MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ kết quả kinh doanh năm 2018 của 672 doanh nghiệp niêm yết?

Top doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất gồm VCB, VHM, GAS, VNM. Top các doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận ở mức cao GAS, MSN, VEA. Top doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2018 VHM, ACB, ANV, MSR.

Theo thống kê từ Hệ thống FiinPro Platform, StoxPlus, tính đến hết ngày 31/01/2019, đã có 672 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính Quý IV/2018 (chiếm 88,4% vốn hóa trên 3 sàn).

Tổng lợi nhuận ròng cả năm 2018 các doanh nghiệp công bố đạt khoảng 243.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu loại trừ lợi nhuận đột biến của VHM (tăng gần 13.000 tỷ đồng lợi nhuận) con số nói trên chỉ tăng trưởng 11,8%. Tỷ lệ ROE chung toàn thị trường đạt 14%; giảm so với mức 14,5% của năm 2017; trong khi đó ROA tăng từ 2,5% lên mức 2,7%.

Có 557/672 doanh nghiệp báo lãi trong năm 2018, đạt tỷ lệ 83% số doanh nghiệp công bố. Các doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất tiêu biểu là VCB (14.641 tỷ đồng), VHM (14.223 tỷ đồng), GAS (12.102 tỷ đồng), VNM (10.227 tỷ đồng).

Số doanh nghiệp đã hoàn thành lợi nhuận kế hoạch là 307 doanh nghiệp, chiếm 45,7% tổng số doanh  nghiệp công bố, trong đó tiêu biểu là GAS (188,3%), MSN (158,4%), VEA (144,1%).

Nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2018 có các mã tiêu biểu: VHM (909,7%), ACB (142,5%), ANV (321,5%), MSR (222,3%).

Ngành Bất động sản dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 78%, chủ yếu do lợi nhuận đột biến từ VHM. Nếu không tính VHM, lợi nhuận toàn ngành chỉ tăng trưởng 15,6%. Tổng lợi nhuận công bố của 54 doanh nghiệp trong ngành đạt khoảng 36.000 tỷ đồng, tương ứng 83% kế hoạch lợi nhuận toàn ngành.

Tính riêng lợi nhuận Quý IV/2018, tổng lợi nhuận của ngành đạt 11.915 tỷ đồng, tăng trưởng 103,7% so với Quý IV/2017. Các mã có lợi nhuận Quý IV cao nhất là VHM (2.347 tỷ đồng), NVL (1.859 tỷ đồng), VIC (1.638 tỷ đồng).

Năm 2018, ngành bất động sản có sự tăng trưởng khá đồng đều giữa các phân khúc khi lợi nhuận mảng bất động sản công nghiệp tăng trưởng 65%, bất động sản dân cư tăng 88%, văn phòng cho thuê tăng 84%. ROE toàn ngành cải thiện từ mức 9,7% lên 11,3% trong khi ROA tăng từ 3,2% lên 4,4%.

Thấy gì từ kết quả kinh doanh năm 2018 của 672 doanh nghiệp niêm yết? - Ảnh 1.

Đối với ngành Ngân hàng, mặc dù có dấu hiệu giảm tốc nhưng vẫn tăng trưởng lợi nhuận bình quân 32% trong năm 2018, cao thứ hai trong các nhóm ngành. Hiện đã có 16/17 ngân hàng niêm yết công bố số liệu với tổng lợi nhuận đạt 65.800 tỷ đồng, đạt 102,1% số kế hoạch.

Trong Quý IV/2018, có nhiều Ngân hàng báo lỗ hoặc tăng trưởng âm như CTG (lỗ 687 tỷ đồng), EIB (lỗ 247 tỷ đồng), BID (giảm 36% cùng kỳ 2017), LPB (giảm 45%). Tổng Lợi nhuận Quý IV/2018 toàn ngành đạt 16.916 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 13% so với Quý IV/2017.

Tính riêng thu nhập lãi thuần Quý IV/2018 của ngành đạt 44.587 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với Quý IV/2017 và giảm 6,2% so với Quý III/2018. Trong kỳ CTG chỉ đạt thu nhập lãi thuần 572,5 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức 7.507 tỷ đồng của Quý III/2018.

Dư nợ cho vay khách hàng của 16 ngân hàng trên đạt 4,16 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% tính từ đầu năm nhưng chỉ tăng 1,7% so với cuối QIII/2018.

Đối với ngành Dầu khí, tổng lợi nhuận chỉ đạt 5.185 tỷ đồng, sụt giảm 43% so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu do 2 mã BSR và OIL với mức sụt giảm lợi nhuận tương ứng 53% và 28%.

Đây là 2 mã IPO trong năm 2018, nếu loại 2 mã BSR và OIL, lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng trưởng 35% với sự đóng góp của PVD (tăng 315%) và PVS (tăng 28%). ROE ngành Dầu khí sụt giảm từ 12,6% năm 2017 về mức 7,5% năm 2018. Tương tự ROA cũng sụt giảm từ 6,6% về mức 4,3%.

Đối với ngành Xây dựng & Vật liệu, tổng lợi nhuận 10.683 tỷ đồng, sụt giảm 26% so với năm 2017 và chỉ đạt 79% kế hoạch năm. Dẫn đầu về mức độ sụt giảm lợi nhuận là CII với mức giảm tương ứng 78% và 94%. Trong năm CII chỉ đạt 86 tỷ đồng lợi nhuận so với mức 1.514 tỷ đồng năm trước.

Theo Hồng Quân

BizLive

Trở lên trên