Trong khi Coteccons, Hòa Bình tăng trưởng phi mã thì hàng loạt ông lớn xây dựng quốc doanh vẫn “dậm chân tại chỗ”, thậm chí lỗ lớn
Chỉ riêng lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xây dựng của Coteccons đã chiếm gần một nửa thị trường, trong khi các doanh nghiệp quốc doanh với vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng nếu không thua lỗ, cũng chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng.
- 21-02-2017Cán bộ nhân viên Coteccons giàu lên trông thấy nhờ triết lý “tôi được 10 đồng thì anh em cũng được 7 đồng” của Chủ tịch
- 10-02-2017Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): "Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi"
Trong bối cảnh thị trường chung và những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có sự tăng trưởng trở lại, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất đi theo con sóng này.
Năm 2016, cùng với sự khởi sắc của thị trường chung, tổng doanh thu của nhóm 11 doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đạt 75.886 tỷ đồng (tương đương 3,3 tỷ USD) và ghi nhận mức tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận thu về ở mức 3.410 tỷ đồng, tăng khoảng 51%. Nếu loại trừ khoản lỗ đột biến của Tổng công ty Licogi, tổng mức lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này tăng hơn gấp đôi cùng kỳ.
Doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân như Coteccons, Ricons và Hòa Bình tăng trưởng đột biến trái ngược với các doanh nghiệp nhà nước
Mặc dù khởi sắc nhưng không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng ghi nhận sự đột biến.
Nhóm Coteccons và Ricons (công ty do Coteccons sở hữu 19,2%) giữ vị thế đứng đầu với 25.573 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.004 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2016, tăng trưởng lần lượt 54% và 94% so với cùng kỳ 2015. Doanh thu của 2 doanh nghiệp này cũng xấp xỉ 1/3 tổng doanh thu của 11 doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng.
Xếp sau nhóm Coteccons, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Hòa Bình Contruction (HBC), PVX và Vinaconex ở phân khúc tầm trung với doanh thu trên dưới 10.000 tỷ đồng. Trong khi nhóm doanh nghiệp đứng cuối bảng là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng Công ty 36, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng và Tổng công ty Sông Hồng với doanh thu từ 1.000 đến 2.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh doanh, bảng xếp hạng những doanh nghiệp top dưới lại có sự biến động đáng kể. Lilama mặc dù đạt doanh thu hơn 11.600 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ tương đương hơn 1%, đạt 159 tỷ đồng, trong khi Licogi hay Sông Hồng đều lỗ năng.
Năm 2016, Licogi báo lỗ 414 tỷ đồng, tương đương gần 1 nửa quy mô vốn điều lệ. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay và trích lập dự phòng với các khoản phải thu tăng mạnh. Theo BCTC kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp của Licogi trong năm 2016 ghi nhận hơn 525 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 209 tỷ đồng của năm 2015, trong khi chi phí lãi vay tăng gấp 3 cùng kỳ.
Khoản lỗ này cũng khiến quy mô vốn chủ sở hữu của Licogi giảm gần một nửa so với đầu năm, chỉ còn hơn 546 tỷ đồng. Quy mô nợ phải trả tính đến cuối năm 2016 đã gấp khoảng 7 lần vốn chủ sở hữu.
Tuy vậy, kết quả này cũng không phải không có căn cứ. Những doanh nghiệp như Coteccons hay Hòa Bình là thương hiệu đã xây dựng được danh tiếng trên thị trường xây dựng, có những đối tác thường xuyên là những tập đoàn bất động sản lớn như Vingroup, Sungroup, Hoàn Cầu… Chỉ tính riêng 4 dự án của Vingroup mà Coteccons đã ký năm 2016 là Vinhomes Metropolis, Vinhomes Golden River, Vinhomes Gardenia và Vinhomes Thăng Long, đã đem về cho công ty gần 5.500 tỷ đồng doanh thu.
Trong khi những doanh nghiệp Nhà nước còn lại, mặc dù quy mô vốn điều lệ gấp nhiều lần nhưng thực tế lại chủ yếu hoạt động trong một số phân khúc nhất định. Lợi thế cạnh tranh so với những doanh nghiệp tư nhân thấp hơn đáng kể.
Lilama và Licogi là 2 tổng công ty xây dựng gắn liền với các công trình thủy điện, nhiệt điện lớn trên cả nước. 4 công trình tiêu biểu của Licogi trong giai đoạn 2013 – 2015 với tổng giá trị hợp đồng hơn 7.000 tỷ đồng gắn liền với những cái tên như Thủy điện Bản Chát, Thủy điện Đăkđrinh, Thủy điện Lai Châu hay Thủy điện Sơn La. Trong khi Lilama từ giai đoạn 1996 đến nay là tổng thầu EPC của hàng loạt nhiệt điện lớn như Phả Lại 1, Phú Mỹ 1, Nhiệt điện Cà Mau, Nhiệt điện Nhơn Trạch.
Bản thân Lilama cũng được biết đến trong lĩnh vực cơ khí chế tạo khi tạo ra 75% các thiết bị cho dự án nhiệt điện, thủy điện, xi măng, đóng tàu hay dầu khí cho các công trình do tổng công ty này là tổng thầu.
Còn Tổng công ty 36, Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng hay Hancorp mặc dù vẫn có mặt trong một số dự án tư nhân lớn, nhưng hầu như những tổng công ty này vẫn là những đối tác chính của những công trình có vốn đầu tư từ ngân sách, những dự án bất động sản từ những đối tác có mối quan hệ liên quan.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- EVN gánh nợ do áp lực đầu tư lớn?
- Nợ phải trả lên đến 487.000 tỷ nhưng EVN vẫn còn nhiều khoản nợ ‘tiềm tàng’ chưa xác định
- Bất động sản phục hồi, VICEM báo lãi năm 2016 tăng 25% lên gần 3.500 tỷ đồng
- Lần đầu công khai số liệu hợp nhất, Tổng Công ty Đường sắt cho thấy hiệu quả kinh doanh kém hơn hẳn các doanh nghiệp vận tải khác
- “Ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều tổng công ty đều đặn lĩnh hàng nghìn tỷ cổ tức mà không phải lo kinh doanh