Sau nhiều năm âm thầm M&A, GTNfoods công bố doanh thu, lợi nhuận tăng vượt bậc nhờ hợp nhất các công ty con
Tái cấu trúc xong các công ty con Vinatea, Vilico, Sữa Mộc Châu, kết quả kinh doanh của GTNfoods đã tăng trưởng vượt bậc với doanh thu tăng gần 72% và lợi nhuận tăng 11 lần so với 6 tháng năm 2016.
Công ty cổ phần GTNfoods (mã chứng khoán GTN) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2017 với doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc
Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2017 của GTNfoods đạt 2.078 tỷ đồng, tăng trưởng 71,5% và lợi nhuận gộp đạt 250 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 12%, tăng mạnh so với tỷ lệ chỉ 2,9% đạt được nửa đầu năm 2016.
Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng bứt phá với 65,5 tỷ đồng, tăng hơn 50,4 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó riêng thu từ khoản tiền gửi hơn 37,2 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2017 GTNfoods ghi nhận có hơn 1.071 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm, và gần 50 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng. Tổng tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm cuối quý 2/2017 của công ty là 1.280 tỷ. Theo lãnh đạo GTN, khoản dư tiền rất lớn sẽ giúp GTNfoods có nguồn vốn đầu tư các dự án sinh lời tốt trong tương lai.
Chi phí tài chính lại giảm sút hơn một nửa còn chưa đến 3 tỷ đồng do công ty chủ động giảm mạnh nợ vay ngắn và dài hạn.
Sau một thời gian dài tích cực M&A, tổng cộng tài sản của GTNfoods tính đến cuối quý 2/2017 đạt 4.284 tỷ đồng, tăng gần 810 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 232% so với đầu kỳ. Bên cạnh đó, nhờ sự hợp nhất với Vilico, ngoài việc tổng tài sản tăng mạnh thì nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh 682 tỷ đồng so với đầu kỳ, lên mức 3.465 tỷ đồng.
GTNfoods cho biết, quý 1/2016 công ty đã hợp nhất Vinatea vào báo cáo tài chính nhưng giai đoạn đó mới bắt đầu tái cấu trúc nên doanh thu và lợi nhuận chưa cao còn sang 6 tháng năm 2017 thì tính riêng Vilico, doanh thu đạt 1.383 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế thu về hơn 115 tỷ đồng.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2017 GTNfoods đạt gần 111 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 9,2 lần cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, tăng 12 lần so với 6 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 16,4 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ.
Xét về “của để dành”, tính đến cuối quý 2, GTNfoods còn 245 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần; hơn 10 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 33,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Sau nhiều năm âm thầm M&A, công ty con đã mang lại thành quả cho GTNfoods
Theo lý giải của GTNfoods, đầu năm 2017, công ty đã M&A thành công phần lớn cổ phần của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) đã giúp GTNfoods hợp nhất được Vilico và CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (MocChauMilk) vào kết quả kinh doanh của mình.
Lịch sử M&A doanh nghiệp của GTNfoods
Vilico (mã chứng khoán VLC) tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi GTNfoods mua cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu lên mức cao, GTNfoods đã tiến hành tái cơ cấu Vilico nhằm tăng năng lực của doanh nghiệp này. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, chi phí quản lý của công ty mẹ Vilico giảm 38%, số lượng người lao động giảm 15%, số lượng người lao động tại văn phòng giảm 25%. Điều đáng chú ý là nhờ việc giảm số lượng lao động cùng với nỗ lực kiểm soát tốt hơn các nguyên vật liệu trực tiếp và cắt giảm mạnh số lợn nái quá già, giá thành sản xuất trên đầu lợn đã giảm 15% trong 6 tháng đầu năm 2017 nếu so với cùng kỳ năm 2016.
Mới đây (sau kỳ báo cáo tài chính bán niên), GTNfoods đã hoàn tất mua vào nâng tỷ lệ sở hữu tại Vilico lên 70,05% - hiện thực hóa giấc mơ thực hiện chuỗi giá trị “đi từ nông trại đến gia đình – và cuối cùng là đến bàn ăn".
Đối với công ty con CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mocchaumilk), nhờ hợp nhất Vilico là đơn vị sở hữu Sữa Mộc Châu, GTNfoods đã biến Sữa Mộc Châu thành công ty con của mình. Sữa Mộc Châu là doanh nghiệp hiệu quả nhất trong số các đơn vị thành viên của Vilico. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La vừa qua, đại diện GTN cho biết hiện công ty đã đầu tư tại Mộc Châu-Sơn La với tổng giá trị tài sản các đơn vị sản xuất hơn 1.500 tỉ đồng, đồng thời, Tập đoàn tiếp tục cam kết đầu tư thông qua đơn vị thành viên là Vinatea với tổng giá trị 300 tỉ đồng và Mocchaumilk 510 tỷ đồng.
Còn đối với công ty con Vinatea, công ty cũng đã thực hiện giảm số lượng nhân công đến 27% so với năm 2015, nâng lương trung bình của người lao động tăng 1,5 đến 2 lần so với năm 2015. Nhờ chiến lược này, doanh thu trên vốn của Vinatea đã tăng từ 1,94 tỷ đồng/người lao động giai đoạn trước tái cấu trúc lên mức 5,34 tỷ đồng/người lao động vào 6 tháng năm 2017. Sau khi GTNfoods sở hữu, dòng tiền của Vinatea luôn dương và ổn định, công ty cũng đã mở thêm được nhiều hạn mức tín dụng với các ngân hàng.
Điều đáng chú ý khác liên quan đến hoạt động của Vinatea đó là công ty vừa mới ký kết với đơn vị thành viên của tập đoàn Kido hiện đã có sẵn ~400.000 điểm bán hàng cho mảng thực phẩm đóng gói. Vinatea kỳ vọng sự hợp tác này có thể đem lại doanh thu trà thương hiệu trong 6 tháng cuối năm 2017 vào khoảng 1 triệu đô la Mỹ và tăng trưởng đều cho các năm tiếp theo.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế ACV bất ngờ sụt giảm 381 tỷ đồng
- Lãi đậm năm 2017, Mía đường Sơn La vẫn dè dặt đặt mục tiêu lãi sau thuế năm 2018 giảm 66% so với cùng kỳ
- Tân Tạo (ITA) điều chỉnh tăng 44% lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán
- Nhà Thủ Đức (TDH) giảm 17% lợi nhuận sau thuế sau soát xét bán niên
- Sau soát xét, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vingroup tăng 16%