Thời vận của bất động sản vừa túi tiền
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều chuyên gia địa ốc nhận định phân khúc bất động sản vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu ở thực sẽ lên ngôi.
- 27-04-2020Gói 2.000 tỷ đồng cho người nghèo mua nhà xã hội hiện nay thế nào?
- 27-04-2020Dự án 'đổ bộ' ngoại tỉnh, vùng ven trung tâm
Sau quý 1 đầy ảm đạm, thị trường bất động sản đang dần có những tín hiệu lạc quan hơn khi nhu cầu tìm kiếm BĐS gần đây có dấu hiệu quan tâm trở lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia địa ốc thị trường cũng không thể lấy lại được "phong độ" như trước đây ngay được, mà cần phải có thời gian.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, thị trường BĐS lúc này đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 này chỉ mang tính ngắn hạn, thị trường sẽ dần trở lại khi dịch bệnh đi qua. Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) thì thị trường BĐS đang ở thế "khó chồng khó", tức là từ năm 2019 BĐS đã phải đương đầu với việc khó khăn về nguồn cung mới do rà soát pháp lý các dự án thì nay thêm tình cảnh gần như "đóng băng" thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng lần này của BĐS không giống như trước đây. Sức cầu của thị trường vẫn khá dồi dào, nhất là nhu cầu ở thực của người dân đô thị, chỉ vì ảnh hưởng của dịch và tính pháp lý dự án nên sức cầu này tạm thời đang bị nén, nhiều khả năng sẽ bật lên khi nền kinh tế vào giai đoạn tăng trưởng cao trong những năm tới.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng thời 2012, thị trường BĐS khi đó cũng đóng băng, nhiều nhà đầu tư phải bán tháo tài sản do trước đó thị trường BĐS tăng rất "nóng", có những nơi giá BĐS tăng gấp 2,3 lần chỉ trong một hai năm do dòng tiền đầu tư (vay từ ngân hàng) đổ mạnh vào BĐS. Sau đó, bong bóng BĐS xì hơi, giá BĐS lao dốc, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản nhưng cũng lại là cơ hội để các DN lớn đánh giá lại chiến lược phát triển, cũng như tái cơ cấu bộ máy hoạt động. Khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác, nhiều ông lớn địa ốc cũng đã phất lên sau này chính nhờ vào chiến lược thâu tóm quỹ đất thời khủng hoảng.
Thị trường BĐS sau đó rất ảm đạm, Chính phủ đã phải dùng đến gói kích cầu 30.000 tỷ đồng hỗ trợ vào phân khúc BĐS vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Gói kích cầu này sau đó như dòng "vốn mồi" cho thị trường phục hồi trở lại kể từ 2014.
Đánh giá về thị trường BĐS hiện nay, nhiều chuyên gia tin tưởng thị trường sẽ dần phục hồi trở lại khi dịch bệnh kết thúc. Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới tin tưởng dịch bệnh sẽ được kiểm soát ngay trong quý 2 này. Khi đó, phân khúc BĐS bình dân và trung bình sẽ diễn ra sôi động đầu tiên. Trong đó phân khúc căn hộ bình dân và trung bình tại Hà Nội và Tp.HCM chắc chắn sẽ tiêu thụ rất tốt bởi nhu cầu lớn trong khi hàng tồn kho lại không nhiều đặc biệt là nhà xã hội đang có nguồn cung khan hiếm.
Bên cạnh đó là đất nền dự án, là một sản phẩm chủ đạo tại các địa phương ngoài Hà Nội và Tp.HCM. Đây là loại BĐS luôn được giới đầu tư quan tâm bởi giá thấp hơn nhiều so với nhà phố. Tuy nhiên, theo ông Đính không phải địa phương nào cũng sẽ có giao dịch tốt sau dịch, chỉ những địa phương có đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ hiện đại thì mới thúc đẩy được tăng trưởng giao dịch và ngược lại.
Với bất động sản nghỉ dưỡng rất có thể sẽ "nghỉ đông"đến quý 3 hoặc quý 4 rồi hoạt động bình thường trở lại, bởi phân khúc này vẫn rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư do du lịch sẽ ngày càng phát triển, và được dự báo sẽ là ngành hồi phục đầu tiên và nhanh nhất sau dịch bệnh.
Cũng theo ông Đính, các dự án BĐS sẽ tái khởi động trở lại vào quý 3 và quý 4 năm nay. Trong đó, căn hộ bình dân sẽ phát triển sôi động nhờ nhu cầu thực.
Còn ông Lê Hoàng Châu thì cho rằng, những tác động của dịch Covid-19 chỉ mang tính ngắn hạn, BĐS sẽ vẫn là kênh đầu tư nhiều tiềm năng khi dịch bệnh đi qua. Điều này đã được chứng minh qua các cuộc khủng hoảng trước đó. Chính vì vậy, hiện vẫn có làn sóng âm thầm mua nhà đất giữ tiền.
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19