Việt Nam có điều tra người liên quan "Hồ sơ Panama”?
Đại diện các cơ quan quản lý đều dè dặt, thận trọng trước thông tin Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Panama”.
- 10-05-2016Những cái tên đáng chú ý trên thế giới trong Hồ sơ Panama
- 10-05-2016TS. Cấn Văn Lực: "Không nên phản ứng thái quá với những cái tên trong Hồ sơ Panama"
- 10-05-2016'Cơ quan chức năng phải vào cuộc vụ hồ sơ Panama'
Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước tại Việt Nam đều dè dặt và thận trọng trước thông tin gần 200 tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có trong danh sách “Tài liệu Panama” . Trong khi đó, luật sư cho rằng, không khó điều tra có hay không vi phạm.
Chỉ coi là thông tin tham khảo?
Trao đổi với Báo Giao thông về việc mới đây, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố có 189 tên cá nhân, 185 địa chỉ của Việt Nam nằm trong danh sách “Hồ sơ Panama”, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho rằng, đây mới chỉ là thông tin một chiều xuất hiện trên mạng, cũng không phải nguồn tin chính thống, có cơ sở nên cơ quan chức năng mới chỉ nắm bắt thông tin, coi đó là một nguồn để tham khảo chứ chưa có chỉ đạo gì.
Cũng theo ông Đạt, việc có tên trong “Hồ sơ Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chiều 10/5, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ công tác về vụ Hồ sơ Panama. Tổ sẽ phối hợp với NHNN, Bộ Công an, KH&ĐT tiến hành điều tra xác minh các thông tin về vụ việc.
“Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét báo cáo lên cấp trên. Nếu có căn cứ, T.Ư và Chính phủ có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế về phòng, chống tham nhũng để xác minh, làm rõ”, ông Đạt cho hay.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng khẳng định, trước đây chưa từng làm vụ việc tương tự như “Hồ sơ Panama” nên liên quan đến việc này, phải có nguồn cung cấp thông tin cụ thể thì mới vào cuộc xác minh, điều tra.
“Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được”, ông Đạt một lần nữa nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cũng cho rằng, Việt Nam nên nghe ngóng xem các nước họ làm như thế nào. “Không nên vội vàng, bỏ ra quá nhiều tiền và công sức để điều tra một việc có thể là không cần thiết”, ông Lực nói.
Không khó truy tội từ “Hồ sơ Panama”
Luật sư Nguyễn Minh Anh, Giám đốc Công ty Luật Trí Minh cho biết, Panama vốn được coi là “đặc quốc” và là một trong những “thiên đường về thuế”. Bằng cách đi vòng vèo qua những đặc quốc này, DN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, theo ông Minh Anh, “Tài liệu Panama” cũng chưa nói lên được điều gì. Để làm rõ các tổ chức, cá nhân trong danh sách có vi phạm pháp luật hay không, cơ quan chức năng cần phải xem xét nguồn tiền của cá nhân, tổ chức trong “Tài liệu Panama” đến từ đâu, có thuộc dạng giao dịch nghi ngờ, giao dịch bất hợp pháp, hay là trường hợp giữ hộ tiền.
Trước câu hỏi, làm thế nào để truy nguồn tiền từ “Hồ sơ Panama”, Giám đốc Công ty Luật Trí Minh khẳng định, cách thức, biện pháp thực hiện không khó. Tất cả phải phụ thuộc vào cơ quan điều tra liên ngành bao gồm: Cơ quan phòng, chống tham nhũng, cơ quan thuế, công an kinh tế...
“Truy nguồn tiền rất đơn giản. Khi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải xin giấy phép Bộ KH&ĐT và thực hiện việc chuyển tiền đầu tư. Vậy cơ quan chức năng chỉ cần truy nguồn tiền đó đã được cấp phép bởi Bộ KH&ĐT và được giám sát bởi NHNN hay chưa? Nếu nguồn tiền đi đúng theo quy trình này thì hoàn toàn hợp pháp. Ngược lại trong trường hợp không rõ nguồn gốc thì cơ quan chức năng sẽ trực tiếp truy DN”, vị luật sư phân tích.
Những người có tên trong “Hồ sơ panama” nói gì?
Hôm qua (10/5), một số cá nhân tại Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Panama” đã chủ động thông tin đến báo chí giải thích lý do vì sao mình có tên trong tài liệu về các hoạt động bất hợp pháp tại một trong những “thiên đường” trốn thuế của thế giới. Cụ thể, bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ cho rằng, sở dĩ bà có tên trong “Hồ sơ Panama” vì là CEO của ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ANZ. Theo bà Thủy, việc sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Sovico kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air lý giải nguyên nhân bà có tên trong danh sách là do năm 2005, Sovico Corporation PTE Ltd thắng thầu mua lại phần vốn góp từ các công ty thuộc Tập đoàn Lai Sun (Hồng Kông), thay thế các công ty thuộc Tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance, chiếm 75% vốn tại Công ty Liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort). Đây là các thủ tục thông qua đấu thầu quốc tế, kế thừa pháp nhân ở nước ngoài, công khai, minh bạch và phù hợp với luật pháp nước sở tại. Do Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên bà Thủy và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng xuất hiện trong danh sách là bình thường.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khẳng định, không liên quan đến việc “rửa” tiền hay trốn thuế. SSI và Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng là 2 thành viên góp vốn của Quỹ Đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH quản lý Quỹ SSI (SSIAM) quản lý. SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài (số 249/BKH-ĐTRNN-DDC1 ngày 31/8/2010) để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài và đã tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và luật pháp của nước nơi SSIAM thực hiện các hoạt động đầu tư.
Liên quan đến trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giám sát nguồn ngoại tệ chuyển ra nước ngoài như ý kiến của luật sư, PV Báo Giao thông đã liên lạc bằng điện thoại, nhắn tin cho Thống đốc NNHN Lê Minh Hưng song không nhận được phản hồi.
Về trách nhiệm của Bộ KH&ĐT theo ý kiến của luật sư, Báo Giao thông đã liên hệ với ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đề nghị cung cấp các thông tin: Các cá nhân, tổ chức trong danh sách “Hồ sơ Panama” công bố sáng 10/5 có được Bộ cấp phép đầu tư ra nước ngoài không? Qua vụ việc này, Bộ có rà soát lại hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức trong nước không? Tuy nhiên, ông Chung đã yêu cầu Báo Giao thông làm công văn.
Liên quan đến khả năng trốn, lách thuế của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có trong “Hồ sơ Panama”, PV Báo Giao thông đã liên lạc qua điện thoại, tin nhắn với ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và ông Đặng Tuấn Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, nhưng cũng không nhận được phản hồi. Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin rất ngắn gọn là cơ quan này đang nghiên cứu, xem xét vụ việc.
185 địa chỉ từ Việt Nam có trong “Hồ sơ Panama”
“Hồ sơ Panama” bao gồm 11,5 triệu trang tài liệu mật của Công ty Luật Mossack Fonseca có trụ sở chính tại Panama, được một nguồn giấu tên cung cấp cho tờ báo Sueddeutsche Zeitung của Đức khoảng 1 năm về trước. Sau đó, nguồn tin đã được chia sẻ với ICIJ, BBC và The Guardian.
Chính phủ các nước lập tức điều tra
Tại một số nước, “Hồ sơ Panama” vẫn chỉ được xem là những thông tin một chiều, chưa được xác thực và đã vấp phải nhiều sự chỉ trích, bác bỏ. Song, liên quan đến vụ việc, Thủ tướng Iceland, Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức trước sức ép quá lớn từ dư luận và Đảng Đối lập, vì trong “Hồ sơ Panama” cho thấy, ông này và vợ đã mua công ty nước ngoài Wintris năm 2007 để đầu tư hàng triệu USD, song không công khai lợi nhuận từ công ty này.
Sau khi vụ việc nổ ra, Chính phủ Trung Quốc mở chiến dịch “Lưới trời 2” nhằm truy quét… quan tham. Văn phòng Thuế liên bang Australia (ATO) thì mở đợt điều tra 800 công dân nước này có liên quan tới “Tài liệu Panama”. Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy cũng vừa công bố một quy định mới để đối phó với nạn trốn thuế, theo Guardian. Các quy định mới này dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2017. Theo đó, các thông tin sẽ được chia sẻ một cách tự động về chủ nhân thực sự của các công ty “bình phong” hay còn gọi là các công ty “lá chắn” và các quỹ tín thác hải ngoại.
Hương Mai
Báo giao thông
- Lần tìm những “cái bóng” trong “Hồ sơ Panama”
- PGS. TS Lê Xuân Trường: 'Doanh nghiệp Việt có tên trong hồ sơ Panama là một tín hiệu đáng mừng!'
- Vụ người Việt có tên trong “Hồ sơ Panama”: Phải xác minh thế nào?
- "Hai người Ireland và bánh kẹp Hà Lan" - chiến thuật kinh điển sử dụng thiên đường thuế của Google, Apple
- Đại biểu Quốc hội: Làm rõ đồng tiền “sạch”, “bẩn” ra sao