Toàn cảnh phiên tòa 20/7: Phạm Công Danh “phá nát” Ngân hàng Xây dựng
Chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi điều hành, quản trị Ngân hàng Xây dựng, Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng cho ngân hàng, hoạt động ngày càng thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu hơn 18.000 tỷ.
- 20-07-2016Phiên tòa chiều 20/7: Làm thế nào mà Phạm Công Danh lại rút được gần 5.500 tỷ không có chữ ký chủ tài khoản?
- 20-07-2016Phiên tòa sáng 20/7: Chóng mặt với các chiêu thức rút tiền ngân hàng của Phạm Công Danh
- 19-07-2016[Phiên sáng 19/7] Xét xử Đại án ở NH Xây Dựng: Nhiều đại diện cho các doanh nhân nổi tiếng, ngân hàng có mặt tại tòa
Ngày 20/7, Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh xét xử ngày thứ hai đại án Phạm Công Danh và 35 bị cáo làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Trong cả ngày, HĐXX công bố cáo trạng của vụ án, trong đó đề cập thực trạng của Ngân hàng Xây dựng trước thời điểm khởi tố, bắt giam các bị cáo cùng các “chiêu trò” xoay chuyển dòng tiền, rút tiền ra khỏi ngân hàng ở các phi vụ gồm làm giả hồ sơ nâng cấp hệ thống corebanking, làm giả hồ sơ thuê trụ sở, ủy thác trái phiếu và cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng để vay, trả, trả vay rồi rút tiền không có chữ ký chủ tài khoản.
Cụ thể, theo cáo trạng, TrustBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến, đầu năm 2012 có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng do nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sở hữu 84,92% cổ phần. Từ 9/2/2012 đến 10/7/2012, Ngân hàng Nhà nước quyết định thanh tra TrustBank, kết luận thực trạng tài chính của Trustbank là rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu âm 2.854,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là gần 6.062 tỷ đồng.
Từ ngày 6/6/2012, Nhóm Phú Mỹ chuyển nhượng 84,92% cổ phần của TrustBank và các tài sản có liên quan cho Thiên Thanh. Kể từ khi nhóm của Phạm Công Danh quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không khả quan mà theo chiều hướng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.
Bà Hứa Thị Phấn dự tòa ngày 19/7 trong vai trò là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Khi nắm ngân hàng, do cần tiền để chi tiêu và thu hút khách hàng đến gửi tiền, Phạm Công Danh cùng các đồng phạm nguyên là lãnh đạo ngân hàng này đã bàn nhau tìm cách rút tiền ngân hàng để chi trả lãi suất ngoài cho các khoản tiền gửi.
Đầu tiên, Phạm Công Danh cùng đồng phạm thực hiện làm giả hồ sơ đề án nâng cấp hệ thống corebanking thông qua công ty An Phát do nhân viên của VNCB làm giám đốc (Phạm Việt Thép) để rút ra hơn 63 tỷ đồng của VNCB. Trong số này, có gần 48 tỷ đồng được Danh khai nhận dùng cho việc chi trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích (nhóm Dr.Thanh).
Tiếp đó, các cựu lãnh đạo VNCB chỉ đạo làm giả hồ sơ hợp đồng thuê 2 trụ sở của VNCB là 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (cùng ở TP.HCM) để rút ra 581,6 tỷ đồng. Khoản tiền này được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng ở Tập đoàn Thiên Thanh, do tiền hòa vào dòng tiền chung nên quá trình điều tra không chứng minh được việc sử dụng cụ thể.
Tiếp theo, Phạm Công Danh, với sự giúp sức của Trang Phố Núi (hiện đã xuất cảnh ra nước ngoài) đặt vấn đề với nhóm Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích (gọi chung nhóm Dr. Thanh hoặc nhóm Trần Ngọc Bích) gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất được chi trả thêm từ 2 - 4%. Khi cần tiền, thông qua Trang Phố Núi, Danh lại chỉ đạo đàm phán với nhóm Trần Ngọc Bích cầm cố sổ tiết kiệm để thực hiện các khoản vay rồi cho Danh vay lại.
Với cách thức nêu trên, từ 28/12/2012 đến 30/7/2013 tức trong vòng 7 tháng, đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của Nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền 17.761,5 tỷ đồng, trong đó 16.260,5 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản Phạm Công Danh. Số tiền này theo Danh là để trả nợ, đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân.
Các khoản tiền vay đi vay lại trên đã được tất toán xong, nhưng đến cuối tháng 8/2013, Phạm Công Danh lại chỉ đạo cấp dưới lập các chứng từ giả rút ra 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản; rút thêm 300 tỷ đồng bằng hình thức vay cầm cố sổ tiết kiệm đứng tên 3 cá nhân của nhóm Trần Ngọc Bích vay nhưng không có hồ sơ, chứng từ vay.
Các bị cáo ra về phiên 20/7
Phạm Công Danh còn chỉ đạo phát hành trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh (dù không được phép vì kinh doanh thua lỗ) rồi bán cho 3 công ty thông qua Quỹ Lộc Việt. Danh sau đó ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng để đầu tư vào trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh bằng nguồn tiền của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng (3 tỷ đồng chi phí thực hiện ủy thác).
Cáo trạng công bố tại tòa ngày 20/7 còn cho thấy Phạm Công Danh chỉ đạo dùng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân khác là công ty Nhà Quốc Cường (Công ty của bà Nguyễn Thị Như Loan và ông Nguyễn Quốc Cường thuộc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai) và công ty Nhà Hưng Thịnh để lập các hồ sơ khống, nâng khống giá trị các lô đất tại khu vực Sân vận động Chi Lăng và 209 Trường Chinh, TP. Đà Nẵng, để vay tiền 5.000 tỷ của VNCB. Đáng nói, các lô đất nói trên đã được dùng để thế chấp cho khoản vay 4.700 tỷ của BIDV cùng thời điểm.
Một điểm đáng chú ý của phiên tòa 20/7 là bị cáo Phạm Công Danh chỉ bị còng tay lúc đến tòa đầu buổi sáng, còn lại khi ra về không bị còng tay.
Ngày mai 21/7 phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng vụ án.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Đại án Phạm Công Danh
Xem tất cả >>- Ngân hàng Xây dựng phải trả gần 70.000 m2 đất cho Bất động sản Phú Mỹ
- Đại án Phạm Công Danh: Lo ngại về các rủi ro không thể dự đoán
- Ngày 27/12, xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm
- Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
- Làm rõ trách nhiệm liên quan Hà Văn Thắm trong đại án Ngân hàng Xây dựng