MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ ngoại từ Trung Quốc xả mạnh cổ phiếu Việt Nam: Quy mô khủng hơn Fubon ETF, thuộc công ty khổng lồ của tỷ phú Jack Ma

Ước tính, Tianhong Vietnam bị rút vốn khoảng 1 tỷ RMB (3.500 tỷ đồng) trong 3 tháng của quý 2 vừa qua. Đây là quý bị rút vốn mạnh nhất của quỹ ngoại này kể từ khi được ra mắt năm 2020.

Từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 59.000 tỷ đồng trên HoSE, đặc biệt với lực bán gia tăng mạnh trong quý 2 vừa qua. Hai tháng liên tiếp 5-6 giá trị bán ròng vượt 15.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong một tháng. Khối ngoại xả hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng rút vốn đang diễn ra trên các thị trường cận biên và mới nổi.

photo-1722099543458

Ngoài làn sóng rút vốn qua các quỹ ETF, đỉnh điểm là việc BlackRock thanh lý iShares MSCI Frontier and Select EM ETF, các quỹ mở (tương hỗ) cũng góp "gió" tạo nên cơn bão xả hàng trên TTCK Việt Nam. Một trong những quỹ ngoại bán ròng mạnh cổ phiếu Việt Nam thời gian qua là Tianhong Vietnam Market Stock Initiated Securities Investment Fund (QDII).

Thời điểm 30/6/2024, Tianhong Vietnam có 3,97 tỷ chứng chỉ quỹ, giảm 720 triệu đơn vị so với cuối quý 1 trước đó. Ước tính, quỹ ngoại này bị rút vốn khoảng 1 tỷ RMB (3.500 tỷ đồng) trong 3 tháng của quý 2 vừa qua. Đây là quý bị rút vốn mạnh nhất của Tianhong Vietnam kể từ khi quỹ được ra mắt năm 2020.

photo-1722099644408

Tianhong Vietnam thuộc Tianhong Asset Management (Tianhong AM) - một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Thiên Tân (Trung Quốc). Tianhong AM được thành lập vào ngày 8/1/2004 với vốn đăng ký 514,3 triệu RMB (Nhân dân tệ), hoạt động theo mô hình quỹ tương hỗ (mutual fund). Vào năm 2013, công ty quản lý quỹ này cùng với Alipay cho ra quỹ thị trường tiền tệ Yu'ebao.

Tianhong AM là nhà quản lý quỹ đầu tiên tại Trung Quốc có tổng tài sản quản lý vượt 1.000 tỷ RMB (142 tỷ USD). Các sản phẩm chính của Tianhong AM là quỹ đầu tư vốn, đầu tư trái phiếu, đầu tư chỉ số, quỹ thị trường tiền tệ và MRF (Mutual Recognition of Funds). Tại ngày 31/12/2023, Ant Financial của tỷ phú Jack Ma là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51% vốn của Tianhong AM.

Ant Financial là công ty quản lý 48 quỹ thành viên đang kinh doanh tất cả các sản phẩm, bao gồm cả đầu tư vào dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh… Đây là một nhánh của Alibaba Group, sở hữu nền tảng thanh toán lớn nhất Trung Quốc có tên Alipay. Ant Financial đã và đang mở rộng ra các thị trường châu Á và châu Âu. Một số thương vụ lớn như thâu tóm helloPay, đầu tư vào Paytm…

photo-1722099706394

Cơ cấu cổ đông của Tianhong AM vào cuối năm 2023

Tianhong Vietnam được ra mắt sau khi Tianhong AM giới thiệu thành công sản phẩm QDII đầu tiên tại Mỹ hồi tháng 9/2019. Quỹ được giới thiệu sẽ đầu tư theo chỉ số VN30, chỉ số bao gồm 30 cổ phiếu lớn nhất niêm yết tại HoSE. Sau khi ra mắt, quỹ hút vốn rất mạnh và mở rộng quy mô rất nhanh trước khi xu hướng đảo chiều trong quý 2 vừa qua.

Tính đến 30/6/2024, giá trị tài sản ròng (NAV) của Tianhong Vietnam đạt hơn 5,52 tỷ RMB (19.300 tỷ đồng), thấp hơn đáng kể so với mức xấp xỉ 7 tỷ RMB (24.000 tỷ đồng) hồi cuối quý 1. Dù vậy, với quy mô này, Tianhong Vietnam vẫn là một trong những quỹ mở lớn nhất đang đầu tư tại TTCK Việt Nam.

Tại ngày cuối quý 2, danh mục cổ phiếu chiếm 90,49% NAV của quỹ, tương đương 5,16 tỷ RMB (18.000 tỷ đồng), giảm khoảng 4.000 tỷ đồng so với hồi cuối quý 1. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ gồm HPG, HDB, VPB, STB, MWG, SSI, CTG, VCB, MBB, DGC với tổng tỷ trọng hơn 71%. Ngoại trừ MWG, MBB, các cổ phiếu còn lại đều bị bán mạnh.

photo-1722099769256

Lượng bán ra có thể còn lớn hơn do một số cổ phiếu thực hiện chia tách trong quý 2 vừa qua

Ngoài Tianhong Vietnam, nhiều quỹ đầu tư lớn đến từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang rót vốn vào TTCK Việt Nam, có thể kể đến Fubon FTSE Vietnam ETF, CTBC Vietnam Equity Fund, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund… Trong đó, Fubon ETF cũng có giai đoạn bị rút vốn mạnh dù đang huy động vốn bổ sung đợt 6.

Nhìn chung, khối ngoại vẫn đang giữ xu hướng bán ròng trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn đầu quý 3. Tuy nhiên, mức độ đã có phần hạ nhiệt và cường độ cũng bớt dồn dập hơn. Đã bắt đầu xuất hiện những phiên đảo chiều mua ròng khá mạnh. Trong tuần 22-26/7, khối ngoại mua ròng 462 tỷ đồng, chấm dứt 5 tháng xả hàng ròng rã. Lực mua chủ yếu qua kênh thoả thuận (872 tỷ đồng) trong khi vẫn bán ròng trên kênh khớp lệnh.

Việc Fed đang tiến gần hơn đến quyết định giảm lãi suất được đánh giá sẽ góp phần làm dịu đi đà rút vốn khỏi các thị trường cận biên và mới nổi, thậm chí có thể làm đảo chiều dòng vốn trong ngắn hạn. Với tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức khá cao, dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ sớm trở lại trên TTCK Việt Nam.

Hà Linh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên