MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau diễn biến sôi động trong tháng 6, cố phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?

09-07-2023 - 16:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau diễn biến sôi động trong tháng 6, cố phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?

Cổ phiếu ngành ngân hàng đã trải qua tháng 6 đầy sôi động, khi NHNN hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm 2023, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6 chứng kiến mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3/2023 nhờ các nỗ lực liên tục của cơ quan chức năng trong việc đưa ra các biện pháp tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế, qua đó gián tiếp kích thích kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Là nhóm trụ cột kéo điểm thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng diễn biến đầy tích cực trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm 2023, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây.

Trong tháng 6, có tới 25/27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường Upcom tăng giá và chỉ 2 mã giảm giá so với cuối tháng 5. Trong đó, nhiều mã vốn hóa lớn bật tăng khá tốt như MBB (11%), VIB (10%), TCB (8%), OCB (8%), STB (8%), SHB (6%), VCB (6%), CTG (5%),…

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 26% so với tháng 5 với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 176 triệu cp/ngày, tương đương giá trị hơn 3.600 tỷ đồng/ngày.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tăng trở lại trong 6 tháng qua nhưng mức định giá vẫn tương đối hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm. Cụ thể, sau khi những khó khăn về BĐS và TPDN dần được tháo gỡ, P/B của ngành đã quay trở lại độ lệch chuẩn -1 bình quân 5 năm, và đây vẫn là vùng giá hợp lí để các nhà đầu tư dần tích luỹ dài hạn đối với nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, rủi ro xuất hiện thêm một nhịp chỉnh trong ngắn hạn cần được tính đến và NĐT chỉ nên giải ngân khi mặt bằng giá có những mức chiết khấu sâu hơn.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh, KBSV tiếp tục duy trì quan điểm TRUNG LẬP với ngành ngân hàng trong ngắn hạn do bối cảnh hiện tại vẫn chưa thực sự khả quan và các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 sau diễn biến ảm đạm trong những tháng đầu năm dựa trên chính sách hạ lãi suất của NHNN giúp các NHTM điều chỉnh lãi suất cho vay, từ đó thúc đầy cầu tín dụng. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn cho vay đang tồn tại các vấn đề (1) nhu cầu vay vốn của các DN chưa cao do triển vọng kinh tế không tích cực, (2) các ngân hàng thận trọng hơn trong việc giải ngân cho khách hàng có rủi ro lớn.

“Do vậy, chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 có thể sẽ không hoàn thành kế hoạch 14% mà NHNN đặt ra”, nhóm phân tích đánh giá.

Thứ hai, KBSV cho rằng chất lượng tài sản của toàn ngành vẫn là vấn đề cần lưu tâm, dù vậy nhóm phân tích kỳ vọng việc NHNN ban hành TT02 sẽ hỗ trợ giảm bớt áp lực gia tăng tỷ lệ nợ xấu cho các ngân hàng, và phần nào giảm chi phí dự phòng trong 2 quý tới.

Thứ ba, tốc độ giảm của NIM được hãm lại sau khi NHNN đã điều chỉnh hạ lãi suất, thậm chí một số ngân hàng sẽ có sự cải thiện về NIM do tốc độ giảm lãi suất cho vay có độ trễ với lãi luất huy động.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng định giá của cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn và kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 nhờ nền kinh tế phục hồi; nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu ngân hàng khi có sự chiết khấu cho mục tiêu đầu tư dài hạn

Sau diễn biến sôi động trong tháng 6, cố phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn? - Ảnh 1.

Nguồn: BVSC

Theo dự báo của BVSC, lợi nhuận của ngành ngân hàng (trong danh sách theo dõi) tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2023 và tăng trưởng khoảng 17,6% trong năm 2024 dựa trên kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.

Nhóm phân tích cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ trong đó có những chính sách mang tính đi đầu tính ở cả bình diện thế giới như hạ mạnh lãi suất điều hành. Điều này thể hiện quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, nền kinh tế đối mặt cùng lúc với cả thách thức trong nước và quốc tế và vẫn đang ở trong tình trạng khó khăn đòi hỏi cần thêm nhiều chính sách, nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế.

Với những nỗ lực mang tính đi trước thế giới như Chính phủ và NHNN đã thực hiện, BVSC kỳ vọng Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp mới, mạnh mẽ hơn hỗ trợ cho nền kinh tế. Và điều này cũng sẽ mang lại thuận lợi cho ngành ngân hàng như gia tăng tính dụng, giảm áp lực nợ xấu, gia tăng lợi nhuận.

Tựu chung lại, nhóm phân tích đánh giá, ngành ngân hàng đối mặt với những cơn gió ngược nhưng kết quả kinh doanh vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên