Tài khoản thẻ không sử dụng, các ngân hàng xử lý ra sao?
Sau câu chuyện thẻ tín dụng xài 8,5 triệu đồng nhưng phát sinh nợ tới 8,8 tỉ đồng, tài khoản không phát sinh giao dịch vẫn thu phí quản lý tài khoản, nhiều người "rủ nhau" đóng tài khoản ngân hàng.
- 18-03-2024Để qua một bên vụ nợ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ, Việt Nam vẫn là thị trường thẻ tín dụng tăng trưởng tích cực
- 18-03-2024Vụ vay 8,5 triệu 'ôm nợ' 8,8 tỷ đồng: Phân biệt loại thẻ, trách nhiệm ngân hàng
- 17-03-2024Từ vụ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Chủ thẻ tín dụng thường quên để ý số % nhỏ bé nhưng quan trọng này
Ngay trong sáng đầu tuần 18-3, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều người đã tấp nập liên hệ ngân hàng hoặc ra chi nhánh, quầy giao dịch để đóng những tài khoản không sử dụng hoặc "bỏ quên" nhiều năm. Không chỉ 1-2 tài khoản ngân hàng để nhận lương, thanh toán, nhiều người cho biết có tới 5-7 thẻ, tài khoản, thậm chí gần chục thẻ ghi nợ nội địa (ATM), thẻ tín dụng…
Chị Nguyễn Thoa (ngụ quận 4, TP HCM) cho biết ngay sau thông tin một chủ thẻ tín dụng của Eximbank phát sinh giao dịch 8,5 triệu đồng nhưng gần 11 năm sau ngân hàng thông báo tổng dư nợ phải thanh toán hơn 8,8 tỉ đồng, chị đã tất tả kiểm tra tài khoản, thẻ của mình.
"Nhiều năm trước, tôi có mở thẻ tín dụng của Sacombank, có phát sinh dư nợ rồi thanh toán đầy đủ. Nay, tôi gọi lên tổng đài của Sacombank hỏi thì được trả lời do thẻ không phát sinh giao dịch nên ngân hàng đã tạm khóa. Giờ tôi đi hủy thẻ, chỉ phải đóng phí thường niên phát sinh trong 2 tháng đầu năm 2024, phí không quá cao vì cả năm phí là 299.000 đồng" - chị Thoa kể.
Chị Ngọc Yến (ngụ TP Thủ Đức) kể câu chuyện chị vừa "rà lại hết các thẻ không sử dụng để đi đóng". Đối với thẻ ATM, nhân viên Agribank trả lời chị là sau 6 tháng thẻ ATM không phát sinh giao dịch sẽ tự động khóa tạm thời; BIDV cũng tự động khóa tạm thời sau 12 tháng không phát sinh giao dịch…
Một số ngân hàng khác như Sacombank, VietinBank, khi tài khoản thanh khoản của khách hàng còn 0 đồng và không phát sinh giao dịch từ 12 tháng, ngân hàng sẽ "đóng băng" tài khoản.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại giải thích, việc "đóng băng" này nhằm để các đơn vị kinh doanh không đưa vào số liệu thống kê, vừa tránh thống kê không thực tế vừa giảm tải cho hệ thống.
Vậy sao các ngân hàng khác không chủ động khóa tài khoản của khách hàng không sử dụng thời gian dài (trên 12 tháng) để tránh phát sinh phí?
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo một ngân hàng cho hay dù tài khoản thanh toán của khách hàng không hoạt động nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của khách hàng. Ngân hàng hàng tháng vẫn phải chạy số liệu, tốn tài nguyên để quản lý lượng tài khoản này.
"Chỉ khi nào "đóng băng" tài khoản mới tạm thời đưa ra khỏi số liệu thống kê, quản lý. Còn đóng vĩnh viễn sẽ rất khó vì có không ít trường hợp tài khoản 0 đồng nhưng một thời gian sau khách hàng sử dụng tiếp, có phát sinh giao dịch. Cũng có trường hợp khách hàng khiếu nại vì sao lại đóng tài khoản của họ" - lãnh đạo ngân hàng này giải thích.
Trước đó, Báo Người Lao Động phản ánh trường hợp nhiều người ngừng sử dụng tài khoản thanh toán nhưng vẫn bị thu phí quản lý tài khoản. Tài khoản của khách hàng 0 đồng nhưng vẫn bị tính phí, đến khi kiểm tra thì phát hiện "bỗng dưng" mắc nợ cả triệu đồng. Và để đóng tài khoản, chủ thẻ phải thanh toán đầy đủ phí biến động số dư tài khoản phát sinh cho ngân hàng.
Người lao động