MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Khó tinh giản biên chế vì tuyển con ông cháu cha quá nhiều

Chúng ta nói rằng phải công khai minh bạch trong tuyển dụng, nhưng chỉ nói một cách hình thức. Trong khi đó, rất nhiều tiêu cực xảy ra, ai cũng vậy đều có mối quan hệ, nay người này gửi thư, mai người kia viết giấy, gọi điện thì cuối cùng, nếu không thực sự công minh, sẽ lại ngả theo việc đó thôi.

Đó là quan điểm được Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội (nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ) trao đổi với chúng tôi khi bàn luận về câu chuyện tinh giản biên chế.

Theo Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hoạt động chất vấn trong lĩnh vực nội vụ được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình ký, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương chỉ tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu đúng tuổi và thôi việc theo quy định của pháp luật.

Hàng năm giảm 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong 7 năm tới (2015-2021), phải tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, tối thiểu 10% biên chế của các bộ, ngành, địa phương.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Cũng trong báo cáo cập nhật đến ngày 25/9/2015, đã có 8 bộ, ngành và 13 địa phương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015, với số lượng tinh giản biên chế là 1.307 người. Trong đó: 1.118 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 185 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 1 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 2 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước.

Mặc dù các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật về quản lý biên chế, nhưng vẫn còn một số địa phương tự quyết định tăng biên chế không đúng thẩm quyền và sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao. Câu chuyện bộ máy công chức cồng kềnh nhưng khó cắt giảm vẫn chưa được người đứng đầu Bộ Nội Vụ trả lời thỏa đáng.

Theo ông liệu mục tiêu tinh giản 10% biên chế của các bộ, ngành, địa phương có thực hiện được không?

Đây là vấn đề rất khó. Vì thực tế bấy lâu nay nhận những trường hợp thông qua quan hệ, quen biết vào quá nhiều nên không dễ cho nghỉ được.

Hai nữa là cơ chế không đơn giản. Giờ có mỗi việc để thực hiện tinh giản biên chế một cách hết sức nghiêm túc, là xây dựng vị trí việc làm theo quy định của Luật Cán bộ công chức, thì cho đến thời điểm này cơ quan chủ trì cũng không làm nổi. Thế thì lấy cơ sở đâu để thực hiện.

Nếu có chăng thì lại đẩy những người không quen biết, vì khi anh đã nhận vào bằng mối quan hệ quen biết, đến lúc đặt vấn đề nghỉ thì cũng lại điện thoại, cũng loại thư nọ, thư kia, thì làm sao chúng ta giải quyết được. Cuối cùng lại chỉ những người gọi là “thân cô thế cô” bị loại ra khỏi bộ máy.

Nói như vậy thì việc tinh giản biên chế vẫn tiếp tục là bài toán khó đặt ra, thưa ông?

Để thực hiện theo Nghị quyết 39 của Bộ chính trị về tinh giản biên chế, cần có đề án hết sức cụ thể liên quan không chỉ Bộ Nội vụ mà tất cả các bộ, ngành và địa phương nữa.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đưa ra đề án chỉ là nguyên tắc, vấn đề là khâu thực hiện như thế nào. Chúng ta nói rằng phải công khai minh bạch trong tuyển dụng, nhưng chỉ nói một cách hình thức. Trong khi đó, rất nhiều tiêu cực xảy ra.

Thứ hai là tuyển dụng không nói lên điều gì khi mà thực tế sử dụng cán bộ, người quản lý trực tiếp mới là người hiểu rõ công chức đó có thực sự có năng lực hay không, lại không có quyền được tuyển dụng. Tôi nghĩ người thủ trưởng là người biết rõ điều đó, nên phải tạo người ta cơ chế để tuyển dụng dễ dàng hơn và sa thải cũng dễ dàng hơn.

Chứ giờ nhiều cơ quan tổ chức, người có quyền tuyển dụng lại không phải là người sử dụng cán bộ, còn người sử dụng, quản lý cán bộ lại gần như không có quyền gì. Ví dụ ở các Bộ Chẳng hạn, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ là người có quyền tuyển dụng, trong khi các Vụ, kể cả là Vụ trưởng chức rất to nhưng cũng không có quyền tuyển dụng mà chỉ có quyền đề nghị, và sử dụng cán bộ được tuyển.

Nhưng khi sử dụng thấy rằng cán bộ đó không có năng lực, làm việc hiệu quả, mặc dù thi được thật, nhưng đâu phải cứ thi được là làm việc được tốt. Chưa kể chuyện ý thức trách nhiệm, anh có thể thi giỏi, nhưng anh không có ý thức trách nhiệm thì cũng vứt đi, chả có tác đụng gì.

Ông vừa nói đến chuyện vẫn còn có những tiêu cực trong thi tuyển cán bộ công chức. Ví dụ trong thời gian qua có sại phạm của Bộ Công Thương. Theo ông nguyên nhân tại sao còn có tiêu cực trong khi chúng ta đã có những quy trình quy định rõ ràng và minh bạch?

Đây là câu hỏi khó, vì chuyện tiêu cực ở đâu cũng có. Tôi không nói cụ thể ở Bộ này Bộ kia. Cái chính là việc tổ chức cán bộ, trong điều kiện số viên chức càng ngày càng giảm, số việc làm thì càng ngày càng ít đi, chủ trương tinh giảm biên chế. Trong khi đó, số lượng các cháu học sinh, sinh viên ra trường và người thất nghiệp giờ quá lớn. Giờ cung không đáp ứng với cầu thì nảy sinh tiêu cực, điều đó là dĩ nhiên thôi. Nên phải có biện pháp.

Biện pháp gì thì người đứng đầu, thực sự muốn tuyển người có năng lực, thì không khó gì để có thể tuyển được. Nhưng thông thường, ai cũng vậy đều có mối quan hệ. Khi có tuyển dụng thì biết bao mối quan hệ, nay người này gửi thư, mai người kia viết giấy, gọi điện thì cuối cùng, nếu không thực sự công minh, sẽ lại ngả theo việc đó thôi.

Vậy trong trường hợp có những cơ quan đơn vị để xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng công chức thì theo ông việc truy trách nhiệm như thế nào?

Tôi nghĩa chắc chắn những người có trách nhiệm tổ chức ra kỳ thi đó là phải có trách nhiệm, không ai khác cả. Tất nhiên cấp trên kiểm tra kiểm soát, nhưng khi đã lập ra hội đồng tuyển dụng đó, đương nhiên hội đồng đó phải có trách nhiệm đầu tiên, liên quan những tiêu cực xảy ra và phải có xử lý. Chứ bấy lâu nay mình không xử lý, vẫn còn nương nhẹ chuyện đó.

Cẩm An (thực hiện)

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên