TS. Cấn Văn Lực: "Không nên phản ứng thái quá với những cái tên trong Hồ sơ Panama"
Sau vụ việc 189 tổ chức, cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama, cần có những sửa đổi trong chính sách thuế.
- 10-05-2016'Cơ quan chức năng phải vào cuộc vụ hồ sơ Panama'
- 10-05-2016Ông Nguyễn Cảnh Sơn có tên trong hồ sơ Panama là ai?
- 10-05-2016Ông Nguyễn Duy Hưng giải thích việc có tên trong danh sách Panama
- 10-05-2016Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO VietJet Air lên tiếng về việc có tên trong "Hồ sơ Panama"
Đã có 189 tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được công bố liên quan đến Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu theo thông tin từ Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ). Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng thì không nên có phản ứng thái quá với những tên có trong Hồ sơ Panama.
Bởi ông Lực cho rằng, những thông tin về các tổ chức, cá nhân trong Hồ sơ Panama đều có nguồn thu nhập chính đáng, với số lượng tiền gửi không nhiều. Do đó, Việt Nam cần theo dõi thông tin từ các nước, cũng có bối cảnh giống Việt Nam trong việc xử lý, thay vì phản ứng thái quá.
Thêm vào đó, mục tiêu chính của các cá nhân, tổ chức trong Hồ sơ Panama là gửi tiền để lách thuế chứ không phải là rửa tiền. Do đó, việc có nên điều tra ra rõ “ngọn ngành” hay không cần phải được cân nhắc, có cần thiết hay không. Bởi thực tế có nhiều trường hợp theo ông Lực, bỏ ra nhiều chi phí để cơ quan điều tra thực hiện, nhưng không ra được kết quả rõ ràng.
Đối với hiện tượng một số định chế tài chính “núp bóng” cá nhân để chuyển, gửi tiền ra nước ngoài nhằm lách thuế, ông Lực cũng cho rằng cần nhìn nhận việc này bình tĩnh, nghe ngóng các nước có bối cảnh giống Việt Nam xem cách xử lý vấn đề.
“Không nên phản ứng thái quá, tạo ra tâm lý hoang mang, đặc biệt khi chúng ta đang hướng tới đối tượng doanh nghiệp tư nhân, cũng như đối tượng giàu có. Tất nhiên về lâu dài cũng cần xem xét để quản lý thuế tốt hơn” – ông Lực khuyến nghị.
Mặc dầu vậy, theo chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực, từ vụ 189 tổ chức cá nhân của Việt Nam nằm trong Hồ sơ Panama, tất cả các nước trong đó có Việt Nam đều phải xem xét lại chính sách thuế.
Dẫn chứng với nước Hoa Kỳ, ông Lực cho biết từ năm 2003 trở về đây nước này đã đưa ra đạo luật FATCA - đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (The Foreign Account Tax Compliance Act), được Chính phủ Hoa Kỳ thông qua vào năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 30/06/2014.
Theo đó yêu cầu các tổ chức định chế tài chính ở nước ngoài khi có người dân Mỹ mở tài khoản giao dịch thì phải khai báo với Sở thuế của Mỹ, nếu không sẽ phải chịu chính sách phạt nặng hoặc cấm vận định chế tài chính này từ cơ quan thuế.
“Tôi được biết, đã có một số ngân hàng lớn của Việt Nam đang tuân thủ theo Đạo luật FATCA của Mỹ. Nghĩa là, khi bất kỳ doanh nghiệp hay công dân Mỹ mở tài khoản giao dịch tại các ngân hàng này thì phải khai báo với Sở thuế của Mỹ” – ông Lực thông tin.
Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các định chế tài chính với các cơ quan thuế. Theo đó, các khoản thu nhập lớn, bất ngờ cần được khai báo và nêu rõ nguồn gốc. Điều này nhằm hạn chế được hiện tượng lách thuế.
TS. Lực nói: “Đây cũng là cách thức phổ biến mà các nước đã và đang làm, Việt Nam sẽ không nằm trong ngoại lệ. Đã tới lúc chúng ta phải xem xét những khoảng hở của chính sách thuế và nghiên cứu sửa kịp thời”.
Trí Thức Trẻ
- Lần tìm những “cái bóng” trong “Hồ sơ Panama”
- PGS. TS Lê Xuân Trường: 'Doanh nghiệp Việt có tên trong hồ sơ Panama là một tín hiệu đáng mừng!'
- Vụ người Việt có tên trong “Hồ sơ Panama”: Phải xác minh thế nào?
- "Hai người Ireland và bánh kẹp Hà Lan" - chiến thuật kinh điển sử dụng thiên đường thuế của Google, Apple
- Đại biểu Quốc hội: Làm rõ đồng tiền “sạch”, “bẩn” ra sao