Vẫn tắc giải ngân vốn đầu tư công
Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng và triển khai các dự án.
- 17-04-2023Giải ngân đầu tư công: Vì sao trên nóng, dưới lạnh?
- 16-04-2023Giải mã con số '0 đồng' và nỗi sợ 'tiêu tiền' đầu tư công
- 16-04-2023Bí thư Thành ủy TP.HCM sẽ trực tiếp giám sát giải ngân đầu tư công
Chiều 17-4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp với 17 bộ, cơ quan trung ương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.
Kiểm soát chặt các dự án
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 bộ, cơ quan trung ương là hơn 34.000 tỉ đồng. Đến thời điểm này, các bộ, cơ quan đã phân bổ 97,5% tổng số vốn được giao theo kế hoạch. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là hơn 576 tỉ đồng thuộc 5 bộ, cơ quan trung ương gồm Bộ Nội vụ, Văn phòng Trung ương Đảng, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam, chủ yếu do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục quyết định đầu tư.
Tính đến hết quý I/2023, tổng vốn giải ngân của 17 bộ, cơ quan là gần 2.100 tỉ đồng, đạt 6,11% kế hoạch được giao, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước là 10,35%. Trong số các bộ, cơ quan trung ương dự họp, VKSND Tối cao có tiến độ giải ngân cao nhất, đạt 22,48% trong khi còn 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Dân tộc, MTTQ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Các bộ, cơ quan dự họp đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023. Các bộ, cơ quan dự họp kiến nghị kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án và thời gian thực hiện thanh toán kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu những kiến nghị tại cuộc họp cũng như của 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 để đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc điều chuyển vốn từ năm 2022 sang năm 2023, tránh tình trạng các dự án đầu tư dở dang, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư để tránh sai phạm, thất thoát trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cần sớm gỡ các vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng và triển khai các dự án ổn định kinh tế - xã hội, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các dự án liên quan đến đất rừng, đất trồng lúa...
Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cần có cơ chế thuận lợi hơn bởi các dự án này phải đáp ứng tiêu chí kép, vừa tuân thủ pháp luật trong nước vừa đáp ứng các quy định ngặt nghèo của nước sở tại về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn. (Trong ảnh là dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2).Ảnh: MINH PHONG
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu
Theo Bộ Tài chính, tỉ lệ ước giải ngân 3 tháng đầu năm 2023 của cả nước đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý I, có 2 bộ và 15 địa phương tỉ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%). Có 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 9%. Đáng chú ý, có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Chia sẻ về khó khăn trong công tác giải ngân, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết cơ quan này được giao gần 24.000 tỉ đồng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình giải ngân không được như mong muốn do nhiều nguyên nhân như quy định chưa sát, một số điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi rất chung chung, rất khó xác định trên thực tế triển khai.
Báo cáo từ các bộ ngành, địa phương cho thấy nguyên nhân chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do hiện nay mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án nên đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định. Đồng thời quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu, có các giải pháp tháo gỡ bảo đảm đủ nguồn cung cấp vật liệu phục vụ cho các công trình dự án giao thông trọng điểm.
Từ thực tế kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các sở ngành, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công dự án đúng tiến độ đề ra.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cảnh báo nếu các địa phương không có sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống thì điệp khúc "có tiền không tiêu được" vẫn sẽ tái diễn. Chuyên gia này cho rằng giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư là câu chuyện của địa phương, việc này phải làm đầu tiên, làm sớm, đẩy nhanh thì các khâu khác mới đẩy nhanh được. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Người lao động