Nghe 2 cô chủ XÉO XỌ kể chuyện làm áo dài Tết: Khởi nghiệp với vỏn vẹn 800 nghìn, không tính nổi 'học phí' cho những bài học kinh doanh suốt 9 năm
Tay ngang khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, 9 năm kinh doanh thời trang, 5 năm làm áo dài là hành trình cần nhiều lắm sự kiên trì và quyết tâm “không bỏ cuộc” của 2 founder áo dài XÉO XỌ.
- 20-01-2023Đại sứ nữ nhân công nghệ đầu tiên của Google tại VN: “Đưa Việt Nam lên bản đồ nữ nhân công nghệ thế giới, để phụ nữ tỏa sáng trên vũ đài lập trình”
- 18-01-2023CEO bánh chưng Nương Bắc kể chuyện công ty vừa thành lập đã dừng hoạt động, tặng miễn phí 200 sản phẩm để tìm câu trả lời có nên đi tiếp
- 16-01-2023MC VTV tuổi Mèo Đức Bảo: Cầm tấm bằng Bách khoa đi làm truyền hình, suốt 10 năm chưa một lần có ý định đổi nghề
Những ngày giáp Tết của người kinh doanh luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm. Hai founder của thương hiệu thời trang XÉO XỌ, chị Hán Minh Hằng và Nguyễn Thanh Hương cũng không phải ngoại lệ, tất bật với BST áo dài Tết và khai trương cửa hàng thứ 3 tại Nam Ngư, Hoàn Kiếm (Hà Nội).
BST Tết Quý Mão năm nay với tên gọi “Túc Mạch” với 4 mẫu áo dài, đại diện cho hình ảnh của 3 miền Việt Nam, khởi hành từ Hà Nội, nghỉ chân ở Huế, chu du tới Sài Gòn và cuối cùng trở về Hà Nội, cũng là nơi XÉO XỌ ra đời.
Từng BST áo dài trong suốt 5 năm qua cũng là những sản phẩm mà 2 founder cực kỳ tâm đắc, được lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. 9 năm đồng hành cùng nhau với chị Hằng và chị Hương là cuộc chạy tiếp sức, luôn cần sự kiên trì và quyết tâm “không bỏ cuộc”.
Cơ duyên nào đã đưa các chị đến với công việc kinh doanh thời trang và khởi nghiệp với XÉO XỌ?
Minh Hằng: Nói đơn giản là số định thế rồi. Vì tôi học Ngân hàng, không được học thời trang vì bố mẹ tôi nghĩ đó là một ngành “dở hơi”, không kiếm ra tiền. Hồi đó, ít ai cho con học thời trang trang lắm, kể cả nhà có nòi.
Năm 2 Đại học tôi gặp chị Hương. Khi ấy cả hai còn đang đi học nên mới rủ nhau làm gì đó thôi. Vốn ban đầu chỉ 800 nghìn đồng, đi mua đồ cũ về bán, cứ thế bán 1-2 cái lại mua 1-2 cái,… Cứ bán ra mua vào như vậy là khởi nghiệp. Tất cả bắt đầu từ căn phòng rất nhỏ ở nhà bố cho mượn.
Tiếp đó XÉO XỌ mở được cơ sở mới ở Tràng Thi. Bán đồ cũ 1-2 tháng thì 2 đứa thấy không ổn vì khi bung kiện, quần áo cũ chứa rất nhiều bụi. Trong không gian hẹp thì như vậy sẽ càng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nên tôi và chị Hương đi tự đi chọn mua vải, tự may để làm tiếp. XÉO XỌ đã hình thành như thế đấy.
Cả 2 cũng chưa từng học về kinh doanh trước đó nên vừa làm, vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm. Sẽ có những bài học phải trả bằng tiền, tất cả đều là học phí hết.
Đó là cách XÉO XỌ ra đời, vậy từ khi nào các chị bắt đầu kinh doanh áo dài?
Minh Hằng: XÉO XỌ đã làm áo dài ở Hội Vũ từ 5 năm nay trước, khi đó mọi người ít mặc áo dài, chủ yếu các cô, các mẹ mặc thôi. Cùng năm chúng tôi bắt đầu làm áo dài, mọi người có trào lưu mặc áo dài cách tân với tà ngắn.
Vì đã muốn làm từ lâu nên tôi và chị Hương đã quyết định bắt tay vào làm áo dài. May mắn là gần đây, mọi người ưa chuộng và để tâm đến áo dài nhiều hơn nên XÉO XỌ mới được như hiện tại.
Khi mới khởi nghiệp là lúc các chị còn rất trẻ, còn là sinh viên, phong cách cũng hướng đến người trẻ. Đối tượng khách hàng chủ yếu Xéo Xọ hiện này có còn là người trẻ không?
Minh Hằng: Tôi nghĩ là không, vì bản thân chúng tôi cũng không còn trẻ nữa, Mình không thể làm đồ cho những người không gần tuổi của mình được.
Cách đây 7-9 năm, tôi đã làm đổ trẻ: váy ngắn, babydoll,… Nhưng giờ lớn hơn rồi, tôi không còn làm những đồ như thế nữa. Đối tượng khách hàng XÉO XỌ hướng tới hiện tại là người trên 25 tuổi, hoặc có thể lớn hơn nữa.
Khi cùng điều hành XÉO XỌ, 2 chị phân vai trò như thế nào?
Minh Hằng: Tôi làm Sản xuất còn chị Hương sẽ làm hình ảnh, Marketing, Branding.
Đâu là lợi thế của một thương hiệu thời trang khi có 2 founder?
Thanh Hương: Theo tôi thì đó là sự bù trừ. Vì chạy một mình cũng có lúc kiệt sức. Khi có người làm cùng thì cả 2 chạy tiếp sức, đỡ mệt hơn, đi được đường dài hơn.
Minh Hằng: Đi một mình đúng là không thể đi xa thật và cũng khó đi tốt được. Những phần người này giỏi thì người kia không giỏi và ngược lại thì cả 2 đứa sẽ phân công đầu việc cho nhau.
XÉO XỌ của bây giờ so với ngày đầu tiên khác biệt như thế nào?
Minh Hằng: Chắc là đỡ nghèo hơn (cười). Khởi nghiệp thì nghèo lắm. Bây giờ thiết kế cũng khác vì độ tuổi của tôi và chị Hương đến một đoạn không thay đổi phong cách nữa. Như vậy sản phẩm cũng sẽ ổn định hơn, tệp khách hàng cũng giữ vững, không còn bị xê dịch nữa. Doanh thu, cửa hàng cũng duy trì tốt hơn.
Thanh Hương: Hồi đó còn trẻ thì sẽ phải loay hoay tìm hướng đi. Người trẻ thì ai cũng sẽ như vậy. Giờ thì bớt trẻ hơn (cười).
Áp lực nào lớn nhất khi khởi nghiệp và kinh doanh thời trang? Liệu đó có xoay quanh câu chuyện “theo trend”, “hợp thời” không?
Minh Hằng: Áo dài XÉO XỌ không định hướng theo trào lưu nên cũng không có áp lực phải “hợp mốt”. Nhưng thời trang thì luôn cần sự bắt mắt và áp lực khi làm thời trang là sẽ phải thay đổi liên tục. Trong 1 năm bạn không thể chỉ bán 10 bộ giống nhau được. Bình quân mỗi năm XÉO XỌ sẽ có 17 BST chia cho 12 tháng, đó là áp lực sáng tạo trong thời trang.
Thêm vào đó là áp lực chi phí, nhân công, trách nhiệm,... Có thể 2 đứa tôi không đi làm giờ hành chính như mọi người, có những ngày nghỉ đột xuất nhưng khối lượng công việc sẽ không giảm mà phải tăng lên vào các ngày khác. Người làm chủ luôn luôn phải làm nhiều hơn. Mọi người vẫn nghĩ chủ làm rảnh hơn nhưng thực tế không phải như vậy vì nếu chủ rảnh thì nhân viên sẽ không có việc.
Ví dụ tôi ngừng làm mẫu thì nhân công không có mẫu để may, cửa hàng không có sản phẩm để bán. Chị Hương ngừng đi chụp thì tôi đưa cho ai làm hình ảnh sản phẩm, làm media hoặc chị Hương ngừng làm Marketing thì mọi thứ cũng sẽ dừng lại.
Cũng có áp lực bị nhái mẫu nữa, vừa làm xong thì shop khác đã làm y hệt, dùng cả hình ảnh của bên mình để quảng cáo. Áp lực về chi phí cũng là bài toán người chủ phải chịu.
Khi bị vướng vào trường hợp XÉO XỌ bị nhái mẫu, các chị đã giải quyết như thế nào?
Minh Hằng: Tôi nghĩ khách hàng phải tự thông thái bởi với vấn đề sở hữu trí tuệ này doanh nghiệp không thể làm gì được. Để tránh bị tổn thất thì thương hiệu phải nâng cao chất lượng lên, làm sản phẩm tốt hơn, mẫu đẹp hơn và cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn.
Kinh doanh quần áo, sản phẩm luôn là quan trọng nhất. Thương hiệu có sản phẩm tốt mới đi được đường dài. Hình ảnh đẹp, quảng cáo tốt mà sản phẩm không chất lượng thì sau 1 năm khách hàng cũng bỏ mình thôi. Vậy nên chúng tôi nâng cao chất lượng bằng cách tập trung vào mẫu mã, chất liệu sản phẩm.
Khách hàng ở phân khúc có tài chính họ cũng rất thông thái, không vì giá rẻ hơn mà mua đồ kém chất lượng, hàng fake. Điều này cũng để bảo vệ bản thân họ cũng như thương hiệu.
XÉO XỌ bắt đầu ra mắt những BST áo dài Tết từ khi nào? Trong tất cả các BST thì đâu BST các chị ấn tượng nhất?
Thanh Hương: BST áo dài đầu tiên cũng là mẫu làm cho Tết năm đó. Mỗi BST sẽ đều có những đặc trưng riêng, sẽ là những gì tôi và Hằng đúc kết trong năm đó.
Minh Hằng: Tâm đắc ở đây là quá trình làm vì chúng tôi phải tìm kiếm và vẽ ra họa tiết áo dài, không phải họa tiết vu vơ sao chép trên mạng đâu. Thêm nữa là nếu không tâm đắc một sản phẩm thì nó đã không được lên kệ rồi.
BST áo dài Tết của XÉO XỌ vô cùng kỳ công khi mỗi mẫu áo đều có tên riêng, có mấn đội riêng và cả mẫu cho trẻ em. Vậy XÉO XỌ tốn bao lâu hoàn thiện 1 BST áo dài Tết?
Thanh Hương: Ít nhất phải nửa năm hoặc tầm một năm. Cụ thể là sau Tết năm nay thì chúng tôi phải bắt đầu làm ngay cho Tết năm sau rồi.
Bắt tay vào làm áo dài Tết sớm như vậy thì có khi nào đến gần Tết năm sau các chị sẽ thay đổi điều gì đó không?
Thanh Hương: Trong quá trình đó chúng tôi sẽ phải làm từng bước rất kỹ để hạn chế những thay đổi, sai sót. Đầu tiên là khâu lên ý tưởng, nghiên cứu. Phần lên ý tưởng rất quan trọng vì nó sẽ xuyên suốt, là base (cơ sở) cho mọi thứ đi theo sau này.
Sau đó là bước phác thảo rồi lên màu, hoặc việc lên màu và phác thảo có thể song song. Tiếp đến là test (thử) màu. Đây cũng là công đoạn lâu nhất vì sẽ rất mất thời gian để test ra được mà chúng tôi ưng ý. Khi sản phẩm đã hoàn thành thì đến công đoạn Marketing, làm hình ảnh và bán hàng. Song song việc bán hàng thì XÉO XỌ vẫn tiến hành cả các hoạt động Marketing nữa.
Minh Hằng: Sản xuất cũng phải rất sớm không thể đến gần Tết mới sản xuất được vì áo dài XÉO XỌ không phải cắt hàng loạt bằng máy mà phải cắt từng chiếc một. Có 1000 cái thì cũng cắt riêng 1000 cái.
Công đoạn lựa chọn hoa văn trên áo dài được các chị thực hiện như thế nào?
Minh Hằng: Chúng tôi thường nghiên cứu hoa văn từ sách. Sách đã xuất bản thường phải trải qua một ban kiểm duyệt nên đó là một nguồn đáng tin. Mình sẽ cần search (tìm kiếm) nhanh và search chậm. Đọc sách, lưu lại thông tin đó, sau đó search nhanh trên Google thêm thông tin để chia ra các nhánh, sau đó hình thành được 1 cây gia phả. Từ cây gia phả đó mới vẽ nên họa tiết của áo dài. Tất cả đều xuất phát từ lịch sử, không phải vu vơ đâu.
Thời của chúng tôi chỉ có thể học qua sách, mỗi người có gu sách riêng. Như chúng tôi hay đọc sách văn hóa, yêu thích văn hóa Việt Nam nên muốn lồng các chi tiết liên quan đến văn hóa vào áo dài.
Áo dài Tết cũng được coi là một sản phẩm mang tính thời vụ, 1 BST chỉ có thể phục vụ cho một mùa Tết. Với XÉO XỌ, việc kinh doanh áo dài Tết có mang tính mạo hiểm không?
Minh Hằng: Tết là dịp mọi người vui vẻ hơn, hoan hỉ mua sắm, có điều kiện chi tiêu hơn thì việc kinh doanh áo dài cũng không có gì mạo hiểm cả. Thị trường sôi động hơn, khách mua nhiều và cũng đỡ khó tính hơn nữa.
Thanh Hương: Mình và Hằng đều yêu thích Tết, chỉ mong đến Tết và hè thôi. Nếu kinh doanh như chúng tôi chắc ai cũng mong chờ đến Tết, tháng nào cũng là Tết (cười).
Với những BST áo dài Tết trước đây, làm sao để giải quyết bài toán nếu không bán được hết các mẫu và có hàng tồn kho?
Thanh Hương: Trộm vía là áo dài Tết từ trước đến nay của XÉO XỌ không có hàng tồn kho. Áo dài Tết chúng tôi làm không phải chỉ để bán trong 1 năm đó mà có thể bán xuyên suốt nhiều năm.
Minh Hằng: Có những mẫu từ 2019 đến bây giờ cửa hàng vẫn bán. Câu chuyện kinh doanh cũng không phải mình làm rồi tồn mà là làm đến đâu bán đến đấy. Phòng kinh doanh sẽ phân tích dựa trên dữ liệu để ra quyết định làm bao nhiêu để bán mà không bị lỗ, không bị tồn.
Khi chọn thời điểm này để khai trương cửa hàng mới thì 2 chị có xác định sẽ làm việc xuyên Tết không ?
Thanh Hương: Tết mọi người đều nghỉ. Cửa hàng sẽ mở đến 28-29 Tết để nhân viên nghỉ và sau đó chúng tôi cũng sẽ nghỉ Tết. Nhưng hiện tại thì XÉO XÓ cũng đã có BST cho 2 tháng sau Tết rồi, không phải nghỉ Tết xong mới bắt đầu cho năm mới. Trước khi nghỉ chúng tôi đều phải có sự chuẩn bị trước, Têt cũng vậy mà hè cũng vậy.
Trải qua 2 năm dịch bệnh khó khăn, năm 2022 vừa qua cũng được đánh giá là một năm đầy biến động. XÉO XỌ đã trải qua những khó khăn như thế nào?
Minh Hằng: Thời gian đó, XÉO XỌ không bán được hàng, doanh thu giảm, Không mở được cửa hàng nhưng vẫn phải trả tiền thuê cho chủ nhà, trả lương cho nhân viên vì họ đã theo mình rất nhiều năm, không thể vì dịch mà không trả lương cho họ được.
Thanh Hương: Đơn online 2 đứa đều tự đóng gói, tự đi sang xưởng, vì nhân viên không được ra khỏi nhà. Trộm vía là kết hợp cùng chiến lược Marketing thì khách hàng mua online vẫn đủ để XÉO XỌ tồn tại qua mùa dịch.
Vừa gồng gánh 2 cửa hàng cũ, vừa mở thêm 1 cửa hàng mới, liệu cửa hàng mới tại Nam Ngư này có phải điều các chị tự hào nhất sau 2 năm khó khăn vừa qua không?
Minh Hằng: Tôi nghĩ khi kinh doanh mà có thành tựu thì ai cũng đều tự hào thôi. Nhưng cửa hàng cũng chỉ là trước mắt, còn điều tự hào là chính bản thân mình đã đi được bao xa. Những năm trước tôi cũng đâu nghĩ được mình sẽ phát triển được như thế này.
Với kinh nghiệm của 2 chị, để kinh doanh thành công cần những yếu tố nào?
Minh Hằng: Phải chăm chỉ và kiên trì. Vì có những lúc nghèo mà, đâu phải lúc nào cũng đi “băng băng” đâu. Từ số vốn như thế làm sao giàu nhanh được. Bạn cũng phải tiết kiệm nữa. Ví dụ như bạn có lãi mà tiêu hết thì lấy đâu ra tiền làm cửa hàng mới, rồi Covid-19 lấy đâu ra tiền để trụ?
Nhiều người làm chủ tháng này lãi 100 triệu tiêu hết 90 triệu, nhưng đó không phải cách tôi làm. Chúng tôi luôn nghiêm khắc với bản thân mình, kể cả kiếm được nhiều thì cũng chỉ đưa nhau một khoản thôi, tiền thừa sẽ cất đi. Để đến khi thực sự dư rồi thì mới dùng đến nó.
Thành công thì tôi chỉ thấy mình đang làm tốt trong khả năng của mình và được đón nhận. May mắn làm ra sản phẩm, chọn màu tốt, làm form (dáng) tốt nên được nhiều người ưa chuộng. Tất cả những gì chúng tôi đang làm đều theo bản năng, không qua trường lớp chuyên nghiệp như nhiều nhà thiết kế tên tuổi khác.
Mọi người hay tưởng chúng tôi vắng khách, “bán đắt thế này ai mua, có cái áo mà may lâu thế” nhưng may mắn là XÉO XỌ vẫn được nhiều khách hàng yêu thích.
Chị có nhắc đến thành công khi kinh doanh cần may mắn, vậy may mắn chiếm bao nhiêu phần trăm để XÉO XỌ có thể ngày hôm nay?
Minh Hằng: Tôi nghĩ cũng phải 50%. Nhưng may mắn tôi nói đến ở đây là kiểu cách mình thích, sản phẩm mình làm ra cũng phù hợp với mọi người, được mọi người yêu thích và đón nhận. Còn lại vẫn là do bản thân chăm chỉ
Thanh Hương: May mắn thì cũng xuất phát từ sự cho đi và nhận lại. Chúng tôi cũng phải đánh đổi bằng những bài học. Nếu không cho đì điều gì mà muốn nhận lại may mắn thì khó đấy.
Thanh Hương: May mắn nữa là cả 2 đứa đều được gia đình ủng hộ. Vào mùa Tết phải tăng ca, làm việc nhiều hơn, mọi người trong gia đình sẽ giúp đỡ chúng tôi việc nhà và chăm con. Bù lại thì những lúc không bận thì chúng tôi vẫn dành đủ thời gian cho gia đình, đưa đón con đi học. Đó cũng là sự bù trừ để cân bằng công việc và cuộc sống.
Đã bao giờ các chị cảm thấy khó khăn, muốn bỏ cuộc và không làm áo dài nữa hay chưa?
Thanh Hương: Slogan của chúng tôi là “không bỏ cuộc”. Có nhiều người không kiên trì nhưng trên thực tế, làm gì cũng sẽ đến đoạn khó. Yêu ai cũng đến đoạn khó mà (cười). Nếu thấy 1,2 đoạn khó mà bỏ cuộc luôn, đổi sang việc khác khó khăn vẫn như vậy, khó khăn vẫn mãi ở đó nếu bạn không vượt qua được. Vượt qua khó khăn này lại có khó khăn tiếp (cười), cuộc sống luôn là như vậy.
XÉO XỌ có dự định mở rộng thêm tệp khách hàng là nam giới không?
Minh Hằng: Đồ cho nam giới mẫu mã, màu sắc không đa dạng và nam giới cũng mua sắm ít nữa. Mình phải làm đồ gì bản thân mình mặc thì mới hiểu rõ được. Ví dụ như nam làm đồ nữ phải rất rất giỏi thì làm mới tốt. Nếu không có thể dẫn đến việc làm form không chuẩn vì không bao giờ mặc.
Như XÉO XỌ, sản phẩm trước khi ra mắt chúng tôi phải thử rất lâu. Tự may cho mình mặc để xem vải như thế nào, form lên người như thế nào, đem về giặt tay, giặt máy, sấy, phơi nắng để xem có chuyện gì xảy ra không, có bị phai hay co lại không để còn xử lý. Tất cả những cái đó với đồ nam thì mình không kiểm tra được.
Bật mí mục tiêu trong năm mới Quý Mão của 2 chị và XÉO XỌ?
Minh Hằng: Trước mắt thì XÉO XỌ chưa có ý định mở rộng thêm quy mô vì làm cửa hàng cũng rất cầu kỳ và vất vả. Cửa hàng của XÉO XỌ không phải cửa hàng công nghiệp để làm thành chuỗi được. Bản thân tôi và chị Hằng cũng chỉ mong là sẽ có thể làm tốt hơn năm trước là được rồi. Nghề này cùng có thời điểm mà, qua trọng là cứ cố gắng để tốt hơn, đến khi không làm được nữa thì mới thôi.
Cảm ơn 2 chị vì những chia sẻ này!
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Sẵn sàng 2023
Xem tất cả >>- Cơ cấu cổ đông của Traphaco "lợi hại" như thế nào?
- Thị trường nhà thuốc cạnh tranh gay gắt, Traphaco tăng cường đồng hành cùng các nhà thuốc truyền thống
- Tái cấu trúc Traphaco: Động lực tăng trưởng mới ngoài “con bò sữa” đông dược
- Traphaco nâng tầm các sản phẩm quốc dân Boganic, Hoạt huyết dưỡng não bằng phiên bản cao cấp
- Traphaco vượt thử thách trong quá trình chuyển giao công nghệ dược phẩm từ Daewoong