Sức ép tăng lãi suất tạm thời được giải tỏa
Việc dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều khả năng chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn. Với rủi ro lạm phát đang tăng nhanh trở lại, NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện từ giữa quý II
Theo báo cáo chiến lược 6 tháng đầu năm của CTCK Bảo Việt (BVSC), diễn biến lãi suất liên ngân hàng nhìn chung duy trì ở mặt bằng khá cao (4-5%/năm cho cả ba kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần) trong phần lớn thời gian của 6 tháng đầu năm nay. Tuy vậy, lãi suất liên ngân hàng có hai đợt điều chỉnh khá mạnh trong khoảng thời gian 6 tháng qua.
Lần thứ nhất là thời điểm cuối tháng 2 - đầu tháng 3, lãi suất đã có lúc giảm xuống dưới 1%/năm do đây là những tuần đầu sau Tết Nguyên Đán, nhu cầu chi trả giảm mạnh trong khi lượng tiền dư thừa có xu hướng quay trở lại giúp thanh khoản hệ thống dư thừa.
Tuy nhiên, ngay sau đó, lãi suất đã tăng nhanh và duy trì ở mức 3-5%/năm trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4. Lần điều chỉnh mạnh thứ hai của lãi suất liên ngân hàng là giai đoạn từ giữa tháng 5 trở lại đây. Lãi suất các kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm và duy trì ở mức 1-2%/năm trong vòng sáu tuần liên tiếp.
Theo BVSC, việc thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ nét trong thời điểm cuối quý II nhiều khả năng xuất phát từ tình trạng dư thừa tạm thời của tiền Đồng sau khi NHNN liên tiếp mua vào ngoại tệ (ước tính khoảng 8 tỷ USD) nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối. Theo số liệu công bố từ NHNN, tăng trưởng M2 tính đến cuối tháng 5 đạt mức 6,75% so với cuối năm 2015 trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn (5,48%).
Chênh lệch giữa phần tăng thêm của cung tiền M2 và phần tăng thêm của tín dụng là 255.143 tỷ đồng. Một phần lượng tiền dư ra này đã được các NHTM đầu tư mới vào kênh TPCP với tổng lượng vốn ròng rót vào đây là 58.739 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng vốn NHNN bơm ròng qua kênh OMO trong 5 tháng đầu năm cũng đạt gần 3.000 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng cộng, phần chênh giữa cung tiền và cầu tiền trong nền kinh tế tính đến thời điểm cuối tháng 5 ước tính khoảng 95.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,2 tỷ USD).
NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền
Thanh khoản tốt dần lên giúp các ngân hàng giải tỏa đáng kể áp lực phải tăng lãi suất huy động tiết kiệm từ dân cư. Ngoài ra, Thông tư 06 (sửa đổi một số điều của Thông tư 36) được ban hành hồi đầu tháng 6 vừa qua đã có một sửa đổi quan trọng so với dự thảo ban đầu là chưa vội điều chỉnh giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay vốn trung và dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống mức 40% ngay trong năm 2016 mà lùi dần xuống các mốc 50% và 40% lần lượt trong hai năm 2017 và 2018.
Theo BVSC, điểm sửa đổi này giúp các ngân hàng giải tỏa áp lực phải tăng vốn huy động trung và dài hạn bằng mọi giá ngay trong các tháng còn lại của năm nay. Qua đó, sức ép tăng lãi suất cũng tạm thời giảm bớt.
Tuy vậy, việc dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều khả năng chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn. Với rủi ro lạm phát đang tăng nhanh trở lại, NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền.
Ngoài ra, 6 tháng cuối năm cũng là thời điểm tín dụng có xu hướng tăng tốc mạnh (tính đến thời điểm hiện tại NHNN vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20% cho cả năm nay). Bên cạnh đó, KBNN mới đây cũng đã điều chỉnh tăng kế hoạch phát hành TPCP cho cả năm nay thêm 30.000 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu tăng ở kỳ hạn 5 năm. Diễn biến này cũng sẽ góp phần khiến cầu về nguồn vốn tăng thêm. Khi cầu về vốn tăng nhanh hơn so với cung, lãi suất cũng sẽ chịu sức ép tăng.
"Mặc dù vậy, kể cả trong kịch bản phải tăng thêm, chúng tôi cho rằng mức tăng của lãi suất cho vay cũng chỉ ở mức nhỏ (khoảng 0,5%)", báo cáo nhận định.