MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khi thép liên tục giảm, giá xi măng tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2022 - thị trường trong nước đang chịu áp lực mạnh từ nhiều yếu tố

04-07-2022 - 15:00 PM | Thị trường

Trong khi thép liên tục giảm, giá xi măng tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2022 - thị trường trong nước đang chịu áp lực mạnh từ nhiều yếu tố

Trong tháng 5, giá trị xuất khẩu xi măng của Việt Nam giảm mạnh. Bên cạnh đó, ngành xi măng còn phải đối diện với chi phí đầu vào như giá nguyên liệu sản xuất gồm than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng.

Giá xi măng tăng 3 lần

Từ giữa tháng 6, hàng loạt doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá bán. Vicem Hải Vân điều chỉnh thêm 50.000 đồng/tấn với các loại xi măng bao và rời, xi măng Wallcem từ 22/6. Cùng với Tân Quang - VVMI và Vicem Hoàng Thạch, các doanh nghiệp này nằm trong nhóm có mức điều chỉnh giá thấp nhất đợt này.

Các đơn vị như Norcem, Cẩm Phả, Hạ Long, Quang Sơn... đều đặt bước giá 70.000-100.000 đồng một tấn cho đợt điều chỉnh lần này. Riêng Công Thanh miền Trung tăng giá 140.000 đồng/tấn với bao KPK 50KG PCB40 dân dụng và bao KPK 50KG PCB30.

Trong khi thép liên tục giảm, giá xi măng tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2022 - thị trường trong nước đang chịu áp lực mạnh từ nhiều yếu tố - Ảnh 1.

Đây là lần thứ 3 trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán. So với hai đợt trước, điều chỉnh gần đây nhiều hơn hẳn về số lượng doanh nghiệp với 15 doanh nghiệp. Hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp xi măng chọn tăng giá. Nửa cuối tháng 5, thị trường ghi nhận khoảng 10 đơn vị tham gia điều chỉnh.

Tuy nhiên, biên độ tăng lần này thấp hơn so với đợt tháng 3. Thời điểm đó, các doanh nghiệp chủ yếu tăng giá xi măng khoảng 100.000 đồng/tấn, có đơn vị nâng giá đến 150.000 đồng/tấn. Còn so với mức tăng thêm 60.000-80.000 đồng/tấn hồi tháng 5, đợt điều chỉnh này có bước giá cao hơn.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm nay, giá xi măng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với quý 4 năm 2021.

Tương tự, trong tháng 5, các loại vật liệu xây dựng khác như cát vàng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/m3; gạch nung tăng khoảng 500 đồng/viên; các loại đá xây dựng như đá đen, đá xanh, sỏi xây dựng tăng khoảng 10.000 đồng/m3. Giá các mặt hàng trang trí nội thất tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu tháng 4.

Bộ Xây dựng nhận định, dù đang chịu áp lực dư cung nhưng ngành xi măng phải đối diện với chi phí đầu vào như giá nguyên liệu sản xuất đầu vào như than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng.

Thị trường nội địa chịu áp lực mạnh

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong tháng 5, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều sụt giảm mạnh, tiêu biểu là Bangladesh, Đài Loan, Malaysia đã giảm mạnh cả về lượng và giá trị... Đặc biệt, sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines trong tháng 5 giảm mạnh lần lượt là 83% và 45% so với tháng trước.

Trong khi thép liên tục giảm, giá xi măng tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2022 - thị trường trong nước đang chịu áp lực mạnh từ nhiều yếu tố - Ảnh 2.

Sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Trung Quốc và Philippines trong tháng 5 giảm mạnh (Nguồn: Hiệp hội xi măng Việt Nam)

Dự báo xuất khẩu xi măng chịu áp lực lớn khi nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh. Được biết, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong 2021.

Với việc thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng, suy giảm nhu cầu xi măng khiến các doanh nghiệp xi măng chuyên xuất khẩu như Vissai Ninh Bình, Hoàng Mai, Thành Thắng… sẽ tập trung dồn lực vào thị trường trong nước và tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp phụ thuộc chính vào thị trường nội địa.

Trong khi đó, Philippines vẫn đang tiếp tục phiên xử chống bán phá giá mặt hàng xi măng nhập từ Việt Nam. Bên cạnh đó, nhập khẩu vào thị trường này cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao.

Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng lượng xuất khẩu đạt gần 16 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021. Về giá trị xuất khẩu, trong giai đoạn này cung đã có sự sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt hơn 48,8 triệu USD, giảm 57% so với tháng 4.

Tương tự, báo cáo của CTCK Mirae Asset cho biết các doanh nghiệp xi măng tiếp tục chịu áp lực từ thị trường xuất khẩu và suy giảm nhu cầu bất động sản.

Trong khi thép liên tục giảm, giá xi măng tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2022 - thị trường trong nước đang chịu áp lực mạnh từ nhiều yếu tố - Ảnh 3.

(Nguồn: CTCK Mirae Asset)

Mirae Asset dự báo xuất khẩu dự báo gặp khó do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero COVID, cùng với đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm đã khiến sản lượng tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua.

Theo đó, sản lượng xi măng tiêu thụ trong quý I của Trung Quốc đạt 387 triệu tấn, giảm 15%. Trong khi, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong 2021.

Tại Việt Nam, hơn 55% sản lượng xi măng phụ thuộc vào ngành bất động sản, việc thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ gây áp lực mạnh lên sản lượng và lợi nhuận của toàn ngành.

Đối với các doanh nghiệp xi măng, 2022 sẽ là một năm khó khăn khi chi phí nguyên liệu phi mã, giá bán dù đã tăng 3 lần trong những tháng gần đây nhưng vẫn chưa theo kịp mức tăng của chi phí đầu vào.

Theo Hiệp hội Xi măng (VNCA), than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Trong khi đó, có đến gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế. Việc thiếu hụt nguồn cung than và đá vôi khiến các nhà sản xuất phải mua nguyên vật liệu ở mức giá cao từ các nhà nhập khẩu làm giảm biên lợi nhuận.

Trong khi thép liên tục giảm, giá xi măng tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2022 - thị trường trong nước đang chịu áp lực mạnh từ nhiều yếu tố - Ảnh 4.

Giá than cốc tại Úc tăng mạnh trong năm 2022 (Nguồn: CTCK Mirae Asset)

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, khiến các công ty châu Á và châu Âu đổ xô đi tìm nhà cung cấp thay thế. Xung đột Nga – Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung than giữa bối cảnh thị trường vốn đang rất thiếu cung, do sự gián đoạn ở các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Indonesia và Australia, giữa lúc giá dầu và các mặt hàng khác cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua.

Trong khi giá xi măng tăng, giá thép lại tiếp tục được điều chỉnh giảm xuống. Vào 27/6, Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức... thông báo hạ giá thép 300.000 đồng một tấn. Trong nửa đầu năm 2022, giá thép đã hạ 7 lần với tổng mức giảm hơn 2,5 triệu đồng mỗi tấn, tùy theo thương hiệu và chủng loại. Thép và xi măng có mối tương quan khi cả hai đều là đầu vào quan trọng cho ngành xây dựng.

Nếu đà giảm của thép xây dựng được kéo dài, tiến độ của nhiều dự án có khả năng sôi động trở lại, đẩy nhu cầu tiêu thụ xi măng lên cao.

https://cafef.vn/trong-khi-thep-lien-tuc-giam-gia-xi-mang-tang-3-lan-trong-nua-dau-nam-2022-thi-truong-trong-nuoc-dang-chiu-ap-luc-manh-tu-nhieu-yeu-to-20220704105941877.chn

Khánh Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên