MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều cường quốc 'xếp hàng' nhập khẩu, có thị trường tăng gần 12.000% - Giá “hạt ngọc” của Việt Nam tăng ra sao kể từ đầu năm?

31-10-2023 - 12:58 PM | Thị trường

Xuất khẩu gạo đã chứng kiến đà tăng mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây.

Nhiều cường quốc 'xếp hàng' nhập khẩu, có thị trường tăng gần 12.000% - Giá  “hạt ngọc” của Việt Nam tăng ra sao kể từ đầu năm? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023 cả nước xuất khẩu 605.410 tấn gạo, tương đương với trị giá hơn 377,78 triệu USD, giảm 34,3% về lượng và giảm 30,9% về kim ngạch so với tháng 8/2023. Giá xuất khẩu đạt 624 USD/tấn, tăng 5,2% so với tháng 8/2023.

Tháng 9 là tháng ghi nhận giá gạo xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm và phá kỷ lục từ trước tới nay. Với giá 624 USD/tấn, giá gạo đã tăng mạnh 20% so với thời điểm tháng 1/2023 và tăng đến 30% so với tháng 9/2022.

Nhiều cường quốc 'xếp hàng' nhập khẩu, có thị trường tăng gần 12.000% - Giá  “hạt ngọc” của Việt Nam tăng ra sao kể từ đầu năm? - Ảnh 3.

Tính chung cả 9 tháng năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 6,42 triệu tấn, tương đương với trị giá gần 3,54 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về kim ngạch so với 9 tháng năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt qua mốc 3,65 tỷ USD (năm 2011), chính thức thiết lập kỷ lục lịch sử mới sau 34 năm tham gia thị trường thế giới.

Giá xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 551,5 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam là Phillipines, Indonesia và Trung Quốc với thị phần lần lượt là 36,5%, 13,8% và 13%. Giá xuất khẩu sang các thị trường này cũng tăng vọt so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đang tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt với Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đến mức tăng gần 12.000% trong 9 tháng đầu năm.

Nhiều cường quốc 'xếp hàng' nhập khẩu, có thị trường tăng gần 12.000% - Giá  “hạt ngọc” của Việt Nam tăng ra sao kể từ đầu năm? - Ảnh 4.

Ngày 20/7, Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Động thái này của ông Modi nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực do El Nino, dẫn đến giá gạo tăng cao.

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá xuất khẩu gạo Việt tăng đột biến các tháng sau đó khi các quốc gia đổ xô tìm nguồn cung thay thế cho Ấn Độ. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thị trường, đồng thời lợi nhuận của chuỗi ngành hàng cũng ghi nhận cải thiện lớn so với các năm trước.

Lý giải về mức tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia cho biết kết hợp với lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ, giá gạo tăng do nhu cầu lớn từ Indonesia trong khi nguồn cung trong nước không thay đổi.

Trong thời gian tới, xung đột ở Trung Đông có thể thúc đẩy các nước tăng cường dự trữ lương thực, thúc đẩy giá cao hơn. Trong khi Ấn Độ chưa mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, Philippines đã hết tồn kho, các nước châu Phi cũng tăng nhập hàng... nên Việt Nam tiếp tục có nhiều thuận lợi hơn trong bán gạo những tháng cuối năm.

Hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi Philippines đang có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM