MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mong công nghệ cao, được công nghệ thấp

Theo kết quả nghiên cứu, 69% doanh nghiệp không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc, 57,5% cho rằng không đầu tư vì chi phí cao

Ngày 30-3 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Giảm thiểu các tác động môi trường liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam”. Nghiên cứu này chỉ rõ mặc dù Việt Nam có những định hướng lớn để thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, vật liệu mới và thu hút doanh nghiệp (DN) lớn nhưng kết quả lại không như mong muốn.

Lỗ hổng chính sách, pháp luật

TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban Chính sách dịch vụ công CIEM, cho biết theo kết quả nghiên cứu, 67% DN FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Các DN chủ yếu sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ năng lượng và khả năng phát thải cao. Nghiên cứu ở một số ngành như dệt may, da giày, hóa chất, sản xuất máy móc cho thấy chỉ 5% DN FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại là sử dụng công nghệ thấp. Trong khi đó, các lĩnh vực môi trường như cấp nước và xử lý nước thải lại không được các nhà đầu tư ngoại quan tâm.

Nghiên cứu của một trường ĐH kinh tế đối với 150 DN FDI cho thấy 45% chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải. Nhiều DN không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không cam kết hoặc không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường. Có tới 69% DN nói rằng họ sẽ không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc. 57,5% cho rằng không đầu tư vì chi phí cao.

Đáng lưu ý là mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường ở Việt Nam có sự khác biệt giữa các DN từ các nước phát triển và các nước đang phát triển. Cụ thể, quy định về bảo vệ môi trường ở Nhật Bản, Hàn Quốc được thực thi nghiêm túc và mạnh mẽ hơn ở Việt Nam. Vì vậy, có khả năng DN từ những nước phát triển chuyển công nghệ lạc hậu và ô nhiễm vào Việt Nam.

Cần có “chế tài nghiệt ngã”

Cũng theo ông Hải, Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn thu hút FDI theo số lượng sang theo chất lượng nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. Nguyên nhân là trước đây Việt Nam có nhiều lỗ hổng về quản lý môi trường trong thu hút FDI, để lại hậu quả phải khắc phục trong giai đoạn hiện nay. Các quy định cụ thể về môi trường phần lớn chỉ được hoàn thiện trong những năm gần đây.

Song pháp luật về môi trường đã tương đối đầy đủ thì việc thực thi lại có nhiều hạn chế, đặc biệt là về thể chế và nhân lực. Các DN phản ánh rằng họ thiếu kênh chính thống tiếp cận quy định về môi trường. Chính quyền địa phương bị động trong cung cấp thông tin chính sách, trong khi văn bản pháp luật quy định về môi trường phức tạp, chồng chéo, thay đổi quá nhanh làm đội chi phí tuân thủ của DN.

Bà Dương Thị Tơ, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng - Hội Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam, cho biết trong giai đoạn năm 2011-2015, hơn 50% đối tượng thuộc diện thanh tra và kiểm tra bị phát hiện có vi phạm về bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân vi phạm nhiều là do mức nộp phạt thấp hơn so với chi phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Bên cạnh đó, nhiều DN hạn chế về năng lực và tài chính, nếu có đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường cũng để đối phó, chỉ vận hành khi bị kiểm tra. Hằng năm, tỉ lệ DN được thanh tra và kiểm tra rất ít, trung bình khoảng chục năm mới bị kiểm tra trở lại trong khi biện pháp quản lý dựa vào cộng đồng chưa được phát huy mạnh mẽ là hạn chế lớn, cần khắc phục.

Từng công tác trong ngành công thương, ông Nguyễn Duy Nghĩa nhấn mạnh hiện mức độ xuống cấp của môi trường do ô nhiễm từ công nghiệp đã quá rõ. Người dân đã phải trả giá khi bệnh ung thư và tỉ lệ vô sinh tăng lên.

Vấn đề cấp bách là phải đưa ra được những giải pháp mạnh, “chế tài nghiệt ngã” để ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh vốn FDI vào Việt Nam có thể tăng nhanh để đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. “Nếu chỉ dừng ở biện pháp kinh tế như hiện nay với chế tài xử phạt nhẹ thì số tiền thu được từ xử phạt vi phạm về môi trường không đáng gì so với cái giá phải trả” - ông Nghĩa cảnh báo.

Theo Tô Hà

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên