Thị trường ổn định, giá thép bật tăng lần thứ 2 trong vòng một tuần
Chiều 6/9, nhiều doanh nghiệp thông báo tăng giá thép xây dựng, cao nhất đến 450.000 đồng/tấn.
- 07-09-2022Xăng dầu “hạ nhiệt”, xe khách, taxi giảm giá cước
- 07-09-2022Ủng hộ hợp tác với Thái Lan nâng giá gạo
- 07-09-2022Phi lê cá basa, thanh long Việt Nam chinh phục thị trường Pakistan
Ngày 6/9, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt nâng 20.000 – 450.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, lên khoảng 14,7 – 15,6 triệu đồng/tấn tùy từng loại thép, vùng miền. Như vậy, giá thép xây dựng đã có hai đợt tăng liên tiếp sau 15 lần giảm sâu.
Ở mặt bằng chung, thương hiệu Hòa Phát điều chỉnh tăng 20.000-340.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 ở cả ba miền.
Cụ thể, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 ở miền Bắc lần lượt tăng 190.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn, lên 14,82 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Nam, sau khi tăng 20.000 đồng/tấn và 340.000 đồng/tấn, giá hai loại thép này đang ở mức 14,82 triệu đồng/tấn và gần 15,43 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 tăng 150.000 đồng/tấn, lên 14,82 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 chỉ 250.000 đồng/tấn lên 15,53 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, sản phẩm CB240 và D10 CB300 lần lượt tăng 150.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn lên 14,72 triệu đồng/tấn và 15,22 triệu đồng/tấn.
Còn thép Việt Đức, hai loại thép trên tăng 80.000 đồng/tấn và 280.000 đồng/tấn lên 14,72 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.
Trong lần điều chỉnh này, thép Pomina có mức tăng mạnh nhất. Theo đó, thép Pomina miền trung được điều chỉnh tăng 250.000 đồng/tấn với thép CB240 và tăng 450.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, lên 15,33 triệu đồng/tấn và 16,24 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, sau khi điều chỉnh tăng lần lượt 340.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn, giá 2 loại thép là 15,22 triệu đồng/tấn và 16,04 triệu đồng/tấn.
Còn lại, một số thương hiệu khác như thép miền Nam, thép Thái Nguyên, thép Việt Nhật, thép Kyoei vẫn giữ nguyên mức giá như kỳ điều chỉnh ngày 31/8.
Thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích trong quý IV bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Tuy nhiên, các dự án xây dựng sẽ được đẩy mạnh khi giá thép duy trì ở mặt bằng giá ổn định. Vì vậy, sự tăng trưởng sẽ được phản ánh sau vào thời điểm giá thép ổn định.
Cùng với đó, nguồn cung bất động sản trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong 2023 sau quá trình siết chặt nguồn vốn vào thị trường bất động sản năm 2022. VCBS kỳ vọng chính sách sẽ dần nới lỏng cho các chủ đầu tư vào năm 2023 giúp nguồn cung được hồi phục rõ rệt.
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN 5 sẽ củng cố sự phục hồi của nhu cầu thép xây dựng của khu vực này, với mức tăng 4,8% trong năm 2022 và 6,1% trong năm 2023, cao hơn các mức tăng tương ứng của nhu cầu thép thế giới là 0,4% năm 2022 và 2,2% năm 2023.
Về thị trường Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai ngày 6/9 là 3.842 nhân dân tệ/tấn (552 USD/tấn), nhích lên 0,1% so với ngày trước đó nhưng vẫn sát mức thấp nhất kể từ ngày 15/7.
Về giá giao ngay, giá thép không gỉ là 14.805 nhân dân tệ/tấn (2.128 USD/tấn), tăng 1% so với ngày trước đó, tương đương với mức cuối tháng 8.
Diễn biến giá thép thanh vằn Trung Quốc (Nguồn: Trading Economics)
Giá thép cuộn cán nóng là 3.892 nhân dân tệ/tấn (559 USD/tấn), tăng 0,2% so với ngày trước đó nhưng vẫn tiệm cận mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Cuộn cán nguội là 4.360 nhân dân tệ/tấn (626 USD/tấn). Giá loại thép này biến động nhẹ kể từ ngày 20/8.
Giá quặng 62% Fe xuất xứ Australia cũng tăng 2% lên 758 nhân dân tệ/tấn (108 USD/tấn), tương đương giá ngày 1/9.
Theo CNBC, các công ty khai thác toàn cầu tự tin sự kích thích của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu thép và quặng sắt. Cụ thể, những nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất của Trung Quốc lạc quan về kế hoạch của Bắc Kinh đưa ra các chính sách và biện pháp kích thích để thúc đẩy ngành thép khi đất nước này phải đối mặt với những khó khăn kinh tế và ngành bất động sản đang gặp khó khăn.
Chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chính sách kích thích bao gồm thêm 300 tỷ Nhân dân tệ (44 tỷ USD) hạn ngạch cho chi tiêu và đầu tư cơ sở hạ tầng của các ngân hàng - cao hơn mức 300 tỷ Nhân dân tệ đã được công bố vào cuối tháng 6.
Trong khi có những bất ổn xung quanh sức mạnh của nhu cầu và sản xuất thép ở Trung Quốc, các công ty khai thác như Tập đoàn Fortescue Metals của Australia cho biết, đến nay không có dấu hiệu nhu cầu giảm do tồn kho quặng sắt ở các cảng Trung Quốc ở mức thấp.
Theo Nhịp sống kinh tế