MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân e ngại lây nhiễm bệnh khi giao dịch bằng tiền mặt

06-04-2020 - 10:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Trước khuyến cáo, tiền mặt ẩn chứa vi khuẩn có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm, nhiều người đã e ngại và chuyển sang thanh toán trực tuyến.

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương cho thấy, thói quen sử dụng tiền mặt ở Việt Nam vẫn phổ biến, chiếm tới 90% số lượng các giao dịch. Đáng nói, các tờ tiền mặt giao dịch qua lại ẩn chứa nhiều vi khuẩn có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho người.

Theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong một gam tiền giấy có tới 210 triệu vi khuẩn hiếm khí và 32.000 vi khuẩn gram âm.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra khuyến cáo, tiền giấy, tiền polymer hay tiền xu có thể là vật dụng trung gian truyền nhiễm bệnh, tiềm ẩn nhiều rủi do cho người sử dụng.

Người dân e ngại lây nhiễm bệnh khi giao dịch bằng tiền mặt - Ảnh 1.

Tiền mặt ẩn chứa nhiều vi khuẩn có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm.

Chị Trần Thu Hằng, nhân viên văn phòng ở Trung Hòa, Nhân Chính (Hà Nội) cho biết, trước đó chị được nghe, đọc trên các phương tiện truyền thông về khả năng lây nhiễm bệnh trên tiền mặt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị đã hạn chế giao dịch tiền mặt một cách tối đa. Khi đi mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chị Hằng thường dùng thẻ visa, chuyển khoản tiền mặt hay tận dụng các tiện ích của ứng dụng trên Mobile để giao dịch.Trước những cảnh báo đó, nhiều người tỏ ra lo ngại khi giao dịch tiền mặt hàng ngày và có xu hướng dịch chuyển dần sang thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo an toàn.

Cũng như chị Hằng, anh Đặng Thanh Tùng, ở Ngọc Hà, Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, anh có thói quen giao dịch 100% bằng tiền mặt hàng ngày, từ khi xuất hiện dịch bệnh, anh đã chuyển hẳn sang sử dụng online banking hay tận dụng tính năng QR Pay trên Mobile. Đồng thời, anh Tùng cũng vận động, hướng dẫn vợ hạn chế sử dụng trực tiếp tiền mặt, trừ khi đi chợ truyền thống hay mua sắm những mặt hàng có giá trị nhỏ.

Việc hạn chế sử dụng thanh toán bằng tiền mặt không chỉ được nhiều người tiêu dùng tán thành mà các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng lớn cũng hưởng ứng tích cực.

Theo quan sát của phóng viên VOV.VN, tại các hệ thống siêu thị Vinmart, Intimex hay Hapro… có tới 70% lượng người thanh toán không dùng tiền mặt. Những hệ thống siêu thị này cũng khuyến khích người dùng nên sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc thay vì tiền giấy.

Trong lĩnh vực bán lẻ, những "đại gia" lớn trong ngành cũng nhanh chóng bắt “trend", đưa ra nhiều tiện ích thông minh, mang trải nghiệm mua sắm 4.0 tiện lợi, an toàn đến người tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Trong đó, phải kể đến chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam - VinMart/VinMart+ ứng dụng công nghệ số, mang đến tính năng mua sắm Scan & Go tại hơn 3.000 điểm bán trên khắp cả nước. Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go, quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại "VinMart 4.0" và thanh toán ngay không cần dùng tiền mặt. 

Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam sẽ ở mức thấp hơn 10%, tiến tới 100% tại các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ, cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Bên cạnh đó, sẽ có 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm.

Trong bối cảnh giao dịch bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn ở Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo, nên rửa tay sạch sau khi giao dịch tiền mặt, điều này sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh thông qua tiền mặt cũng như có thể từ bỏ được thói quen cho tay lên miệng mỗi lần đếm tiền. Không chỉ có tiền mặt, mọi người cần cảnh giác cao độ với những đồ dùng, vật dụng có nhiều người tiếp xúc qua lại./.

Người dân e ngại lây nhiễm bệnh khi giao dịch bằng tiền mặt - Ảnh 2.

Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên