MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên tắc 3 "không quá" giúp hạ đường huyết hiệu quả, tránh xa bệnh tật: Trăm thuốc bổ không bằng giấc ngủ ngon

22-01-2024 - 22:05 PM | Sống

Đường huyết tăng hoặc giảm đều có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Bên cạnh những cách như là tập thể dục, tăng cường ăn chất xơ thì ngủ cũng có thể làm cho đường huyết ổn định.

Tục ngữ xưa có câu: "Ăn được ngủ được là tiên, không ăn ngủ được mất tiền mới lo". Qua câu nói này, có thể thấy rằng có một giấc ngủ ngon là tiền đề để sức khỏe tốt. Không chỉ vậy, một giấc ngủ ngon còn giúp điều hòa chỉ số đường huyết, ổn định sức khỏe.

Những tình trạng như ngủ không ngon, mất ngủ, mơ ác mộng, sớm thức giấc, ngủ ngáy...đều có thể ức chế lượng insulin tiết ra, tăng cảm giác đói…Từ đó khiến cho lượng đường trong máu tăng và rất dễ mắc bệnh tiểu đường. Vậy thì, ngủ như thế nào mới có một giấc ngủ chất lượng đồng thời có thể kiểm soát lượng đường trong máu? Dưới đây là 3 nguyên tắc giúp bạn có một giấc ngủ chất lượng.

Nguyên tắc 3 "không quá" giúp hạ đường huyết hiệu quả, tránh xa bệnh tật: Trăm thuốc bổ không bằng giấc ngủ ngon- Ảnh 1.

Nguyên tắc 1: Không ngủ quá nhiều hay quá ít vào ban đêm

Nếu thời gian ngủ quá ngắn (dưới 6 tiếng) có thể làm giảm lượng insulin tiết ra và tăng lượng đường trong máu khi đói. Nếu thời gian ngủ quá dài (trên 9 tiếng) sẽ giảm tác dụng của insulin, từ đó cũng làm lượng đường trong máu tăng cao.

Lời khuyên: Mỗi buổi tốt hãy hãy duy trì ngủ 7 - 8 tiếng.

Nguyên tắc 2: Không thức khuya quá 11 giờ tối

Trước 11 giờ, cơ thể bắt đầu giải phóng ra hoóc-môn melatonin (một loại hóc môn điều chỉnh, cải thiện chất lượng giấc ngủ). Thói quen này không những giúp thúc đẩy việc giải phóng hoóc-môn melatonin diễn ra nhanh hơn mà nó còn có tác dụng giúp an thần, thư thái. Đồng thời phòng ngừa tình trạng mất ngủ và giảm căng thẳng mệt mỏi, khiến bạn tràn đầy năng lượng, sức sống mỗi ngày.

Lời khuyên: Hãy đi ngủ trước 11 giờ tối và không nên dùng điện thoại và uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

Nguyên tắc 3: Ngủ trưa không quá một tiếng

Khi ngủ trưa, chúng ta không nên ngủ quá lâu, chỉ nên chợp mắt 10 đến 30 phút, như vậy mới phát huy tác dụng của việc ngủ trưa. Nếu ngủ quá 1 tiếng sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học (buổi tối đi ngủ khó vào giấc hoặc dậy quá sớm vào sáng hôm sau)

Lời khuyên: Sau khi ăn trưa xong, không nên ngủ ngay mà đợi khi tiêu cơm thì mới ngủ. Đây là một số hoạt động có thể tham khảo để giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn

  • Đi bộ thả lỏng khoảng 20 phút. Cách này có thể thúc đẩy nhu động ruột, tốt cho tiêu hóa.
  • Xoa và ấn huyệt trung loan (huyệt nằm nằm trên bụng, cách rốn 10cm)
  • Dùng lòng bàn tay xoa bụng theo chiều kim đồng hồ để tránh tình trạng đầy hơi
Nguyên tắc 3 "không quá" giúp hạ đường huyết hiệu quả, tránh xa bệnh tật: Trăm thuốc bổ không bằng giấc ngủ ngon- Ảnh 2.

Cách cải thiện tình trạng mất ngủ

Ngoài việc ngủ như thế nào quyết định tới sức khỏe và đường huyết trong máu thì việc mất ngủ cũng là một nhân tố quan trọng không kém. Nếu bạn đang trong tình trạng "trằn trọc mãi không ngủ được", thì dưới đây là một số cách có thể cải thiện tình trạng đó:

1. Không nên ép bản thân đi ngủ mà nên làm những việc để cơ thể thả lỏng trước khi đi ngủ. Ví dụ: nghe nhạc, đọc sách,...

2. Thử những cách giúp vào giấc ngủ dễ hơn như là ngâm nước nóng, thực hiện một số động tác yoga nhẹ nhàng đơn giản.

3. Kiểm soát thời gian làm việc, nghỉ ngơi của bản thân. Cố gắng xây dựng thời gian đi ngủ và thức dậy đúng giờ.

4. Sắp xếp để môi trường ngủ thoải mái (phòng ngủ tối hoặc có ánh sáng vừa đủ, yên tĩnh,..)

5. Nếu như thử những cách trên đều không có hiệu quả thì nên tìm bác sĩ chuyên gia xin lời khuyên và nghe tư vấn rõ về tình trạng sức khỏe bản thân mình.

Trên đây là một số nguyên tắc có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ đồng thời giúp ổn định đường huyết. Ngoài những nguyên tắc này, bạn cũng nên chú ý đến việc ăn uống và luyện tập thể dục điều độ để có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái.

Ngọc Mai

Phụ nữ số

Trở lên trên