MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trương Văn Phước: “Thông tư 06 không nuôi dưỡng rủi ro cho ngân hàng”

08-06-2016 - 08:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, việc xác lập hệ số rủi ro cho vay bất động sản theo Thông tư 06 ở mức 200% là phù hợp hiện nay.

TS. Trương Văn Phước
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
37 bài viết

Tín dụng bất động sản giải quyết cả phần “khê đọng”

Ông đánh giá Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước như thế nào khi có ý kiến cho rằng chúng ta đang nuôi dưỡng những rủi ro khi nới lỏng quy định về an toàn hoạt động?

Các chính sách đều tiên liệu những rủi ro, đặc biệt là các chính sách về tiền tệ, cụ thể ở đây là Thông tư 36 khi xác định các hệ số rủi ro cho vay bất động sản được nâng từ mức 150% lên 250%.

Thị trường bất động sản mới phục hồi, chính sách bên cạnh việc ngăn ngừa rủi ro cũng phải tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, đóng góp cho nền kinh tế. Việc xác lập hệ số rủi ro trong cho vay bất động sản theo Thông tư 06 ở mức 200% là phù hợp hiện nay.

Về tỷ lệ vốn ngắn hạn được cho vay trung, dài hạn nếu như những năm trước đây xác định tỷ lệ này là 60%, nhưng trong thực chất các ngân hàng cũng chỉ sử dụng ở mức 38% - 39%, chưa chạm ngưỡng 60%.

Đặc trưng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là huy động vốn ngắn hạn nhiều hơn dài hạn, nếu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhiều quá sẽ gây rủi ro thanh khoản. Đây là lý do khiến cho việc sửa đổi chính sách cần phải có lộ trình giảm tỷ lệ này phù hợp.

Tôi không nghĩ rằng chính sách nới lỏng này đang nuôi dưỡng những rủi ro. Thực tế, việc thay đổi chính sách đột ngột sẽ làm mất đi niềm tin của thị trường.

Nếu giảm từ từ ở mức 60% xuống 50%, rồi xuống 40% sẽ không tạo cú sốc chính sách, nhưng thực tiễn vẫn cho phép chúng ta làm được điều đó (giảm xuống 40%).

Ông có niềm tin nhờ Thông tư 06 thị trường bất động sản cũng như các ngành có liên quan sẽ được hỗ trợ rất nhiều?

Tôi không nghĩ rằng dòng vốn tín dụng của ngân hàng vừa qua tập trung vào những dự án lớn để đầu cơ vào bất động sản.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 - 2008 đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam gặp khó khăn.

Tín dụng bất động sản năm 2015 tăng 28% không phải chảy vào các dự án đầu tư mới mà một phần dành cho hoàn thiện các dự án bất động sản trước đây đang “khê đọng”.

Thêm nữa, một loạt các dự án bất động sản với quy mô nhỏ 3-5 tỷ đồng, thực chất đây là một loại tín dụng tiêu dùng nhưng vẫn hạch toán vào tín dụng bất động sản. Tôi không nghĩ rằng thị trường bất động sản bong bóng.

Vừa rồi, với những chính sách xử lý tồn đọng nhà đất trước đây giúp cho thị trường bất động sản ấm lên, nhưng vẫn nó vẫn chưa tạo nên bong bóng bất động sản.

Ông có ý kiến gì về việc tiếp tục gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với những con số khác nhau từ Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước?

Tôi không bình luận nhiều về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp.

Điều tôi ngạc nhiên là tại sao chúng ta lại quá quan tâm đến con số 30.000 tỷ đồng, 33.000 tỷ đồng hay 35.000 tỷ đồng?

Không có một con số nào tối ưu và tuyệt đối đúng đắn. Thị trường luôn luôn biến động. Điều này Chính phủ phải xem xét có tình có lý. Việc nâng lên vài ba nghìn tỷ đồng nếu chương trình đó có ích, giúp cho những người có thu nhập thấp tiếp cận vốn ưu đãi và có nhà ở là rất tốt. Do đó, việc tăng gói hỗ trợ lên cũng là hết sức chính đáng.

Giảm lãi suất đang bị áp lực nhiều chiều

Chính phủ đã kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất. Theo ông, trong thời gian tới lãi suất có thể giảm ở mức nào?

Chúng ta phải xem xét nếu lạm phát thấp thì lãi suất sẽ thấp.

Tuy nhiên, giảm lãi suất không chỉ là quan hệ về cung - cầu tiền tệ, giảm lãi suất cũng không chỉ dựa vào lạm phát, mà còn phụ thuộc vào năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, vì họ đang kinh doanh trên các dòng tiền đó.

Chúng ta biết hệ thống ngân hàng Việt Nam đang còn rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, nợ xấu khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lớn. Đây là một cản trở cho việc giảm lãi suất hết sức lớn.

Doanh nghiệp mong muốn giảm lãi suất là một nhu cầu rất chính đáng, nhưng bản thân ngân hàng làm sao đây khi không có một trợ cấp nào từ Nhà nước để xử lý nợ xấu, cho nên ngân hàng cũng phải dùng chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay.

Bên cạnh đó, lạm phát của Việt Nam không phải vững chắc ở mức thấp khi giá xăng dầu thế giới tăng, sức cầu của nền kinh tế tăng lên, đặc biệt chúng ta cũng đang điều chỉnh những mặt hàng dịch vụ công có lộ trình như: y tế, giáo dục… đó là những dấu hiệu khiến lạm phát tăng trở lại.

Năm 2016, dự đoán lạm phát khoảng 3,5% - 4%. Nếu như chính sách tiền tệ vội vã quá kéo lãi suất xuống thấp theo lạm phát có thể sẽ trở tay không kịp.

Chúng ta cần phải thông cảm nỗ lực của hệ thống ngân hàng là có, nhưng thực tế giảm lãi suất có thể xảy ra khi có các hành động từ chính sách như: tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng với chi phí thấp hơn, xem xét việc điều chỉnh một số chỉ tiêu cung ứng tiền, kể cả thay đổi tỷ lệ dữ trữ bắt buộc… nghĩa là vai trò của ngân hàng Trung ương sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ cùng với quyết tâm, ý chí của Chính phủ thì việc giảm lãi suất sẽ đạt được.

Nhưng tôi nghĩ giảm lãi suất cũng có hạn chế khi chúng ta đang có những áp lực nhiều chiều, kể cả hạn chế về năng lực của các tổ chức tín dụng, áp lực lạm phát khi giá xăng dầu tăng…

Xin cảm ơn ông!

Theo Linh Lan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên