Ứng phó Covid-19: Ngân hàng linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều ngân hàng bắt đầu rà soát khách hàng để có chính sách khoanh - giãn nợ, giảm lãi vay hoặc cho vay mới phù hợp...
Trước tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các ngành du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ… bị ảnh hưởng nặng. Họ mong sớm được nhà nước, ngân hàng (NH) hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ nhằm chia sẻ bớt khó khăn.
Ngân hàng giảm lợi nhuận
Giám đốc một DN du lịch tại TP HCM cho hay ngày nào ông cũng chờ thông báo từ phía NH thương mại về việc giảm lãi suất, bởi DN ông gần như không có khách hàng đặt tour kể từ sau Tết đến nay, trong khi những tour đã đặt trước đó cũng báo hủy hàng loạt…
Nhiều gói hỗ trợ đã được các ngân hàng tung ra giúp các doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp, du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Ảnh: Tấn Thạnh
Thống kê sơ bộ từ nhiều NH thương mại, hiện có khoảng 50% danh mục hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, trong đó hơn 15% bị ảnh hưởng nặng nề nếu dịch kéo dài.
Ghi nhận ngày 18-2, một số NH thương mại đã cụ thể hóa việc giảm lãi suất, khoanh - giãn nợ, cho vay mới… nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch.
Động thái mới nhất là NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tung ra gói cho vay 5.000 tỉ đồng, lãi suất cố định 5,5%/năm trong 4 tháng kể từ ngày giải ngân cho cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch. Cụ thể, BIDV ưu tiên cho vay đối với người sản xuất thanh long, dưa hấu, mít, chuối; cá tra, cá ba sa, các mặt hàng cá da trơn; du lịch nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…
NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cũng triển khai chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất giảm từ 2%-4,5%/năm so với lãi suất thông thường, áp dụng cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ.
Với những NH đã công bố chương trình giảm lãi vay trước đó cũng đang khẩn trương rà soát từng trường hợp khách hàng để xác định thiệt hại, có hướng hỗ trợ cụ thể. Bởi thực tế, tại vài NH sau khi công bố giảm lãi vay, rất nhiều DN ở các ngành hàng đều đề nghị được hỗ trợ…
Thống kê sơ bộ tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) tới chiều 18-2, các đơn vị của NH đang xúc tiến hoàn chỉnh hồ sơ cho gần 30 DN với tổng số tiền vay khoảng 200 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng - quán ăn và xuất nhập khẩu. Trước đó, NH này đã triển khai chương trình giảm lãi suất đến 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành với cả VNĐ và USD, cho khách hàng trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch)…
Một lãnh đạo cấp cao của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay NH sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát từng khách hàng bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch và đang gặp khó để ra quyết định hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, để được hỗ trợ giảm lãi vay, DN phải có các chứng từ, tài liệu chứng minh lĩnh vực hoạt động, mức độ thiệt hại do Covid-19. Theo đại diện NH này, do quy mô dư nợ tín dụng được hỗ trợ giảm lãi suất tại Vietcombank lên tới 30.000 tỉ đồng nên ước tính lợi nhuận NH năm nay có thể giảm khoảng 300-450 tỉ đồng. Trước đó, Vietcombank thông báo sẽ giảm lãi vay tối đa 1,5%/năm với khách hàng thuộc các lĩnh vực bị tác động từ dịch bệnh.
Còn theo ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), các chi nhánh của NH cũng đã chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch để kịp thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi suất cho vay mới nhằm giúp khách hàng duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Khuyến khích giảm thêm lãi suất
Lãnh đạo một vụ chức năng của NH Nhà nước nhấn mạnh NH Nhà nước luôn khuyến cáo các NH thương mại tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm mục tiêu lợi nhuận bằng cách hạ lãi suất cho vay. Bởi, trong bối cảnh DN bị thiệt hại do dịch bệnh, nếu NH thương mại không giảm lãi suất, DN có thể suy giảm khả năng trả nợ. Khi đó, khoản vay có nguy cơ trở thành nợ xấu, NH phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu đó, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của mình.
Chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng dịch Covid-19 sẽ tác động đến hệ thống NH ở các khía cạnh cầu tín dụng giảm khi nhu cầu vay của DN, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và II/2020. Tiềm ẩn nợ xấu cũng tăng khi các DN, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó…
Trong bối cảnh như vậy, TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhìn nhận động thái giảm lãi vay là một phần của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, có thể tác động đến lạm phát nhưng do nhu cầu của xã hội đang rất thấp, sức mua yếu nên lạm phát không đáng ngại. Lúc này, nhiều DN đang cần hỗ trợ, chia sẻ nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính để vượt qua khó khăn.
Chuyên gia tài chính NH - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng ủng hộ các gói tài trợ cho DN, nông dân và một phần nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, bằng mọi cách phải giảm lãi suất vay cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng. "Để chính sách giảm lãi suất đến đúng địa chỉ, các NH cần thẩm định chuẩn xác đối với những DN chịu tác động từ Covid-19, tránh trường hợp có những đối tượng lợi dụng chính sách này để được hưởng lợi" - ông Hiếu khuyến nghị.
Sẵn sàng chỉnh lãi suất điều hành
Trao đổi với Báo Người Lao Động, Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NH thương mại và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành, giúp NH thương mại giảm chi phí, qua đó gián tiếp hạ lãi suất hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch.
Khánh Hòa: Các NH đồng loạt giảm lãi suất
Tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - địa phương bị ảnh hưởng nặng do lượng du khách sụt giảm, ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa - cho biết đơn vị đã yêu cầu chi nhánh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai ngay những giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như: du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu...
Theo đó, Agribank Khánh Hòa đã cử cán bộ trực tiếp làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để xác định mức độ thiệt hại nhằm kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay.
Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa cũng sẽ hỗ trợ các DN, cá nhân sản xuất, kinh doanh từ ngày 11-2 đến 30-4 bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn. Đối với các khoản vay hiện hữu, NH giảm lãi suất 1%/năm đối với dư nợ vay ngắn hạn, 1,5%/năm đối với dư nợ vay trung dài hạn bằng VNĐ; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay ngắn hạn, 0,75%/năm đối với dư nợ vay trung dài hạn các khoản vay bằng USD. Tương tự, Kienlongbank Khánh Hòa vừa quyết định giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng trồng trái cây có thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc ở mức 3%/năm. Đồng thời hỗ trợ giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới... K.Nam
Người lao động
- LienVietPostBank giảm 0,5% lãi suất cho vay
- HDBank ủng hộ 10 tỷ đồng phòng, chống Covid-19, chuẩn bị tung gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng để bình ổn thị trường
- Điểm sáng kinh doanh giữa dịch COVID-19: Các dịch vụ "đi chợ online" bùng nổ
- Ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19: Masan tối đa hoá công suất hệ thống nhà máy mì tôm, thịt chế biến, nước tương…, đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng
- Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cuộc chiến chống dịch COVID-19 giống như một đội bóng đang thi đấu trận quan trọng, nếu sợ hãi sẽ thua cuộc!