Ngủ dậy có nên gấp chăn luôn không? Phân tích của chuyên gia gây bất ngờ
Thói quen tưởng chừng như đơn giản đó là gấp chăn mỗi khi ngủ dậy, thực tế không phải ai cũng biết làm đúng cách.
- 21-05-2023Nhiều thanh niên tại quốc gia này tài khoản tiết kiệm chỉ vài chục nghìn đồng, 'tan biến' luôn giấc mơ mua nhà, mua xe, cưới vợ
- 20-05-2023Mắc kẹt với công việc không thích sẽ gây ra hậu quả ‘đáng báo động’ nào cho sức khoẻ?
- 19-05-2023Kiếm đến hơn 2,3 tỷ đồng/năm, vì sao nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu tại quốc gia này vẫn cảm thấy mình không hề giàu có?
Gấp chăn màn gọn gàng ngay sau khi thức giấc là thói quen của rất nhiều người. Thói quen này giúp đem lại sự gọn gàng, sạch sẽ cho khu vực giường ngủ cũng như toàn bộ không gian phòng ngủ.
Tuy nhiên trên thực tế, việc gấp chăn màn ngay sau khi vừa sử dụng xong lại có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người sử dụng. Nghe có vẻ thật vô lý nhưng điều này đã được các chuyên gia chứng minh, bằng những nghiên cứu cụ thể.
Các chứng minh cụ thể từ các chuyên gia
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, trong suốt cuộc đời, trung bình một người sản sinh ra 18kg tế bào da chết. Khi ngủ, cơ thể con người sẽ tiết ra hơn 140 loại hóa chất qua đường hô hấp, hơn 150 hóa chất được bài tiết qua mồ hôi, ngoài ra còn có nhiều loại khí như CO2 và một số khí thoát ra từ lỗ chân lông… Và chăn, gối, ga giường chính là nơi giữ lại nhiều hơi ẩm và khí thải của cơ thể nhiều nhất.
Chăn ga gối sau khi con người vừa ngủ dậy sẽ có nhiều tế bào chết hay mồ hôi (Ảnh minh họa)
Chuyên trang Expert Cleaning Tips cũng giải thích thêm rằng, khi bạn vừa ngủ dậy, chăn gối vẫn còn nóng ẩm do chính các chất mà cơ thể con người bài tiết ra. Nếu gấp chăn ngay lúc này, những chất đó sẽ bị ủ và tích tụ lại mà không thoát ra được. Không chỉ vậy, nếu bạn gấp chăn ngay lại, sẽ càng tạo ra môi trường có độ ẩm cao, thuận lợi cho một vài loài gây hại như rệp giường, mạt bụi, nấm mốc… sinh sôi và lây truyền kí sinh trùng gây bệnh nguy hiểm.
Trong đó, rệp giường thể hút máu đến 500 lần mỗi đêm, còn mạt bụi sẽ ăn da chết của con người. Trên chiếc giường của bạn có thể chứa tới 100.000 – 10 triệu con mạt bụi với kích thước siêu nhỏ, có thể gây các vấn đề về da như kích ứng, nổi mẩn ngứa, mụn lưng…
Chính bởi những chứng minh trên, tốt hơn hết chúng ta không nên gấp chăn ngay sau khi vừa ngủ dậy. Thay vào đó, hãy để nguyên hoặc rũ phẳng mọi thứ ra để chúng được khô bớt, sau đó mới gấp hay sắp xếp gọn gàng lại.
Rũ mọi thứ sau đó để một lúc rồi mới gấp gọn gàng lại (Ảnh minh họa)
Nên gấp chăn màn vào lúc nào vào thời điểm nào?
Có thể thấy rằng việc không gấp chăn màn ngay sau khi ngủ dậy không hề là một thói quen xấu hay chứng tỏ bạn quá bừa bộn. Nhưng nếu bạn vẫn muốn nhà cửa, giường chiếu luôn ngăn nắp thì nên gấp chăn màn vào thời điểm nào là tốt nhất?
Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, sau khi thức dậy bạn hãy đi làm vệ sinh cá nhân buổi sáng, ăn sáng hay thậm chí thay quần áo xong, sau đó quay lại gấp chăn. Cách này vừa đảm bảo hạn chế tích tụ vi khuẩn ở chăn gối, vừa giữ được sự ngăn nắp, gọn gàng của bạn.
Để cách này hiệu quả nhất, bạn có thể giũ chăn, lật ngược lại, trải ra giường rồi mở cửa thông thoáng để các loại khí và hơi tích tụ trong chăn thoát ra ngoài. Và đừng quên giặt chăn đệm và ga giường định kỳ, ít nhất từ 1 – 2 tuần một lần để đảm bảo chăn gối luôn thơm tho sạch sẽ.
Ảnh minh họa
Một số lưu ý khi dọn dẹp chăn gối đúng cách
Thường xuyên giặt chăn ga gối đệm
Một sự thật mà ít người biết rằng chăn ga gối đệm thực chất còn bẩn hơn rất nhiều so với chiếc áo dính đầy mồ hôi hay chiếc quần jeans đã lâu không giặt. Ngủ trên giường hằng đêm khiến mồ hôi, các loại dầu, tế bào chết từ cơ thể tiết ra và tích tụ lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi trùng gây bệnh sinh sôi. Nếu quá lâu không giặt chăn, ga, gối, chúng ta có thể gặp những vấn đề về da liễu như ngứa ngáy khó chịu, nổi mụn trên mặt và lưng.
Chính vì lý do đó, chăm chỉ giặt giũ sạch sẽ ga trải giường hai lần/tuần, thậm chí 1 tuần/lần sẽ bảo vệ tốt cho làn da và sức khỏe của bạn và người thân.
Chăn ga nên được giặt thường xuyên, khoảng 1 tuần 1 lần (Ảnh minh họa)
Giặt chăn, ga, gối, nệm đúng cách
Khi giặt chăn ga gối trong máy giặt, hãy chọn chế độ giặt đồ trải giường. Nếu máy giặt của bạn không có chức năng này, bạn có thể chọn chế độ giặt nhẹ nhàng, giúp giảm thiểu tối đa các nếp nhăn hay các chà xát quá mức vào đồ dùng.
Ngoài ra bạn cũng có thể chọn chế độ giặt bằng nước nóng để loại bỏ các loại vi khuẩn gây bệnh. Sau khi giặt xong, hãy đảm bảo phơi chăn ga thật khô dưới ánh nắng mặt trời, hoặc sử dụng các phương pháp sấy bằng điện, trước khi cất hoặc đem vào sử dụng.
Chăn ga gối nên được phơi hoặc sấy khô triệt để trước khi cất đi hoặc đưa vào sử dụng (Ảnh minh họa)
Hút bụi giường nệm hàng ngày
Việc vệ sinh giường nệm hàng ngày cũng rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn. Dù cho nhìn chúng có vẻ sạch sẽ song trên thực tế, chúng vẫn cần được hút bụi hàng ngày.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các thiết bị chuyên dụng để phục vụ cho việc này. Các loại máy hút bụi giường thường nhỏ gọn, công suất dao động 350 – 450W, lực hút mạnh, có thể hút được nhiều loại chất bẩn. Ngoài ra nhiều loại hiện đại hơn còn có chức năng khử khuẩn bằng tia UV, giúp loại bỏ đến 99% vi khuẩn, bụi bẩn, tóc rụng, phấn hoa, lông thú cưng… dính trên giường.
Bên cạnh máy hút bụi giường nệm, bạn có thể kết hợp sử dụng các loại xịt sát khuẩn giường nệm, vừa sát khuẩn, vừa giúp chăn gối của bạn có hương thơm dễ chịu.
Nệm, ga hay chăn nên được hút bụi thường xuyên bằng thiết bị chuyên dụng (Ảnh minh họa)
Đặt giường ở vị trí thích hợp
Vị trí đặt giường cũng rất quan trọng và có ảnh hưởng phần nào để sự vệ sinh của nó. Giường ngủ cần được đặt ở vị trí thoáng mát, tránh những khu vực ẩm ướt. Độ ẩm là môi trường đặc biệt cho nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi, gây mất vệ sinh và mùi hôi khó chịu cho chăn gối.
Việc đặt giường ở nơi sạch sẽ thoáng mát, không khí lưu thông tốt vừa giúp ích cho giấc ngủ, vừa ngăn ngừa các loại khí độc, vi khuẩn sinh sôi. Ngoài ra cũng không nên đặt giường ở nơi ánh nắng quá gắt chiếu vào, ánh nắng sẽ khiến các loại giường gỗ, giường vải trở nên bạc màu, giảm tuổi thọ.
Trí thức trẻ