MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết định tập thể dục giữa trưa để "đánh bay" cơn uể oải lúc 3h chiều, tôi nhận về lời khuyên bất ngờ của chuyên gia: Hiệu quả nhưng ai cũng lười làm!

23-08-2019 - 15:13 PM | Sống

Sau một thời gian dài chống chọi với cơn buồn ngủ vào buổi chiều, tôi đã quyết định tập thể dục vào giữa trưa để xem thói quen này có cải thiện năng suất làm việc của mình hay không.

Chẳng biết từ bao giờ, tôi luôn cảm thấy buồn ngủ rã rời vào buổi chiều. Cứ từ trưa đến khoảng 3h chiều, mí mắt tôi sẽ sụp dần, và trong 30 phút tiếp theo, tôi không tài nào làm việc nổi nữa. Tôi đành chọn những công việc nhẹ nhàng, không cần quá tập trung như dọn email hay nghiên cứu web. 

Bị ám ảnh về vấn đề năng suất, tôi đã thực hiện rất nhiều thói quen tốt cho sức khỏe. Mỗi đêm, tôi ngủ từ 7-7,5 tiếng. Tôi chờ 14 tiếng sau bữa tối mới ăn bữa tiếp theo - chủ yếu cũng toàn đồ chứa chất béo tốt và protein. Tôi uống rất nhiều nước. Tôi tập thể dục 5-6 buổi/tuần. Tôi ăn vặt bằng các loại hạt khô hoặc trứng luộc để không thèm tinh bột. 

Thế nhưng, không có giải pháp nào hiệu quả. Trên thực tế, trong vài tháng vừa qua, tôi để ý mình trở nên uể oải vào 2 khung giờ - 11h trưa và 3h chiều. Vì thế, tôi quyết định thay đổi: thử tập thể dục vào giờ ăn trưa.

Quyết định tập thể dục giữa trưa để đánh bay cơn uể oải lúc 3h chiều, tôi nhận về lời khuyên bất ngờ của chuyên gia: Hiệu quả nhưng ai cũng lười làm! - Ảnh 1.

Lợi ích của việc tập thể dục đối với não

Theo tiến sĩ tâm lý học Bill Sukala, các bài tập cardio có thể giúp đảo ngược tình trạng teo não và làm chậm quá trình lão hóa. Nó cũng giúp nâng cao khả năng nhận thức, cải thiện tâm trạng và quản lý hormone cortisol gây stress.

Tuy nhiên, không ai biết rõ những bài tập khác nhau có tác động lên não ra sao, hay đâu là thời điểm thích hợp để tập luyện nhằm tăng cường sự tỉnh táo và hiệu quả công việc. Tôi thường tự tập thể dục vào buổi sáng hoặc học theo lớp vào buổi tối. Dù vậy, hormone endorphin gây hưng phấn cũng không kéo dài được bao lâu. Tôi vẫn cảm thấy buồn ngủ vào 3h chiều.

Tập thể dục vào giữa trưa: Vừa thoải mái, vừa stress

Tôi đã quyết định thử tập thể dục vào giữa trưa trong vòng 4 ngày. Tôi thay đổi luân phiên giữa các bài tập HIIT, cardio cường độ thấp và các bài tập rèn thể lực. Sự thay đổi đầu tiên đã xuất hiện: tôi không còn buồn ngủ vào lúc 11h trưa nữa. Tuy nhiên, tôi lại mất nhiều thời gian hơn để tập trung vào buổi sáng. Bởi lẽ, trước đây tôi bị phụ thuộc vào việc tập thể dục sáng sớm để có thể tỉnh táo khi đi làm. 

Đồng thời, tôi cảm thấy mình lúc nào cũng trong trạng thái khẩn trương. Đi đến phòng gym, tập thể dục, tắm rửa, thay đồ - nghĩa là tôi sẽ rời văn phòng trong 90 phút. Để bù lại khoảng thời gian này, tôi phải đi làm sớm hơn 1 tiếng và về muộn 30 phút. Điều này khiến tôi cảm giác rằng mình không có đủ thời gian. Tôi bị áp lực phải làm mọi thứ nhanh hơn. Nếu không, tôi sẽ chẳng kịp hoàn thành bất cứ điều gì.

Quyết định tập thể dục giữa trưa để đánh bay cơn uể oải lúc 3h chiều, tôi nhận về lời khuyên bất ngờ của chuyên gia: Hiệu quả nhưng ai cũng lười làm! - Ảnh 2.

Nhiều người lo sợ bị đồng nghiệp đánh giá nếu nghỉ trưa sớm, nhưng tôi thì không. Cứ bắt đầu luyện tập là mọi lo lắng của tôi đều tan biến. Phòng gym cũng vắng vẻ hơn so với lúc 7h sáng hay 7h tối. Bằng cách tập luyện đến đổ mồ hôi, tôi cảm thấy thoải mái và tỉnh táo hơn nhiều. Tôi thậm chí còn nỗ lực nhiều hơn, do chỉ có một chút thời gian để luyện tập mỗi ngày.

Đáng buồn là, cảm giác hưng phấn sau tập luyện nhanh chóng biến mất vào khoảng 3h. Tôi vẫn tương đối uể oải, nhưng không kéo dài lâu. Sau khi thoát khỏi trạng thái đó, tôi thấy mình tập trung cao độ hơn. Tôi cũng làm việc hiệu quả hơn nhiều vào buổi chiều. 

Lý giải đằng sau việc tập thể dục vào buổi trưa

Tôi đã tham khảo Mario Urso - chuyên gia về hoạt động con người cho trung tâm O2x - để hiểu hơn về tác dụng của việc tập thể dụng vào buổi trưa.

Theo Urso, cơn buồn ngủ lúc 11h của tôi là do không ngủ đầy đủ vào đêm hôm trước, hoặc do không nạp lại năng lượng trước và sau khi luyện tập. Tập thể dục trong trạng thái nhịn ăn - điều mà tôi vẫn hay làm - sẽ khiến đường huyết hạ. Do đó, nếu khoảng cách giữa bữa ăn tối và bữa ăn kế tiếp của tôi quá lâu, đường huyết sẽ không thể ổn định được. Tuy nhiên, khi tập vào giữa trưa, tôi đã ăn trước và sau khi tập luyện. Nhờ vậy mà tôi cảm thấy tỉnh táo hơn.

Tôi hỏi Urso liệu rằng mình có thể đánh bại cơn buồn ngủ lúc 3h chiều không, hay nó là một thứ không thể tránh được. Cô nói: “Tôi nghĩ điều này hoàn toàn khả thi”. Quan trọng là bạn phải chú ý tới những chi tiết nhỏ nhặt. Bạn có ngủ đủ không? Bạn có vận động nhiều không? Bạn có ăn đủ chất dinh dưỡng không? Bạn có điều chỉnh lượng caffeine hấp thụ mỗi ngày không?

Quyết định tập thể dục giữa trưa để đánh bay cơn uể oải lúc 3h chiều, tôi nhận về lời khuyên bất ngờ của chuyên gia: Hiệu quả nhưng ai cũng lười làm! - Ảnh 3.

Muốn làm việc hiệu quả nhất, Urso gợi ý mọi người nên vận động. “Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên cũng khiến bạn tràn trề năng lượng hơn”, cô cho biết. Đối với những người không có điều kiện tập thể dục vào buổi trưa, hãy đứng lên đi lại trong cơ quan hoặc đi dạo bên ngoài vài lần, mỗi lần 10 phút.

Sau khi thử nghiệm, tôi thấy không nên vì một chút sảng khoái vào buổi chiều mà để bản thân bị stress về thời gian vào buổi sáng. Giờ đây, mỗi khi cơn uể oải kéo đến lúc 3h chiều, tôi sẽ rời khỏi bàn làm việc và đi dạo khoảng 10-15 phút. Tất nhiên, tôi sẽ không thể tỉnh táo hoàn toàn, nhưng ít ra tôi vẫn có thời gian nghỉ ngơi để dễ tập trung hơn trong buổi chiều.

Là một người đề cao sự hiệu quả trong công việc, tôi hy vọng mình sẽ đánh bại hoàn toàn cơn uể oải lúc 3h chiều. Tạm thời, tôi sẽ thử thay đổi chế độ ăn và thói quen đi ngủ của mình trước

Bài chia sẻ của Anisa Purbasari Horton - trợ lý biên tập viên mục Công việc - Đời sống của trang Fast Company.

Ngọc Hà

FC

Trở lên trên