MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trèo cao, ngã đau: "Siêu tham vọng" của Trung Quốc dễ đổ bể vì loạt đòn áp lực quá lợi hại của ông Trump

11-08-2019 - 15:14 PM | Tài chính quốc tế

Giải quyết thương chiến là một trong những việc then chốt để Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu dài hạn đầy tham vọng của nước này.

Kế hoạch tham vọng

Trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, kế hoạch biến Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới vào năm 2050 của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã là một kế hoạch cực kì tham vọng. Tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là một tầm nhìn khó hiện thực hóa.

Giữa lúc tổng thống Mỹ Donald Trump dùng áp lực khổng lồ để "tấn công" Trung Quốc, nền kinh tế 14 nghìn tỉ USD của quốc gia này vốn đã phải gánh chịu vô số những thách thức - bao gồm mức nợ kỉ lục, ô nhiễm môi trường và dân số già hóa. Có khả năng cao Trung Quốc sẽ mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình" trước khi có thể vươn tới tầm giàu có.

Các nhà kinh tế học cho rằng chính phủ của ông Tập có thể tránh vận mệnh đó bằng cách tăng cường tiêu thụ trong nước, giải phóng thị trường và tăng cường sức mạnh công nghệ của quốc gia. Nhưng đó không phải chuyện dễ dàng.

Theo Michael Spence - người đoạt giải Nobel và là giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, từ năm 1960 tới nay, chỉ có 5 quốc gia đang phát triển thành công trong việc phát triển thành một quốc gia tiên tiến trong khi vẫn duy trì được tăng trưởng cao.

"Trung Quốc đang cố gắng thực hiện mục tiêu của mình trong khi vẫn đang chịu áp lực từ Mỹ, điều đó khiến thách thức đối với Bắc Kinh còn phức tạp hơn nữa," ông Andrew Polk, đồng sáng lập cơ quan nghiên cứu Trivium ở Bắc Kinh, cho biết.

"Nhưng rõ ràng Mỹ đã đốt một ngọn lửa động lực cho Trung Quốc. Nếu sau này Trung Quốc thực sự thành công, chúng ta có thể học hỏi từ ngay khoảnh khắc hiện tại bởi động lực thực sự có thể thúc đẩy một quốc gia đạt được những thành tựu to lớn."

 Trèo cao, ngã đau: Siêu tham vọng của Trung Quốc dễ đổ bể vì loạt đòn áp lực quá lợi hại của ông Trump - Ảnh 1.

Ông Trump gặp ông Tập tại thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) nhấn mạnh rằng nếu ông Tập không sớm đạt được thỏa thuận thương mại lâu dài với Mỹ, thì nền kinh tế của Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

"Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với công nghệ và các thị trường nước ngoài sẽ bị sụt giảm đáng kể," đại diện IMF nói.

Tuy nhiên, có rất ít khả năng Mỹ-Trung sẽ đạt được thỏa thuận trong tương lai gần. Sau khi ông Trump đe dọa áp đặt thuế quan mới đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã ngay lập tức phản ứng bằng cách ngừng mua nông sản Mỹ và làm đồng Nhân dân tệ (NDT) yếu xuống mức kỉ lục trong 11 năm trở lại đây.

Chính quyền ông Trump ngay lập tức trả đũa, chính thức gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Nhà Trắng cũng hoãn lại lệnh miễn trừ cho một số công ty Mỹ có mong muốn làm ăn với Huawei.

Trung Quốc khó nhượng bộ

Ông Jeff Moon, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ cho các vấn đề Trung Quốc, nói Trung Quốc sẽ khó có khả năng đưa ra nhượng bộ cho tới trước tháng 10.

Theo ông Moon lí giải, ông Tập hiện đang phải đối diện với áp lực trong nước giữa bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Hong Kong chưa có dấu hiệu chấm dứt và Trung Quốc đang chuẩn bị kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10 tới.

"Bất kì biểu hiện yếu đuối nào cũng là không chấp nhận được đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc," ông Moon nói.

Một số kênh truyền thông nhà nước tại Trung Quốc cũng đưa ra một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang cân nhắc tới chuyện cắt đứt hoàn toàn thương mại với Mỹ. Chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi tinh thần yêu nước của người dân trong thời gian gần đây và khẳng định sự tự tin rằng hệ thống kinh tế Trung Quốc có thể đương đầu với mọi thử thách từ nước ngoài.

 Trèo cao, ngã đau: Siêu tham vọng của Trung Quốc dễ đổ bể vì loạt đòn áp lực quá lợi hại của ông Trump - Ảnh 2.

Các cuộc đối thoại thương chiến vẫn chưa có kết quả khả quan. Ảnh: Reuters

"Các công ty Trung Quốc đang tăng tốc độ thích ứng và tạo ra các thị trường xuất khẩu mới," tờ Hoàn Cầu viết sau khi các số liệu cho thấy lượng xuất khẩu nước ngoài vượt mức kì vọng vào tháng 7 vừa qua.

Trong khoảng thời gian ngắn, chính phủ Trung Quốc đã tập hợp đủ nguồn lực để ngăn cản tăng trưởng kinh tế tụt xuống dưới mức 6%. Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỉ USD để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ngay tại quốc gia, đối đầu trực diện với phương Tây trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo và phương tiện chạy bằng điện.

Những thách thức lớn

Trong bài phát biểu hồi tháng 10/2017, ông Tập đã khẳng định tầm nhìn dài hạn với kinh tế Trung Quốc, quyết tâm đưa quốc gia này trở thành một trong những nước phát triển nhất trong năm 2035 trước khi trở thành một siêu cường quốc vào năm 2050.

Tuy nhiên thương chiến đã đặt ra những cản trở lớn cho mục tiêu của ông Tập. Ví dụ điển hình nhất là việc Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen, gián tiếp đe dọa sự phát triển của ông nghệ Trung Quốc bởi những chip điện tử do nước này sản xuất vẫn chưa đủ mạnh để thay thế sản phẩm của Mỹ.

Ông Bert Hofman, giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nói: "Trung Quốc sẽ khó tiếp cận được những công nghệ tân tiến nhất và sẽ khó bắt kịp được xu hướng mới. Tuy nhiên, đây cũng là động lực lớn để Trung Quốc tự phát triển hệ sinh thái công nghệ của nước này. Quyết định của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới kết quả phát triển trong tương lai."

Nợ và nhân khẩu học là hai thách thức lớn khác. Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế, gánh nặng nợ của Trung Quốc đã tiếp tục gia tăng bất chấp nỗ lực của chính phủ, tăng lên khoảng 303% GDP trong quý đầu tiên, một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia đang phát triển.

Dân số trong độ tuổi lao động của nước này được dự báo sẽ giảm hơn 20% xuống còn 718 triệu vào năm 2050, theo dữ liệu do Liên Hợp Quốc tổng hợp.

Mặc dù GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000 lên tới 10.000 USD trong năm nay, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 65.000 USD/người ở Mỹ và Singapore.

Hiện tại nền kinh tế của Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng nhanh hơn "kì phùng địch thủ" Mỹ, nhưng lợi thế của Trung Quốc cũng đang giảm dần.

Tăng trưởng giảm xuống chỉ còn 6,2% trong quý 2 - mức thấp nhất trong 27 năm trở lại đây. Theo dự báo, nếu ông Trump thực sự áp cấm vận vào tháng 9 tới, thì tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm thêm 0,3% nữa.

Ông Tập đã cố gắng đa dạng hóa các đối tác nước ngoài thông qua Sáng kiến Vành đai - Con đường và các hiệp định thương mại khác, nhưng Mỹ vẫn chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Trung Quốc.

"Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chắc chắn làm cho quá trình chuyển đổi trở nên khó khăn hơn", một nhà kinh tế học nói. "Trung Quốc sẽ mất một phần thị phần xuất khẩu và sự chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ chậm lại. Nhưng những căng thẳng hiện tại cũng tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách chú trọng hơn vào cải cách."

Theo Tất Đạt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên