TS. Lê Xuân Nghĩa: Biện pháp quan trọng nhất năm 2023 là tăng cung tiền hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng
Theo chuyên gia kinh tế, TS.Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam là nước có tỷ giá ổn định, lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới trong năm 2022. Kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ bắt đầu ổn định và đi lên từ cuối quý 2/2023. Đặc biệt, cùng với sự ổn định của nền kinh tế, thị trường bất động sản và TTCK sẽ ổn định và hồi phục vào cuối năm 2023.
Ông từng nói rằng: "Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đối diện với hiện tượng tỷ giá hối đoái ổn định, lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao". Vậy theo ông, nên giải quyết vấn đề này trong năm 2023 như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Trước hết, kinh tế Việt Nam năm 2022 có 3 điểm sáng. Điểm sáng thứ nhất là tỷ giá hối đoái ổn định, ổn định nhất so với các nước trong khu vực. Cái thứ hai là lạm phát thấp nhất, cũng thuộc loại thấp nhất các nước trong khu vực. Cái thứ ba là tăng trưởng kinh tế cao.
Bên cạnh đó, hiện tượng lạm phát của Việt Nam khá thấp, tỷ giá hối đoái ổn định nhưng lãi suất lại cao cần được giải quyết ngay. Vì vấn đề này sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế năm 2023, đầu tiền sẽ là bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng từ bên ngoài sụt giảm. Cái thứ hai là do cung tiền tệ bị thắt chặt, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể phải chịu ít nhất là phải ba quý tăng trưởng thấp, quý I đến quý III năm 2022.
Để tạo đà tăng trưởng kinh tế thì cần giải quyết vấn đề của năm 2022 là đương nhiên. Vậy với hiện tượng tỷ giá hối đoái ổn định, lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao thì cần làm gì đây?
Nói thẳng thắn, việc nên làm nhất trong năm 2023 là tăng cung tiền hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, bơm tiền thì cần kết hợp với chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát. Tức là, biện pháp cốt lõi bây giờ là vừa bơm tiền, vừa giảm thuế hàng nhập khẩu thì mới giảm được lãi suất và kiểm soát được lạm phát.
Điều này có lợi lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, nhà sản xuất có lợi vì nguyên vật liệu giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh có lợi vì lãi suất giảm. Khi các doanh nghiệp trên thị trường hoạt động tốt, nền kinh tế mới có đà phát triển.
Nói tóm lại, muốn giảm lãi suất thì phải tăng cung tiền, tức phải bơm tiền vào nền kinh tế chứ chả còn cách nào khác. Khi mà tăng cung tiền thì dẫn đến tỷ giá hối đoái tăng, rồi dẫn đến giá hàng nhập khẩu tăng, tỷ giá tăng và lạm phát tăng. Vì vậy phải kết hợp với chính sách thuế nhập khẩu, tức là phải giảm thuế hàng nhập khẩu và giảm thuế xăng dầu.
Từ đó ngăn chặn được việc bơm tiền vào nền kinh tế khiến tăng lạm phát và tăng tỷ giá. Bên cạnh đó, việc bơm tiền kết hợp giảm thuế hàng nhập khẩu giúp lãi suất giảm xuống và doanh nghiệp phục hồi trở lại.
Theo đó, lại tiếp tục bài toán năm 2022 cho năm 2023, tức là khả năng giảm giá xăng dầu bằng thuế còn kéo dài được nữa không và giảm giá được xuống bao nhiêu. Theo tôi, hiện nay thu ngân sách vẫn đang tốt, việc giảm giá xăng dầu bằng chính sách thuế vẫn nên tiếp tục diễn ra.
Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát xung quanh mức 4,5%, theo ông, những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu này trong năm 2023?
Trên thực tế, lạm phát của Việt Nam khá thấp, tỷ giá hối đoái ổn định nhưng lãi suất lại cao. Cụ thể, lạm phát Việt Nam năm 2022 là 3,15%, trong khi đó lãi suất danh nghĩa năm 2022 có thời điểm lên tới hơn 10%. Theo đó, lãi suất thực chính là lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát nằm trong khoảng 6-8%.
Với mức lãi suất này, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi hoạt động trên thị trường. Điều này có tác động đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Trong năm 2022, chính nhờ quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu giúp giảm giá xăng dầu, từ đó kiềm chế được lạm phát. Thực tế, cung tiền tệ năm 2022 nằm trong khoảng 7%, mà bơm tiền ra ngoài thị trường sẽ có độ trễ hơn một năm. Với mức cung tiền tệ thấp như vậy thì lạm phát năm 2023 không nên quá lo lắng.
Điều này chứng tỏ, lạm phát năm 2023 không quyết định bởi chính sách tiền tệ vì cung tiền tệ năm 2022 khá thấp. Theo đó, lạm phát năm 2023 xung quanh mức 4,5% mà Quốc hội đặt ra sẽ phụ thuộc bởi chính sách tài khoá. Cụ thể, chính sách thuế của Bộ Tài chính đối với xăng dầu và các mặt hàng nhập khẩu có tác động lớn đối với lạm phát trong năm 2023.
Theo ông, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp năm 2023 sẽ khởi sắc vào thời điểm nào khi nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng?
Điều có thể thấy rõ nhất là cuối năm 2022 vừa rồi, nhiều lao động trong ngành dệt may, giày da đã bị sa thải. Như ở TP. HCM, công nghiệp nhẹ rất nhiều, hiện tượng lao động trong những ngành như dệt may, giày da bị sa thải trước tết diễn ra trên diện rộng.
Theo tôi, hiện tượng sa thải nhân công những những ngành dệt may, da giày có thể kéo dài đến hết quý 2/2023 và dần hồi phục trở lại từ quý 3/2023.
Còn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có hoạt động tốt trở lại hay không phụ thuộc vào việc NHTW có tăng cung tiền, có giảm lãi suất hay không. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam đang gặp một số vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là đầu ra giảm, tức là đơn đặt hàng giảm hơn do cầu của thế giới giảm. Vấn đề thứ hai là chi phí đầu vào tăng do lãi suất tăng và kéo theo chi phí nhập khẩu tăng. Hơn nữa, chi phí nhân công lại tăng. Theo đó, đầu vào sản xuất kinh doanh tăng, giá đầu ra giảm và đơn hàng lại kém. Điều điều tất yếu dẫn đến sản xuất đình trệ đối với các doanh nghiệp nội địa.
Còn đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chưa chắc, có thể không bị đình trệ vì doanh nghiệp nước ngoài không chịu lãi suất cao bởi vì họ không vay tiền ở Việt Nam. Chi phí nhân công của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không thể nào tăng được vì ký hợp đồng bao nhiêu thì phải làm bấy nhiêu.
Vấn đề cần lưu tâm đó là đơn hàng ở bên ngoài có thể giảm. Chính vì vậy, doanh nghiệp nội địa bị tác động mạnh mẽ nhất là do xu hướng này. Như quý 4/2022, đây là quý tăng trưởng thấp nhất trong các quý 4 của 10 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy là xu hướng đình trệ là khá rõ và nó có thể kéo dài từ quý 1 đến hết quý 3 năm 2023.
Và hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trở lại từ quý 4/2023 với điều kiện phải tăng cung tiền và giảm lãi suất.
Ông chia sẻ rằng, chìa khóa để tạo ra tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 chính là bơm tiền vào nền kinh tế. Vậy theo ông, làm được điều này thì TTCK sẽ phục hồi ra sao?
Trong năm 2023, TTCK đã gặp phải một số vấn đề, điển hình như nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản. Lĩnh vực cho thấy rõ nhất là bất động sản. Nhìn một cách tổng quát thì thị trường bất động sản đang có vấn đề thực sự, mà vấn đề này chủ yếu đến từ thanh khoản.
Thế nhưng có một điểm thuận lợi đó là khủng hoảng của thị trường bất động sản Việt là 1 loại khủng hoảng thiếu, tức là dư cầu mà thiếu cung thì loại khủng hoảng này rất dễ phục hồi. Bây giờ chỉ cần có thanh khoản, chỉ cần chính quyền cung cấp thêm các dự án, có thanh khoản, có tiền để hoàn thiện các dự án là ổn vì cầu có sẵn rồi.
Tức là khả năng để phục hồi thị trường bất động sản của Việt Nam là rất lớn. Và việc phục hồi thị trường bất động sản là một trong những hy vọng của tôi trong năm 2023. Nếu Chính phủ có một số hành động nào đó hỗ trợ thì chỉ mất khoảng một năm thôi là có thể nó phục hồi được.
Theo tôi, thị trường bất động sản có thể sẽ phục hồi nhẹ vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 với điều kiện Chính phủ có biện pháp hỗ trợ thị trường và đặc biệt là hỗ trợ thanh khoản.
Còn về TTCK, hiện tượng lên xuống bất thường liên tục như cuối năm 2022 không đáng lo ngại. Bởi vì, hiện tượng này thường xảy ra trong ngắn hạn mà mình cần nhìn trong dài hạn. Xu hướng TTCK Việt Nam hiện nay đang tạo ra đáy dài hạn.
Như vậy thì những nhà đầu tư dài hạn như các các quỹ đầu tư lớn thì đây là cơ hội đầu tư, tức là các nhà đầu tư lớn sẽ vào lúc này. Còn các cái nhà đầu cơ ngắn hạn thì chưa nên vào lúc này. Hiện tượng đáy dài hạn này có thể kéo dài đến hết quý 1/2024 và thậm chí là hết quý 2/2024.
Một mặt nữa, nhìn vào diễn biến của chính sách tiền tệ, nếu đầu năm cung tiền tăng, thị trường sẽ phục hồi nhanh hơn. Tóm lại, kể cả sản xuất, kể cả bất động sản và kể cả chứng khoán đều lệ thuộc hoàn toàn vào cung tiền.
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050, GDP bình quân đầu người Việt Nam theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu này?
Hiện nay, các nước có GDP bình quân cao đều có các ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao ngoại trừ các quốc gia thành phố như Singapore, Hong Kong. Ví dụ như công nghiệp cơ khí chế tạo, hóa chất, công nghiệp vật liệu mới… là những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao và tạo ra nội lực cho nền kinh tế.
Trên thực tế, Việt Nam đang thiếu những ngành công nghiệp như vậy. Ngành công nghiệp nội địa của Việt Nam mới chỉ có lắp ráp ô tô, giá trị gia tăng chưa cao. Tất nhiên đây cũng là một điểm sáng trong ngành công nghiệp Việt Nam.
Việt Nam không thể cứ mãi đi làm dịch vụ như hiện nay. Nhất định Việt Nam phải có ngành công nghiệp nội địa tạo giá trị gia tăng cao thì GDP bình quân mới cao được! Như vậy, Việt Nam cần tập trung phát triển mạnh công nghiệp lõi ngay từ bây giờ.
Nhìn vào các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, những quốc gia này từng là con hổ mới của châu Á một thời. Nhưng các quốc gia này chưa thể tiến xa hơn vì thiếu đi công nghiệp cốt lõi. Nói tới con hổ châu Á Hàn Quốc, đây là một quốc gia phát triển mạnh nhờ vào định hướng tập trung phát triển công nghiệp ngay từ ban đầu. Hay nói cách khác, Hàn Quốc tập trung phát triển công nghiệp lõi mới có được phát triển như ngày hôm nay.
Hiện nay, nền công nghiệp của Việt Nam được đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, doanh nghiệp nội địa chưa thực sự có tác động lớn tới các ngành công nghiệp cốt lõi.
Thực tế, FDI tạo ra tới 70% xuất khẩu của Việt Nam và 70% này phụ thuộc chủ yếu vào ngành sản xuất. Chính vì thế, FDI gần như là chiếm tới 70 % sản xuất hàng công nghiệp của Việt Nam.
Theo đó, trong điều kiện doanh nghiệp nội địa chưa mở rộng sản xuất để xuất khẩu được thì FDI thì là một trong những yếu tố giúp cho tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức độ nhất định và phát triển công nghiệp phụ trợ. Tóm lại muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải có được một nền công nghiệp chế tạo độc lập tự chủ và có tính lưỡng dụng cao, nếu không tất cả chỉ là giấc mơ.
Khi các doanh nghiệp nội địa tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn trong ngành công nghiệp lõi thì không chỉ tăng trưởng mà cả GDP bình quân của Việt Nam sẽ cao trong tương lai.
Cảm ơn chia sẻ của ông!
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Sẵn sàng 2023
Xem tất cả >>- Cơ cấu cổ đông của Traphaco "lợi hại" như thế nào?
- Thị trường nhà thuốc cạnh tranh gay gắt, Traphaco tăng cường đồng hành cùng các nhà thuốc truyền thống
- Tái cấu trúc Traphaco: Động lực tăng trưởng mới ngoài “con bò sữa” đông dược
- Traphaco nâng tầm các sản phẩm quốc dân Boganic, Hoạt huyết dưỡng não bằng phiên bản cao cấp
- Traphaco vượt thử thách trong quá trình chuyển giao công nghệ dược phẩm từ Daewoong