Người mẹ sốc nặng khi con gái 7 tuổi đã mắc đái tháo đường: Bác sĩ tiết lộ nguyên nhân tiểu đường ngày càng trẻ hóa
Hiện nay, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt thường ngày và đặc biệt gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, trẻ em thừa cân, béo phì càng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
- 09-12-20214 bộ phận của lợn tưởng bổ nhưng thật ra độc đến mức đun 600 độ C vẫn không sạch: Đáng tiếc nhiều người vẫn ăn phải thứ tối kị
- 09-12-20215 kiểu ăn sáng có thể khiến đường huyết tăng vọt, người tiểu đường nên tránh xa kẻo gặp biến chứng tim mạch và mạch máu não
- 09-12-2021Tự sự của người thực hành 5 năm liên tục dậy từ 6 giờ sáng: Ban đầu mỏi mệt, uể oải nhưng về sau cuộc sống có những thay đổi bất ngờ
Người mẹ sốc nặng khi con gái 7 tuổi đã mắc đái tháo đường
Ngồi một góc tại khoa Thận – Nội tiết, BV Nhi đồng 2, Nguyễn Thanh Thảo (7 tuổi) đếm từng ngày em cùng mẹ ở bệnh viện sau khi phát hiện mắc đái tháo đường.
Ở cái tuổi lên 7, Thảo vẫn chưa thể hình dung được căn bệnh quái ác này sẽ theo em đến suốt cuộc đời. Em chỉ biết mỗi ngày ở bệnh viện, em được các bác sĩ lấy máu, tiêm thuốc… để theo dõi diễn tiến bệnh.
Thảo mới phát hiện mắc đái tháo đường cách đây 2 tuần, tâm lý của con khá hoang mang
Nắm bàn tay đứa con gái nhỏ, cô Vũ Thị Loan (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đau xót cho biết sau những ngày ra vào bệnh viện ở địa phương, Thảo mới được các y bác sĩ chẩn đoán mắc đái tháo đường.
"Cô quá sốc luôn, hoang mang lắm, bé nhà cô chỉ mới 7 tuổi thôi, từ nhỏ đến giờ nó lại không ốm đau gì cả, ai ngờ lại mắc phải chứng bệnh quái ác này", cô Loan nghẹn lời.
Theo cô Loan, ban đầu bé Thảo có dấu hiệu sụt cân nhưng khi đến kiểm tra, các bác sĩ tại địa phương lại cho rằng bé đau bao tử nên đã cho thuốc về nhà uống. Đến khi Thảo rơi vào trạng thái khó thở, mệt, phải nhập viện cấp cứu thì mới biết được bé mắc đái tháo đường, cả gia đình tức tốc xin chuyển viện lên Nhi đồng 2 TP.HCM để được điều trị.
Cô Loan bàng hoàng chia sẻ về bệnh tình của đứa con gái nhỏ
"Cô cứ nghĩ bệnh này người lớn bị thôi, đến khi gặp bác sĩ tư vấn thì mới hiểu. Hỏi ra thì bên nội bé mắc tiểu đường rất nhiều, mình hoang mang lắm chứ. Từ nhỏ bé cũng không ăn uống đồ ngọt, giờ lại mắc phải chứng bệnh này. Mấy nay ở bệnh viện, cô phải tập đo đường huyết cho bé, còn tiêm thuốc chắc cô không làm được…", cô Loan trầm ngâm nói.
Ngồi cạnh mẹ, Thảo đưa đôi mắt tròn xoe, thỏ thẻ: "Con sợ chích thuốc, con nhớ nhà" rồi vội quay mặt đi chỗ khác. Có lẽ bản thân con vẫn chưa thể nào hình dung được hết những khó khăn, thử thách mà con và gia đình phải đối mặt ở phía trước.
Hai mẹ con được chuyển đến BV Nhi đồng 2 điều trị từ cuối tháng 11/2021
Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, BV Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 trường hợp trẻ em mắc bệnh, chủ yếu là đái tháo đường tuýp 1, chiếm 90%. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ ngày một tăng, phần lớn rơi vào các trường hợp trẻ bị thừa cân, béo phì.
"Tại BV Nhi đồng 2, một tháng trung bình có khoảng 2 bệnh nhi mới được phát hiện mắc đái tháo đường. Vì đây là bệnh lý mãn tính nên mình phải theo dõi các bé từ nhỏ cho đến khi 16 tuổi, số bệnh nhi tích lũy ngày một gia tăng, hiện có khoảng hơn 200 bệnh nhi mắc bệnh đang được điều trị tại đây, có xu hướng trẻ hóa", TS.BS Quỳnh chia sẻ.
BS. Quỳnh cho biết, triệu chứng thường gặp ở những trẻ mắc đái tháo đường là bệnh nhi uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân. Cũng có trường hợp, các ông bố bà mẹ đưa con đi kiểm tra sức khỏe với tình trạng béo phì thì xét nghiệm cho kết quả mắc đái tháo đường.
TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, BV Nhi đồng 2 chia sẻ về tình trạng đái tháo đường ngày một gia tăng, trẻ hóa
"Một trường hợp nữa là em bé đến bệnh viện với một bệnh cảnh rất nặng, có thể đang trong tình trạng lơ mơ, mất tri giác thì mới biết đã mắc bệnh. Có nghĩa lúc này, bệnh đái tháo đường đã có biến chứng.
Bố mẹ rất sốc khi biết con mình mắc bệnh, hầu như ai cũng nghĩ em bé nhỏ như vậy sẽ không mắc bệnh đái tháo đường. Cho nên ngoài công tác chuyên môn, các y bác sĩ cũng phải làm tâm lý, trấn an, giải thích cho cả bệnh nhi và gia đình để họ an tâm, hợp tác điều trị", BS. Quỳnh tâm sự.
Đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, không thể xem thường: Bác sĩ Nhi tiết lộ nguyên nhân mà trẻ em dễ mắc phải
Biến chứng nguy hiểm khiến bố mẹ phải giật mình khi trẻ mắc đái tháo đường
Theo Trưởng khoa Thận - Nội tiết, BV Nhi đồng 2 cho biết, ngoài đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 còn có một số tuýp đặc biệt do đột biến gene gây ra.
Đối với đái tháo đường tuýp 2, việc gia tăng trong thời gian gần đây có liên quan đến tình trạng trẻ em ngày một thừa cân, béo phì. Nó thường xuất hiện ở các thành phố lớn do trẻ em ít vận động, tập thể dục, chỉ ở nhà xem tivi, điện thoại, hay dùng thức ăn nhanh, nước ngọt, trà sữa… gây ra tình trạng đề kháng insulin.
Việc điều trị bệnh đái tháo đường không chỉ sử dụng thuốc mà phải phối hợp rất nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt ở chế độ dinh dưỡng, luyện tập của trẻ mắc bệnh.
BS. Quỳnh cho biết bệnh đái tháo đường cần phải có sự phối hợp điều trị rất lớn từ gia đình và bản thân bệnh nhi
"Nếu mình sử dụng thuốc mà ăn uống không phù hợp thì cũng không hiệu quả. Ngoài ra bệnh nhân cần phải biết cách tự theo dõi đường huyết của mình, phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời tâm lý phải luôn ổn định thì mới có thể làm giảm các biến chứng do đái tháo đường gây ra, đảm bảo về mặt sức khỏe", BS. Quỳnh nói.
Theo TS.BS Quỳnh, bố mẹ cần phải biết ở mỗi độ tuổi, trẻ cần nạp tổng năng lượng vào cơ thể khác nhau. Nếu ăn tinh bột, đạm quá nhiều hay uống trà sữa, ăn gà rán, đồ nhiều dầu mỡ… đều dẫn đến béo phì, nguy cơ khiến trẻ mắc đái tháo đường.
Cụ thể, trong thành phần mỗi bữa ăn cần phải cân bằng giữa nhóm chất bột đường (cơm, bánh mì chiếm khoảng 50%), chất đạm (khoảng 15%), chất béo (khoảng 30%) còn lại là chất xơ, trái cây bổ sung… Nếu trẻ ăn quá nhiều một nhóm chất đều sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Khoa Thận - Nội tiết mỗi tháng trung bình tiếp nhận 2 bệnh nhi mới phát hiện mắc đái tháo đường, con số tích lũy điều trị đã lên đến hơn 200 bệnh nhi
Khi mắc bệnh tiểu đường, có 2 biến chứng cấp tính và mãn tính sẽ gây ra cho trẻ, đều tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tử vong nếu trẻ không được phát hiện và xử trí kịp thời.
"Biến chứng cấp tính có thể làm cho bé tử vong ngay nếu như không có xử trí kịp thời khi bé lơ mơ, mất tri giác. Nếu bé tăng/hạ đường huyết thì bác sĩ cũng cần phải hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà để theo dõi, tránh dẫn đến tình trạng xử lý không kịp gây co giật, tử vong.
Riêng đối với biến chứng mãn tính, nó xảy ra khoảng sau 10 năm khi phát hiện bệnh nhi mắc đái tháo đường. Biến chứng mãn tính gây tổn thương ở mắt, võng mạc dẫn đến mù lòa, biến chứng thần kinh, có hiện tượng mất cảm giác, tiêu tiểu không tự chủ, biến chứng trên thận dẫn đến tiểu đạm, suy thận, có thể bị hiện tượng tắc mạch, những vấn đề về nhồi máu cơ tim… và có thể dẫn đến tử vong", TS.BS Quỳnh giải thích.
TS.BS Quỳnh mong rằng bố mẹ cần phải quan tâm hơn đến sức khỏe, cân bằng dinh dưỡng cho con cái để tránh những nguy cơ mắc đái tháo đường
Một số trường hợp trẻ em mắc suy thận mạn do biến chứng từ bệnh đái tháo đường gây ra, phải tiến hành chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống
Theo BS. Quỳnh, sau khi phát hiện mắc đái tháo đường, dù là ở trẻ em hay người lớn, nếu không kiểm soát đường huyết, tuân thủ theo phác đồ điều trị thì đều gây ra những hậu quả khôn lường. Một số trường hợp bệnh nhi chỉ điều trị 1 - 2 năm rồi bỏ giữa chừng, đến khi đến bệnh viện thì đã qua giai đoạn biến chứng xuất hiện, làm suy thận, mù lòa…
"Đái tháo đường ở trẻ em khác người lớn vì em bé phải phụ thuộc vào người lớn, mình phải có sự phối hợp với bố mẹ trong quá trình điều trị cho bệnh nhi. Nếu gặp phải những gia đình chăm sóc tốt thì bệnh nhi sẽ được điều trị đúng phác đồ, còn ngược lại nếu không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, bệnh nhi sẽ rơi vào các trường hợp xấu hơn, biến chứng xảy ra.
Hơn nữa, ở độ tuổi dậy thì, nhiều bé sẽ có tâm lý hơi nổi loạn, thậm chí có nhiều bé sẽ bỏ điều trị nên việc kiểm soát đường huyết giai đoạn này rất khó khăn.
Đái tháo đường là bệnh mãn tính nên vấn đề kinh tế luôn là gánh nặng. Dù hiện nay có 1 số thiết bị mới để tiếp cận, giúp đỡ bệnh nhi đái tháo đường nhưng rất đắt khiến cho các bé chưa có sự chăm sóc tốt nhất", BS. Quỳnh trải lòng.
Công việc bận rộn của các y bác sĩ tại khoa Thận - Nội tiết khi phải điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mãn tính
Với đặc thù của khoa Thận - Nội tiết, phần lớn bệnh nhi được điều trị tại khoa đều liên quan đến mảng thận, đặc biệt là các bé suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo đến suốt đời, có rất nhiều trăn trở mà BS. Quỳnh cũng như các y bác sĩ, điều dưỡng trong khoa gặp phải.
Dù biết rằng căn bệnh mà các bé gặp phải là mãn tính, không thể cứu chữa dứt điểm nhưng tất cả y bác sĩ đều hi vọng rằng sẽ có thêm những nguồn năng lượng tích cực nhất để giúp bệnh nhi vượt qua được những rào cản tâm lý, cố gắng duy trì sự sống. Mong rằng các bậc làm cha mẹ hãy quan tâm, yêu thương và chăm sóc sức khỏe của con em mình tốt hơn để có được những mảnh ghép trọn vẹn nhất cho tổ ấm nhỏ của mình.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
- Việt Nam có 1 loại lá phơi khô là "vị thuốc quý" nhưng ít người dùng tới: Giúp hạ đường huyết, dưỡng gan và thận hiệu quả
- Việt Nam có 1 loại lá phơi khô là “thuốc dưỡng gan", hạ đường huyết hiệu quả nhưng ít người biết: Ăn tươi hay uống nước đều rất tốt
- Hai loại lá phơi khô là "thuốc dưỡng gan", hạ đường huyết tốt ngang “insulin tự nhiên” nhưng ít người biết đến: Việt Nam rất sẵn
- 1 loại gia vị là "kháng sinh tự nhiên", còn dưỡng gan và hạ đường huyết hiệu quả nhưng ít người biết: Rất sẵn ở chợ Việt
- Ăn thứ này đầu tiên trong bữa cơm mỗi ngày, người đàn ông tiểu đường nhận kết quả bất ngờ