MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga bắt "đặc vụ Pháp", tạo địa chấn khắp Paris: FSB ra tuyên bố chính thức, ông Macron im ắng bất thường

05-07-2024 - 13:06 PM | Tài chính quốc tế

Vụ bắt giữ chớp nhoáng của Nga đã rạo ra hiệu ứng giống như "một cơn địa chấn" đối với nước Pháp.

Tuyên bố chính thức của FSB

Theo hãng tin Reuters, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 4/7 ra tuyên bố cho biết, nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Vinatier đã nhận tội trong quá trình thẩm vấn về hành vi thu thập bất hợp pháp thông tin quân sự nhạy cảm của Nga. Theo FSB, đây là những thông tin có thể được các phía thù địch sử dụng để chống lại an ninh quốc gia Nga nếu bị lộ ra ngoài.

Nga bắt

Công dân Pháp Laurent Vinatier hiện đang bị tạm giam chờ này xét xử. Ảnh: Ren TV

Trước đó, vào ngày 6/6, ông Laurent Vinatier (48 tuổi) – một chuyên gia về các nước Liên Xô cũ, có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Nga – đã bị FSB bắt giữ với cáo buộc vi phạm luật về "đặc vụ nước ngoài" trên lãnh thổ Nga và thu thập thông tin về các hoạt động quân sự của Nga.

Tuần báo Le Journal du Dimanche (JDD) của Pháp cho biết, các nhân viên của FSB xộc vào quán café ở Moscow một cách rất bất ngờ, khiến Vinatier kinh ngạc tới mức "không hề phản kháng".

Thông tin trên website của Duma Quốc gia Nga cho biết, "đặc vụ nước ngoài" được định nghĩa là những cá nhân hoặc tổ chức nhận được sự hỗ trợ/chịu ảnh hưởng từ nước ngoài và tham gia vào các hoạt động chính trị ở Nga, nhằm mục đích thu thập thông tin về các hoạt động quân sự, kỹ thuật quân sự của Nga, hoặc phổ biến các thông điệp, tài liệu cho người khác, với số lượng không giới hạn.

Cũng theo tuần báo này, vụ bắt giữ chớp nhoáng của Nga đã tạo ra hiệu ứng giống như "một cơn địa chấn" đối với nước Pháp, khiến nỗi sợ hãi bao trùm người Pháp, nhất là những người chưa rời khỏi Moscow.

Hiện tại, Vinatier đang trong quá trình tạm giữ trước khi xét xử, và có nguy cơ phải đối mặt với mức tiền phạt 300.000 rúp và án tù 5 năm nếu bị kết án.

"Công dân Pháp đã hoàn toàn thừa nhận tội lỗi của mình" – Tuyên bố của FSB nêu rõ.

Theo Cơ quan an ninh Liên bang Nga, trong thời gian ở Moscow, Vinatier đã "thiết lập nhiều mối liên hệ với đại diện của công đồng chuyên gia và khoa học", trong đó có các nhà khoa học chính trị, xã hội, kinh tế, chuyên gia quân sự và quan chức chính phủ.

"Trong quá trình liên lạc với những nhóm đối tượng được nêu trên, công dân Pháp (Vinatier) đã thu thập thông tin có tính chất quân sự và kỹ thuật quân sự, có thể được các cơ quan tình báo nước ngoài sử dụng để gây phương hại đến an ninh của Nga" – Tuyên bố của FSB nêu rõ.

Quá trình FSB bắt giữ và thẩm vấn công dân Pháp Laurent Vinatier. Nguồn: Ren TV

Các nhà điều tra Nga cho biết, Vinatier đã không tuân thủ luật "đặc vụ nước ngoài" của Nga trong nhiều năm, và họ hiện đã có trong tay các bản ghi âm một số cuộc gặp giữa Vinatier với các nhân vật khác.

Ủy ban Điều tra Nga cho biết họ đã thẩm vấn ít nhất 7 người mà ông Vinatier đã tổ chức các cuộc gặp để thu thập thông tin trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và hoạt động quốc phòng.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách Nga đã yêu cầu "giám định ngôn ngữ" đối với bản ghi âm các cuộc gặp và thiết bị điện tử tịch thu được từ Vinatier.

Cũng trong ngày 4/7, tòa án quận Zamoskvoretsky cho biết, họ đã tiến hành tịch thu tài sản của Vinatier, theo khoản 3 điều 330.1 Bộ luật hình sự liên bang Nga.

Ông Macron sẽ làm gì tiếp theo?

Theo Reuters, việc FSB bắt giữ ông Vinatier được xem là tín hiệu gửi tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người đã nhiều lần kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tăng cường hỗ trợ Ukraine khi lực lượng Nga tiến quân.

Trước đó, nhà lãnh đạo Pháp phủ nhận việc Vinatier làm việc cho chính quyền Paris, đồng thời cho biết nhân vật này làm việc cho một nhóm hòa giải xung đột (HD) có trụ sở tại Thụy Sĩ. Ông Macron mô tả vụ bắt giữ "là một phần trong chiến dịch bóp méo thông tin của Moscow" và kêu gọi Nga trả tự do cho Vinatier.

Bình luận về tuyên bố của FSB, tờ Le Parisien (Pháp) cho hay, tới nay, cáo buộc duy nhất mà phía Nga đưa ra để chống lại Vinatier là không tuân thủ luật "đặc vụ nước ngoài" và "cố tình thu thập thông tin về hoạt động quân sự, cũng như kỹ thuật quân sự của Nga".

Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, cáo buộc này được thay đổi thành "cáo buộc gián điệp" thì Vinatier sẽ có nguy cơ phải đối mặt với mức án khắc nghiệt hơn nhiều, lên tới 20 năm tù. Theo Le Parisien, mức hình phạt dành cho tội "gián điệp" và "phản quốc" ở Nga đã tăng lên gấp bội trong những năm gần đây, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2022.

Nga bắt

Ông Macron đang "biến mất" sau kết quả đáng thất vọng tại vòng 1 bầu cử Quốc hội Pháp. Ảnh: Sydney Morning Herald

Hiện đang có nhiều câu hỏi về phản ứng của ông Macron sau tuyên bố của FSB. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ông Macron giờ đây đang bị cuốn vào một tình huống có sức nặng hơn cả tín hiệu cảnh báo của Moscow.

Tờ Politico ngày 4/7 cho biết, lần cuối cùng ông Macron xuất hiện trước công chúng Pháp là vào Chủ Nhật tuần trước (30/6) khi tới điểm bỏ phiếu trong khuôn khổ vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp ở thị trấn ven biển Le Touquet.

Người ta chỉ nhìn thấy ông Macron và vợ đi dạo trên những con phố ở Le Touquet vài giờ trước khi chiến thắng của Đảng Tập hợp quốc gia (RN) được công bố, đánh dấu nguy cơ thất bại nghiêm trọng của nhà lãnh đạo Pháp.

Ngay trong ngày 30/6, thay vì xuất hiện trên truyền hình để an ủi đồng minh sau thất bại đáng kinh ngạc trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội, Điện Elysée chỉ phát đi thông báo ngắn gọn từ Tổng thống kêu gọi đoàn kết.

Đây là lần đầu tiên liên minh trung tâm của Macron – vốn đã rối ren sau thất bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hôm 9/6 – phải chiến đấu một cách tuyệt vọng mà không có sự hỗ trợ từ lãnh đạo của họ.

Kể từ hôm đó tới nay, ông Macron cũng không xuất hiện trước công chúng Pháp, ngoại trừ những sứ mệnh quốc tế đã được lên kế hoạch.

Theo Politico dự đoán, có lẽ phải tới ngày 7/7 tới (vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp), ông Macron mới xuất hiện trở lại trước công chúng. Lúc này, nếu chiến thắng của Đảng RN được ấn định, Tổng thống Pháp sẽ phải tiến hành quá trình chọn Thủ tướng mới.

Trong bối cảnh đó, khó có thể kỳ vọng phản ứng tức thời của ông Macron trước tuyên bố của Cơ quan an ninh Liên bang Nga về vụ án Vinatier, dù trước đó nhà lãnh đạo Pháp phản ứng gay gắt.

Theo Tùng Chi

Đời sống và pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên