân cụ thể để nâng cao tính chủ động trong công việc; tránh tình trạng làm không đến nơi đến chốn để khách hàng trục lợi chính sách trong giai đoạn hiện nay.

Thứ năm, các ngân hàng soát xét tiết giảm các chi phí nhưng nên cân nhắc vấn để giảm lương người lao động. Vì mỗi nhân viên ngân hàng hiện nay như một chiến sĩ, đối diện với nhiều hiểm nguy để duy trì hoạt động ngành ngân hàng thì thiết nghĩ không nên giảm lương làm mất động lực, ảnh hưởng tâm lý và xáo trộn nguồn nhân lực. Dẫu biết mọi so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên tác giả nêu một ví dụ cụ thể như sau: mặt bằng lương nhân viên ngân hàng hiện nay thấp hơn mặt bằng lương nhân sự ngành y tế, nếu bây giờ chúng ta giảm lương và chế độ của CBNV ngành y tế như ngành ngành hàng thì về góc độ nhân văn và quản lý xã hội sẽ như thế nào? Tác giả xin khẳng định lương của bảo vệ, thủ quỹ, giao dịch viên – những người trực tiếp đối diện hiểm nguy trong mùa dịch là khá thấp (tầm 5 – 8 triệu/tháng).

Thứ sáu, các ngân hàng nên đặc biệt quan tâm công tác nguồn nhân lực trong thời điểm nhạy cảm này. Đây là thời điểm công tác tuyển dụng rất khó triển khai, ít ngân hàng tuyển dụng nhưng không có gì đảm bảo là nhân viên ngân hàng không nghỉ việc trong thời điểm này. Đó là chưa kể trường hợp xấu nhất là khi có nhiều nhân viên ngân hàng bị nhiễm bệnh. Hiện nay, đa phần các ngân hàng đều dừng công tác tuyển dụng, tập trung cắt giảm chi phí, giảm nhân sự yếu kém,...nhưng chưa có phương án tuyển dụng, đào tạo dự phòng trong trường hợp có biến động nhân sự lớn.

Và sau cùng, hơn ai hết, các ngân hàng nên mạnh dạn có những đề xuất cụ thể với NHNN, Chính phủ về các vấn đề khó khăn, vướng mắc khi triển khai các công tác phòng, chống dịch Covid 19. Nếu các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ vẫn còn tâm lý e ngại khi đề xuất với cơ quan quản lý thì rất khó để NHNN, Chính phủ nắm bắt và hỗ trợ kịp thời.

Một số đề xuất gửi tới ngành ngân hàng giúp vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Minh Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên