Vay được vốn ngân hàng không đơn thuần chỉ chuyện có thêm "room"
Ngân hàng chỉ có thể cho vay khi các doanh nghiệp có đủ các điều kiện cần thiết về vay nợ và trả nợ (ảnh minh hoạ)
Ngay cả thời điểm hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới hay vẫn còn dư địa mở rộng thì vẫn có không ít doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay. Trong đó, phải đặc biệt kể đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
- 11-09-2022Việc nới room tín dụng cho 15 nhà băng sẽ khiến hoạt động phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng sôi động trở lại?
- 05-09-2022Tín dụng eo hẹp, giải pháp vốn nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
- 26-07-202275% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng chính thức
-
Giá vàng thế giới có thể sẽ hạ nhiệt ngay sau sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 do các nhà đầu tư có xu hướng bán vàng ra để lấy tiền đầu tư, sản xuất
-
Việc các ngân hàng lớn hạ thấp lãi suất huy động cũng phù hợp với mức độ lạm phát và mất giá của đồng tiền Việt Nam hiện nay
Theo các kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 (PCI 2021) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi đầu năm nay, trong 5 năm trở lại đây, tiếp cận tín dụng là một trong những vấn đề thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp , khó khăn càng rõ nét hơn trong 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19. Năm 2021, số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng là 46,85%, cao hơn đáng kể so với mức 40,73% vào năm 2020. Trước dịch bệnh (từ năm 2017-2019), con số này luôn trên 30%.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm trên 98%.
Doanh nghiệp SME sử dụng 70% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách, nhưng đến nay theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ của nhóm này chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế.
Báo cáo "Cập nhật đánh giá quốc gia 2021" của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy các doanh nghiệp SME Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, là chuyện bình thường trong nền kinh tế.
Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp trong nền kinh tế và cũng quan tâm đến yếu tố lợi nhuận. Khả năng hoàn trả vốn vay và nợ vay ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các nhà băng.
"Ngân hàng làm sao có thể cho vay được nếu không xác định được doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Điều này chúng ta phải thông cảm cho ngân hàng vì họ chỉ có thể cho vay khi các doanh nghiệp có đủ các điều kiện cần thiết về vay nợ và trả nợ", ông Thịnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo không được hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay. Vì việc này có thể làm giảm hiệu quả của hoạt động cho vay, gia tăng khả năng tạo ra nợ xấu.
Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tại Hội thảo về thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 26/7 cũng cho biết, chỉ 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. Phần còn lại sẽ tìm vay vốn từ các nguồn như bạn bè, gia đình, và các nguồn vay ngoài ngân hàng.
Bà nói thêm, việc tiếp cận nguồn vốn chính thống gặp khó vì năng lực tài chính của chủ doanh nghiệp chưa cao, biểu hiện trong việc quản lý dòng tiền, minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính. Đồng thời, đa số các doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.
Theo báo cáo PCI 2021, 81% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng vấn đề gây trở ngại nhất khi tiếp cận tín dụng vẫn là họ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Các trở ngại phổ biến xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là "thủ tục vay vốn phiền hà" (46% doanh nghiệp đồng ý) và "ngân hàng thương mại áp dụng các điều kiện tiếp cận tín dụng bất lợi" (42% doanh nghiệp tán thành).
Trong khi kênh vay vốn từ ngân hàng thương mại còn gặp trở ngại, doanh nghiệp đã phải tìm kiếm các nguồn cho vay khác. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khác (như các công ty cho thuê tài chính hoặc các quỹ tín dụng nhân dân) chỉ chiếm khoảng 11%. Trong khi đó, đa phần chủ doanh nghiệp tìm cách huy động vốn qua bạn bè hoặc người thân (51%) và các nguồn khác như huy động đóng góp từ các cổ đông, vay từ các doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp (18%). Đáng chú ý, gần 4% doanh nghiệp chấp nhận đi vay từ nguồn "tín dụng đen." Các khoản "tín dụng đen" có lãi suất quy đổi hàng năm rất cao, theo ước tính từ dữ liệu điều tra là trung bình hơn 60%/năm, cao hơn khoảng 6 lần so với lãi suất trung bình khi doanh nghiệp đi vay từ các tổ chức tín dụng khác.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn cần cả sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp và cả ngân hàng.
Trong đó, doanh nghiệp trước hết cần cải thiện hoạt động kinh doanh, duy trì được kết quả lợi nhuận; thiết kế và tạo lập các dự án có tính khả thi cao; cải thiện chất lượng tài sản và minh bạch thông tin.
Ngân hàng cần linh hoạt, tích cực hơn trong việc đưa ra các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay, sao cho hiệu quả kinh doanh được tốt nhất. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cũng cần được tinh giảm theo hướng cải thiện tích cực.
Nhịp Sống Thị Trường