MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ PwC Việt Nam: Làm thế nào đảm bảo dòng tiền để doanh nghiệp sống sót qua đại dịch Covid-19?

"Viễn cảnh suy thoái kinh tế và tác động về tài chính - đối với hoạt động, hiệu quả sử dụng nguồn vốn là hai mối lo lớn nhất trong mắt các lãnh đạo tài chính doanh nghiệp - với tỉ lệ lần lượt 71% và 70%", ông Johnathan Ooi, Phó TGĐ Dịch vụ Tư vấn, Công ty PwC Việt Nam nói với Trí Thức Trẻ.

-Ông nhìn nhận như thế nào về tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong 3 tháng vừa qua?

Diễn biến dịch bệnh trong 3 tháng vừa qua đã làm đảo ngược viễn cảnh phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Mức độ có thể khác nhau nhưng Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới tới cuộc sống của từng cá nhân, cộng đồng và hoạt động các doanh nghiệp toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không chỉ chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu và hoạt động xuất khẩu, nền kinh tế trong nước cũng chịu ảnh hưởng đặc biệt với những đứt gãy trong ngành hàng bán lẻ và các ngành dịch vụ không thiết yếu.

Theo khảo sát CFO (Giám đốc tài chính) toàn cầu mới được PwC thực hiện và công bố đầu tháng 4 thì dưới tác động của Covid-19, viễn cảnh suy thoái kinh tế và tác động về tài chính (đối với hoạt động, hiệu quả sử dụng nguồn vốn) là hai mối lo lớn nhất trong mắt các lãnh đạo tài chính doanh nghiệp - với tỉ lệ lần lượt 71% và 70%.

Cũng hoàn toàn dễ hiểu vì sao đây là hai mối quan ngại hàng đầu về mặt tài chính trước những hệ lụy đứt gãy đã, đang và vẫn tiếp tục diễn ra trong các hoạt động kinh tế và tác động tới mọi mặt của doanh nghiệp. Việt Nam chắc chắn cũng không nằm ngoài tác động đó.

World Bank dự báo GDP năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,8%, cũng là mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Con số này thấp hơn so với năm 2012 (5,3%) khi Việt Nam hứng chịu hệ quả của các khoản vay cao không hiệu quả do giá bất động sản giảm sâu năm 2010 - 2011.

Còn theo Tổng cục thống kê Việt Nam, trong Quý 1 năm 2020 đã có 18.600 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh các ngành công nghiệp du lịch, nhà hàng hay bán lẻ, thì các ngành xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, gỗ và ô tô cũng đang đối mặt với các thách thức như doanh thu giảm mạnh, đe dọa cắt giảm việc làm trước những diễn biến của đại dịch.

Trong khi suy thoái kinh tế là tác động bao trùm, thì tác động về tài chính là vấn đề huyết mạch từng ngày đối với doanh nghiệp. Các công ty hiện đang và sẽ gặp phải những hạn chế đáng kể về tiền mặt và vốn lưu động, bao gồm cả những vấn đề về thanh khoản trong giai đoạn gián đoạn hoạt động này và kể cả khi trở lại hoạt động bình thường.

Phó TGĐ PwC Việt Nam: Làm thế nào đảm bảo dòng tiền để doanh nghiệp sống sót qua đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Ông Johnathan Ooi, Phó TGĐ Dịch vụ Tư vấn, Công ty PwC Việt Nam

-Như ông nói, đảm bảo dòng tiền là một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Vậy, doanh nghiệp nên quản lý tài chính như thế nào trong bối cảnh thị trường có nhiều bất ổn như hiện nay?

Mặc dù đã có những động thái ứng phó tích cực từ phía Chính phủ lẫn ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh các gói hỗ trợ tín dụng, giãn và hoãn thuế… tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, các lãnh đạo cần chủ động duy trì quản lý vốn, tiền mặt vì đây có thể sẽ là khó khăn dài hơi đối với doanh nghiệp.

Nhất là trong giai đoạn các doanh nghiệp bị buộc phải tạm dừng hoạt động, không có dòng tiền thu bên cạnh nhu cầu về thanh toán chi phí hoạt động và trả nợ dịch vụ, các doanh nghiệp không mạnh về dự trữ tiền mặt sẽ rất dễ bị tổn thương.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần ưu tiên giải quyết các vấn đề thanh khoản, bắt đầu từ việc đánh giá lại hiệu quả dự báo dòng tiền hiện tại của doanh nghiệp. Mục tiêu chính nhằm cân đối giữa dòng tiền thu chi.

Ví dụ, ngành kinh doanh bán lẻ, một trong những ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, cần rà soát số lượng cửa hàng và nắm rõ cửa hàng nào đang không tạo ra nguồn thu tiền mặt hoặc thậm chí dòng tiền âm.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngay cả trước đại dịch Covid, nhiều doanh nghiệp bán lẻ không nắm rõ vấn đề này vì chỉ chú trọng mở rộng mạng lưới hàng loạt. Việc xem xét lại mạng lưới sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng xác định nên đóng cửa hàng nào để tiết kiệm tiền mặt nói chung, cũng như tối ưu hóa và giảm lượng tiền ra.

Tiếp theo là phát triển các kế hoạch dự phòng và các kịch bản "what if- nếu như" nhằm rà soát các tác động. Điều này rất quan trọng bởi suy thoái kinh tế có thể kéo dài, doanh nghiệp cần xem xét các lựa chọn và kịch bản tài chính một cách kỹ lưỡng.

Việc sớm thảo luận với các tổ chức tài chính về nhu cầu tiền mặt ngắn đến trung hạn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt tiền mặt trước mắt. Lên kế hoạch sớm cũng sẽ giúp các công ty chủ động về các lựa chọn khác nhau từ đó xác định giải pháp phù hợp, tối ưu nhất.

Doanh nghiệp cũng cần siết chặt các biện pháp kiểm soát tiền khi mà các nguyên tắc "kinh doanh thông thường" không còn phù hợp, ví dụ như đảm bảo thanh toán đúng hạn từ phía khách hàng hoặc ưu tiên thanh toán cho các nhà cung cấp quan trọng.

Các doanh nghiệp có hoạt động ngoại thương cũng cần lưu ý và nắm rõ những rủi ro về ngoại hối, do những biến động trong chuỗi cung ứng, lượng khách hàng hoặc dư nợ với các bên liên quan.

-Giả sử dịch sẽ kéo dài hơn quý II, vậy xét về mặt tài chính, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại để họ có thể sống sót?

Tác động của dịch Covid-19 lên Việt Nam có sự khác biệt so với những đợt suy thoái trước. Sụt giảm kép về nhu cầu của các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước sẽ tác động lên nền kinh tế, ít nhất là ngắn hạn khi mà các doanh nghiệp điều chỉnh để thích ứng với tình hình. Ngay cả khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, hoạt động kinh doanh có thể sẽ không trở lại bình thường ngay lập tức. Vì khi đó dù các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại, khách hàng sẽ mất một thời gian để hồi phục tiêu dùng. Bởi vậy, doanh nghiệp cần hiểu rõ và chủ động về tình hình tài chính của công ty để thích ứng với bối cảnh kinh tế này.

Sau khi nắm rõ về tài chính của công ty, để giữ vững được vị thế, các doanh nghiệp nên tiến hành đánh giá các đòn bẩy về tài chính và quy trình vận hành để duy trì tiền mặt, tối ưu hóa các kênh bán hàng và tìm cách để có nguồn tăng quỹ vốn.

Có thể kể đến các biện pháp như cân nhắc vay tín dụng (đặc biệt theo các gói hỗ trợ phù hợp) và tăng cường đòn bẩy thanh khoản để giải phóng tiền mặt từ vốn lưu động, ví dụ như chiết khấu cho khoản thanh toán sớm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiến hành rà soát đơn hàng hiện tại so với nhu cầu thực mua để đánh giá khả năng hủy hoặc hoãn nếu cần thiết. Doanh nghiệp theo dõi luồng hàng hóa và tối ưu quản lý hàng tồn kho trước những thay đổi có thể xảy ra về thời gian sản xuất, chuỗi cung ứng hoặc biến động nhu cầu...

Các công ty phụ thuộc vào xuất khẩu như sản xuất công nghiệp và nông nghiệp cũng nên bắt đầu xem xét lại về cơ cấu chi phí. Bởi các thị trường xuất khẩu sẽ trở nên cạnh tranh hơn đối với Việt Nam, đặc biệt cạnh tranh từ các quốc gia Đông Nam Á. Thực tế, với giá trị đồng VND đang mạnh hơn so với khu vực, cùng với nhu cầu chậm lại của các quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, thì cạnh tranh sẽ càng gia tăng, dẫn đến đến tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.

Bên cạnh đó, các tổ chức cần quản lý các đối tác trong và ngoài doanh nghiệp. Việc nhanh chóng xác định các bên liên quan sẽ giúp doanh nghiệp hiểu và điều tiết các bên khi tình hình trở nên phức tạp trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đặc biệt khi xuất hiện xung đột lợi ích và khi có nhiều thay đổi cần cập nhật liên tục cho các bên. Các bên liên quan ở đây cần lưu ý tới cả về tài chính và vận hành.

Cảm ơn ông!

Phó TGĐ PwC Việt Nam: Làm thế nào đảm bảo dòng tiền để doanh nghiệp sống sót qua đại dịch Covid-19? - Ảnh 2.


Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên