Người dân ngày càng "chán" gửi tiết kiệm, có tháng rút ròng khỏi ngân hàng
Kể từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng "èo uột", không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí có những tháng người dân rút ròng tiền gửi khỏi ngân hàng.
- 13-10-2021Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Không thể tiếp tục giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay lúc này
- 11-10-2021SSI Research: Lãi suất huy động, cho vay sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm
- 11-10-2021Người dân "chê" gửi tiền vì lãi suất quá thấp, ngân hàng tung chiêu mới hút khách
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu về tổng phương tiện thanh toán và Tiền gửi của khách hàng tại TCTD đến cuối tháng 8/2021.
Cụ thể, NHNN cho biết, 8 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,34% lên hơn 12,7 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi của khách hàng tại các TCTD tăng 4,17% so với đầu năm lên hơn 10,4 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,293 triệu tỷ; tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,14 triệu tỷ đồng; so với đầu năm lần lượt tăng trưởng 2,95% và 5,46%.
Đáng chú ý, so với cuối tháng 7, tiền gửi của dân cư sụt giảm gần 1.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh hơn 59.000 tỷ. Trước đó, trong tháng 8, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng vào ngân hàng. Như vậy, trong hai tháng 7 và 8, người dân gần như không gửi thêm tiền vào ngân hàng.
Từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng "èo uột", không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm. So với những năm trước, tăng trưởng tiền gửi vào ngân hàng ngày càng thấp cho thấy người dân đang dần kém "mặn mà" với gửi tiết kiệm.
Chia sẻ tại họp báo mới đây của NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, so với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1-1,5%/năm, khiến huy động vốn của hệ thống có xu hướng giảm, dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Lãnh đạo NHNN cho rằng, không thể tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, bởi nếu lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền nữa mà đi đầu tư tài sản khác, có thể dẫn đến bất ổn. Các ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó vẫn phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.
Hiện tiền gửi có xu hướng tăng chậm rõ rệt so với tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Định hướng của NHNN hồi đầu năm là tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 12% trong năm 2021, theo đó dư địa còn khoảng 5% cho 3 tháng cuối năm.