MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu Việt Nam có phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tín dụng?

Theo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (RongViet Securites), cuộc khủng hoảng này có thể xảy đến nếu thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến sức khỏe tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nhận định chung về kinh tế Việt Nam, RongViet Securites cho biết trong 4 năm trở lại đây, nền kinh tế đã cơ bản thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đại dịch lần này đang thách thức trực tiếp các điểm yếu cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm phụ thuộc lớn vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ yếu, tỷ lệ nợ cao, và cơ chế truyền dẫn chính sách thiếu hiệu quả.

Những tác động ban đầu của đại dịch Covid-19 đến từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sau thời gian nghỉ lễ Tết. Tình trạng cách ly xã hội trải dài trong khu vực Châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc, đã làm gia tăng lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các số liệu thương mại quốc tế cho thấy sự đa dạng hóa nguồn cung từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ đã phần nào hạn chế tác động từ Trung Quốc.

Tác động tiêu cực từ cú sốc cung đối với Việt Nam đang giảm dần do sự tái khởi động hoạt động kinh tế tại Trung Quốc và sự độc lập tương đối với nguồn cung từ các nước G7-các nước đang bị phong tỏa.

Cụ thể, tỷ lệ hồi phục sản xuất tại Trung Quốc đã đạt 85% so với năm 2019. Nguồn cung nối lại trong khi các lệnh hạn chế di chuyển của quốc gia này cũng đang được gỡ bỏ dần dần.

Trong khi đó, ảnh hưởng nguồn cung từ các nước G7 tới Việt Nam khá hạn chế do quy mô nhập khẩu hàng hóa từ khối này chỉ chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019.

Mặc dù cú sốc cung tạm thời lắng dịu và không còn là mối đe doạn lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng các tác động từ cú sốc cầu đang dần hiện hữu.

Thị trường các nước phát triển tại Châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm hơn 40% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam, đang trong giai đoạn phong tỏa kinh tế.

Khảo sát của McKinsey & Company3 nhằm đo lường sự thay đổi kỳ vọng và hành vi tiêu dùng của người dân toàn cầu trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay cho thấy cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ kéo dài. Đa số họ cho rằng thu nhập sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và sẽ cần rất cẩn trọng trong chi tiêu.

RongViet Securites cũng nhấn mạnh Việt Nam và các quốc trong khu vực đang phải chịu đựng hậu quả từ những thay đổi kinh tế bên ngoài.

Trong tháng 3, hầu hết các quốc gia đều ghi nhận sự lao dốc của chỉ số PMI. Không kể đến Singapore, Việt Nam và Philippines bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chỉ số PMI lần lượt ở mức 41,9 và 39,7 điểm. Đây được ghi nhận là mức PMI thấp nhất của Việt trong thập kỷ qua.

Xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU đã bắt đầu giảm đáng kể trong tháng 3. Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may, nhựa, cao su, hóa chất, thép và hàng nông sản (trừ gạo). Trung bình tất cả các ngành trên đều giảm 10% trong quý I/2020. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của thiết bị quang học chỉ bằng một nửa quý I/2019.

Xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp sang Trung Quốc cũng bị kẹt tại biên giới hải quan. Ngày càng có nhiều nhà máy sản xuất ngừng hoạt động kể từ đầu tháng 4 và các công nhân đang bị sa thải. Nguyên nhân đến từ việc các đơn hàng xuất khẩu đang bị trì hoãn hoặc dừng ồ ạt. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ giảm hơn 20% so với cùng kỳ trong quý II/2020.

Đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn đầu tư FDI được giải ngân chỉ là 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Các dự án mới được đăng ký trong năm ngoái đều là những dự án quy mô nhỏ và trung bình được thực hiện trong 12 tháng.

Về mặt tiêu dùng trong nước, việc cách ly xã hội đang làm tổn thương các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ. Đáng chú ý, tổng doanh số hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng âm trong tháng 3. Chính sách cấm nhập cảnh đã dẫn đến số lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh và sẽ về 0 trong tháng 4. Do đó, ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống, tại các trung tâm thành phố và các điểm thu hút du lịch đã tạm thời đóng cửa. Doanh thu của họ giảm 27% so với cùng kỳ trong tháng 3. Một điều chắc chắn rằng ngành tiêu dùng vốn chiếm gần ba phần tư nền kinh tế Việt Nam, sẽ tiếp tục giảm trong quý II.

Trong bối cảnh cả ba ngành kinh tế chính đều thu hẹp quy mô, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước tính đạt 5,3% trong năm 2020, thấp hơn mức 7% của năm 2019, trong kịch bản dịch bệnh đã được ngăn chặn và các hạn chế ở những nước phát triển được dỡ bỏ vào giữa quý II, cộng với việc giải ngân đầu tư công lành mạnh.

Đơn vị này trong phân tích của mình cũng đề cập đến khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng với nền kinh tế.

Tại Việt Nam, dự trữ ngoại hối tăng vọt lên 83 tỷ USD, tương đương 3,7 tháng nhập khẩu. Tuy nhiên, RongViet Securites cho biết khủng hoảng tín dụng vẫn có nguy cơ xảy ra nếu thiệt hại kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Việt Nam đứng đầu trong số các quốc gia có đòn bẩy cao ở châu Á khi tỷ lệ tín dụng trên GDP là hơn 130% vào năm 2019. Kể từ thời kỳ hậu khủng hoảng, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam, đặc biệt cho vay tiêu dùng, đã tăng lên đáng kể. Bong bóng giá bất động sản đã được hình thành. Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã chậm lại kể từ năm 2018, phía RongViet Securities tin rằng quá trình tháo gỡ đòn bẩy tài chính chưa hoàn tất và mức nợ vẫn còn quá cao.

"Như đã đề cập ở trên, chúng ta đang sống trong giai đoạn đầu của suy thoái kinh tế, trong đó các chính phủ, bao gồm cả Việt Nam, đã quyết định đánh đổi tăng trưởng kinh tế để ngăn chặn đại dịch. Tại thời điểm này, hãy tập trung vào đại dịch và khủng hoảng tín dụng", đơn vị này lưu ý.

Liệu Việt Nam có phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tín dụng? - Ảnh 1.

N.Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên