MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạp chí Hoa Kỳ: Chống Covid-19 thành công, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho thương mại điện tử

Theo Forbes, khi nhìn vào số liệu thống kê về Covid-19 trên toàn cầu, bất kỳ ai cũng sẽ nhìn ra một quốc gia rất nổi bật, đó là Việt Nam. Tính đến hiện nay, số lượng ca nhiễm tại Việt Nam thấp ở mức đáng kinh ngạc. Vậy, bí mật đằng sau thành công của Việt Nam là gì?

Forbes nhấn mạnh, 3 yếu tố giúp Việt Nam "thắng lớn" trong cuộc chiến này đó là "phản ứng nhanh chóng, trên diện rộng và phối hợp chặt chẽ". Việt Nam đã bám chặt những nguyên tắc này ngay từ giai đoạn đầu và đến nay, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng với thành tích đáng khâm phục. Mặc dù vẫn chưa đạt được tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch, nhưng Việt Nam cũng đã ghi nhận tốc độ phục hồi mạnh mẽ.

Do vậy, Việt Nam hiện nay đang nổi lên là một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Mặc dù vẫn chưa thể thay thế Trung Quốc, nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng đã đạt được những thành tích rất ấn tượng. Với tỷ lệ thất nghiệp chung luôn trong khoảng 2%, mức tăng trưởng GDP quý 4/2019 đạt 6,97%, Việt Nam được đánh giá là "con hổ mới của nền kinh tế châu Á".

Ngoài ra, tỷ lệ thâm nhập internet của Việt Nam đạt 65%, là tiền đề cho sự phát triển thương mại điện tử. Bên cạnh đó, việc đóng cửa nền kinh tế cũng là động lực thúc đẩy xu hướng phát triển này. Theo số liệu nghiên cứu của Redseer, đến năm 2026, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của ngành thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD. Do vậy, Việt Nam chính là "mảnh đất tiềm năng" cho các doanh nghiệp muốn khai thác thị trường thương mại điện tử.

Một lợi thế khác cho các doanh nghiệp thương mại điện tử đó là số lượng người dùng di động tại Việt Nam tương đối lớn. Theo khảo sát của PwC năm 2019, 61% người dùng lựa chọn thanh toán bằng điện thoại di động. Song, Việt Nam vẫn là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt. Báo cáo mới đây của JPMorgan cho biết, thanh toán khi nhận hàng chiếm khoảng 20% thị trường mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, các giao dịch không dùng tiền mặt đang nhanh chóng chiếm vị thế trên thị trường, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19. Khảo sát của Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, trong vài tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, phần lớn sự tăng trưởng này đều nhờ các phương thức thanh toán di động từ các đơn vị trong nước. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, một người dùng ví điện tử tại Việt Nam thực hiện 1,6 đến 2 giao dịch trên các nền tảng kỹ thuật số mỗi ngày, chủ yếu để thanh toán các hoạt động như nạp tiền điện thoại, giao đồ ăn, đi lại, hóa đơn điện, nước...

Tuy nhiên, việc sử dụng các phương thức thanh toán hiện tại vẫn còn nhiều thách thức. Người tiêu dùng thường muốn chọn những phương thức thanh toán đơn giản và chỉ cần một cú nhấp chuột, không cần điền theo biểu mẫu dài dòng. Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn chưa đồng đều, bởi một số nơi vẫn phải đối mặt với tình trạng thường xuyên mất điện.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức trong việc khai thác thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, nhưng nhìn chung đây vẫn là thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn và xứng đáng để các doanh nghiệp xem xét đầu tư trong tương lai.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên