MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống với ông bà: Lớn lên cùng tình thương vô bờ, mọi thiệt thòi đều được bù đắp, giờ chỉ sợ ông bà già đi trong sự bận rộn vô tâm...

24-10-2021 - 11:20 AM | Sống

Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống với ông bà: Lớn lên cùng tình thương vô bờ, mọi thiệt thòi đều được bù đắp, giờ chỉ sợ ông bà già đi trong sự bận rộn vô tâm...

Hoàn cảnh đặc biệt hay những thiệt thòi của họ đều được xoa dịu bằng tình thương vô bờ bến của ông bà.

Không biết bên cạnh các bạn, có một người như thế này không?

Người này luôn ở bên cạnh từ khi bạn lọt lòng, chăm lo cho bạn từng miếng ăn, giấc ngủ. Khi có ai muốn trách phạt bạn, họ đều sẽ căn ngăn, ôm lấy bạn vào lòng vỗ về. Tất cả những sở thích khó chiều nhất của bạn, họ cũng sẽ tìm mọi cách để chiều chuộng cho bằng được. Người này không ai khác chính là ông bà.

Bởi thế, thật dễ hiểu vì sao khi còn nhỏ, rất nhiều người thân thiết và gần gũi với ông bà hơn ba mẹ rất nhiều.

Với người bình thường ông bà đã quan trọng đến thế, với những đứa trẻ vì những lý do khác nhau không có bố mẹ cạnh bên, ông bà còn ý nghĩa đến như thế nào?

Gia đình trong tôi từng là điều rất tiêu cực, cho đến khi nhìn lại sự quan tâm, lo lắng của ông bà


"Do kinh tế gia đình khó khăn, ba mẹ gửi mình và em gái về sống với ông bà nội từ hồi nhỏ xíu tới tận bây giờ.

Gia đình mình vốn hay xảy ra nhiều biến cố, cộng thêm ám ảnh tuổi thơ khiến mình đôi khi hơi vô cảm với những người xung quanh. Có những thời điểm mình cảm thấy tủi thân vô cùng. Như sau những cuộc thi, xung quanh bạn bè đều có ba mẹ hỏi thăm, đưa đón, mình chỉ có một mình; hay mấy khi đi du lịch với đám bạn, chỉ mỗi mình là chả có ai để gọi về thông báo đã đến nơi...

Dần mình trở nên khép kín, tiêu cực, mình nghĩ đó là vấn đề chung của những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình. Gia đình từ lâu đã mất đi ý nghĩa vốn có của nó, chỉ còn những điều tiêu cực khi nhìn về. Những nỗi uất ức khi không có ba mẹ khiến mình không nhận ra trước nay ông bà luôn chăm lo cho mình từng miếng ăn, cái mặc, để mình có một tuổi thơ không quá thiếu thốn so với bạn bè. Những gì mình thiếu hụt cả về tình cảm hay vật chất, ông bà luôn cố bù đắp cho mình.

Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống với ông bà: Lớn lên cùng tình thương vô bờ, mọi thiệt thòi đều được bù đắp, giờ chỉ sợ ông bà già đi trong sự bận rộn vô tâm... - Ảnh 1.

Ví như chuyện bà nội luôn nhớ những món mình thích ăn, thường xuyên làm những món đó vào những ngày lễ, Tết hay dịp đặc biệt với mình (lúc ốm đau, thi cử, sinh nhật, cột mốc quan trọng nào đó…). Đến giờ, khi tuổi cao sức yếu, bà không nhận việc nấu cơm cho cả nhà nữa nhưng thỉnh thoảng đi chợ, vẫn mua đồ về nấu lại những món đó cho mình thích.

Phải cho đến khi lớn dần lên, bước chân ra khỏi căn nhà luôn được ông bà che chắn, bảo vệ, suy nghĩ của mình mới bắt đầu thay đổi rất nhiều. Dù vẫn ít tương tác nhưng gia đình, ông bà đã trở thành thứ mình trân trọng và quan tâm hàng đầu.

Năm nay ông bà mình đã 80 tuổi rồi, mình biết thời gian sẽ không còn nhiều. Những điều mình có thể làm là sống thật tốt cho đúng với điều ông bà trông mong và cố gắng để có đủ khả năng lo lắng, chăm sóc ông bà trong những năm sau này".

Đó là những lời tâm sự của Minh Hiếu (23 tuổi, TP. HCM). Gia đình có nhiều biến cố, cả tuổi thơ của Minh Hiếu và em gái đều được ông bà bảo bọc, che chở.

"Hơn 15 năm qua rồi, nỗi đau khi ông ngoại mất vẫn ở trong lòng mình, không nguôi ngoai nổi"


"Ba mình bỏ đi khi mình còn trong bụng mẹ. Đến khi mình còn chưa dứt sữa, mẹ cũng không chịu nổi điều tiếng mà để mình lại cho ông bà ngoại nuôi dưỡng.

Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như vậy, tất nhiên mình sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm của người xung quanh. Nhưng đôi khi những ánh mắt thương hại, những cái tặc lưỡi xót xa của người lớn làm mình tủi thân vô cùng. Rất nhiều lần mình đã hỏi ông bà sao mình không có mẹ, có ba như người ta, có phải mình là đứa không ai thương thật không. Đáp lại lần nào bà ngoại cũng dịu dàng nói có ông bà thương mình là đủ rồi.

Nói thật, từ hồi còn bé, ông bà ngoại đã luôn cưng mình như trứng mỏng khiến những thiệt thòi, bất hạnh bên trong mình bay biến đi hồi nào không hay. Mình nhớ hồi nhỏ mình với chị họ chơi đùa, xô xát nhau, bà ngoại không ngần ngại chạy lại ôm lấy mình hỏi "ai đánh cháu bà" làm chị họ dỗi suốt mấy hôm. Ở bên cạnh ông bà, mình luôn có cảm giác mình là người quan trọng nhất trên cõi đời này.

Năm mình học lớp 4, ông ngoại mất vì ung thư. Nhà không có tiền, thấy cơ thể không ổn, ông cứ trì hoãn không khám vì chủ quan, xem nhẹ. Đến khi phát hiện thì đã quá trễ. Hơn 15 năm qua rồi, nỗi đau khi ông ngoại mất nó vẫn ở trong lòng mình, không thể nào nguôi ngoai nổi.

Khi mình lớn dần lên, bạn bè hay người xung quanh đều chọn đi đến những thành phố lớn để sinh sống, phát triển công việc, mình lại chọn học Dược rồi mở tiệm thuốc nhỏ ở nhà. Bà mình 78 tuổi rồi, trải qua một cơn tai biến giờ đi lại cũng không vững, hay ốm vặt tuổi già, mình rất sợ nếu mình ở xa sẽ có điều gì đó xảy ra với bà. Mình sợ nếu bà lại chủ quan, mình bận rộn vô tâm, nỗi đau khi ông ngoại mất sẽ lặp lại thêm một lần nữa trong đời.

Đối với mình hiện tại, không điều gì quan trọng bằng bà ngoại. Bà đã hy sinh cả cuộc đời, gồng gánh nuôi lớn mình, giờ là lúc mình nên ở cạnh, quan tâm lo lắng cho bà nhiều hơn".

Được ông bà nuôi dạy từ nhỏ rồi phải trải qua nỗi đau mất đi ông ngoại, Phương Thảo (23 tuổi, Hải Phòng) ý thức hơn bao giờ về việc phải theo sát, chăm lo cho bà ngoại ở những năm "xế chiều" của bà.

Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống với ông bà: Lớn lên cùng tình thương vô bờ, mọi thiệt thòi đều được bù đắp, giờ chỉ sợ ông bà già đi trong sự bận rộn vô tâm... - Ảnh 2.

Kết

Có lẽ người già là thế, luôn hết lòng thương yêu những đứa cháu của mình.

Họ luôn cho đi rất nhiều nhưng không mong cầu bạn sẽ phải trả lại bất cứ điều gì. Hoặc có, thứ mà họ mong muốn là cháu mình được lớn lên trong tình thương, được bảo vệ và che chắn trước mọi gió sương của cuộc đời.

Cũng vì lẽ đó, đôi khi, ông bà sẽ luôn cố giấu đi những bệnh tình, mỏi mệt của mình để con cháu có thể yên tâm sống vui vẻ. Người già chủ quan xem nhẹ, con cháu lại bận rộn, vô tâm không hay biết, đến khi mọi thứ quá muộn mới ân hận. Rất nhiều thứ trong cuộc đời này, khi mất đi chúng ta có thể tìm lại được, duy nhất thời gian và những người thân yêu là không bao giờ.

Biết và hiểu sâu hơn về sức khỏe của người già, về những căn "bệnh nền" nguy hiểm không bao giờ là thừa thãi. Trong từng ấy năm, ông bà vừa là ông bà, vừa là bố mẹ, vừa là người bảo vệ cho tuổi thơ bình yên của mỗi người. Giờ đây, chúng ta đã lớn, đây lại chính là lúc chúng ta đổi vai, trở thành người bảo vệ cho sức khỏe tuổi xế chiều của ông bà.

Ảnh: NVCC 

Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống với ông bà: Lớn lên cùng tình thương vô bờ, mọi thiệt thòi đều được bù đắp, giờ chỉ sợ ông bà già đi trong sự bận rộn vô tâm... - Ảnh 3.
Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống với ông bà: Lớn lên cùng tình thương vô bờ, mọi thiệt thòi đều được bù đắp, giờ chỉ sợ ông bà già đi trong sự bận rộn vô tâm... - Ảnh 4.

Theo NE

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên