MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam xuất 'vật thế thân' thiết yếu cho các nghiên cứu tỷ đô: Từng bán 1,5 tỷ VNĐ, Mỹ-Trung tranh mua

08-08-2024 - 08:50 AM | Thị trường

Theo trang tin 163.com (Trung Quốc), ở hạng mục động vật và sản phẩm động vật, ngoài sữa, tổ yến… Việt Nam vừa có thêm một sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây cho biết, vào ngày 29/7/2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức có văn bản thông báo với Cục Thú y đồng ý với Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu khỉ từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 6/6/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch động vật đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên.

Khỉ xuất khẩu sang Trung Quốc là khỉ đuôi dài (khỉ cynomolgus) được nuôi và xuất khẩu với mục đích nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu khỉ sang Trung Quốc và đáp ứng được các điều kiện được nêu trong Nghị định thư, cần đăng ký để Cục Thú y tổng hợp, xác nhận và gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, quyết định.

Khỉ nuôi để xuất khẩu hiện nay không nhằm phục vụ nhu cầu nuôi thú cảnh hay làm thực phẩm, mà chủ yếu phục vụ ngành sản xuất dược phẩm.

Việt Nam xuất 'vật thế thân' thiết yếu cho các nghiên cứu tỷ đô: Từng bán 1,5 tỷ VNĐ, Mỹ-Trung tranh mua- Ảnh 1.

Khỉ xuất khẩu sang Trung Quốc là khỉ đuôi dài được nuôi và xuất khẩu với mục đích nghiên cứu khoa học. Ảnh: Innomd

'Vật thế thân' cho con người

Theo trang tin Sohu (Trung Quốc), việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới có thể giúp nhân loại "thoát chết trong gang tấc". Đây là một hoạt động có rủi ro cao, thu lợi cao, thường mất khoảng 10 năm và tiêu tốn hàng tỷ USD.

Trung tâm Tufts - một tổ chức nghiên cứu khoa học của Mỹ - đã phân tích chi phí nghiên cứu và phát triển của 106 loại (1.442 hợp chất) thuốc mới và tác nhân sinh học, và nhận thấy rằng chi phí để phát triển thành công một loại thuốc là 1,395 tỷ USD. Nếu tính cả chi phí cơ hội và thời gian thì chi phí phát triển một loại thuốc mới là 2,558 tỷ USD.

Theo Sohu, việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn và độ khó kỹ thuật cao.

Quá trình nghiên cứu và phát triển một loại thuốc mới bao gồm: Giai đoạn thăm dò - Giai đoạn nghiên cứu dược học - Giai đoạn nghiên cứu sinh vật tiền lâm sàng - Giai đoạn nghiên cứu lâm sàng, sau đó mới có thể được phê duyệt để đưa ra thị trường.

Thử nghiệm trên động vật là hoạt động cần thiết trước giai đoạn nghiên cứu lâm sàng. Mục đích là sử dụng động vật thay thế con người để xem trước hiệu quả và liệu có phản ứng bất lợi hay không, đồng thời đưa ra lựa chọn liều lượng hợp lý… cho các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo.

Trong đó, khỉ chắc chắn là một trong những lựa chọn tốt nhất. Nghiên cứu khoa học cho thấy khỉ có từ 93% đến 98% DNA giống với con người và có hệ thống cơ thể cũng như giải phẫu não tương tự.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) - nói với phóng viên Dân trí rằng: "Khi đuôi dài được các nước nhập về phục vụ nghiên cứu khoa học, thử nghiệm thuốc, vaccine cho người. Vì, đơn giản khỉ có họ hàng gần với con người và có nét giống người nên chúng rất cần trong nghiên cứu khoa học, phục vụ việc sản xuất thuốc, vaccine cho người."

Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đã quy định rõ ràng rằng việc nghiên cứu và phát triển tất cả các loại thuốc mới phải có được kết luận đáng tin cậy trên các loài linh trưởng không phải con người trước khi tiến hành nghiên cứu lâm sàng.

Có thể nói, khỉ là "vật thế thân" hoàn hảo cho con người, và là chìa khóa để nghiên cứu các loại thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế mới.

Việt Nam xuất 'vật thế thân' thiết yếu cho các nghiên cứu tỷ đô: Từng bán 1,5 tỷ VNĐ, Mỹ-Trung tranh mua- Ảnh 2.

Khỉ là "vật thế thân" hoàn hảo cho con người, và là chìa khóa để nghiên cứu các loại thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế mới. Ảnh: Chinanews

Mùa Covid: Không dễ kiếm khỉ thí nghiệm

Theo Sohu, mặc dù khỉ thí nghiệm rất quan trọng đối với y học hiện đại nhưng thường chỉ là chuyện của những người trong ngành.

Năm 2020, khỉ thí nghiệm bỗng trở nên nổi tiếng và trở thành chủ đề nóng trên các mặt báo. Nguyên nhân là do giá khỉ thí nghiệm đột ngột tăng vọt lên tối đa 230.000 nhân dân tệ (RMB, 806 triệu VNĐ) mỗi con.

Trước đó, vào năm 2014, giá một con khỉ thí nghiệm tại Trung Quốc là khoảng 6.500 RMB (gần 23 triệu VNĐ). Đến năm 2018, giá chỉ tăng lên 14.000 RMB/con (49 triệu VNĐ).

Theo dữ liệu từ Mạng lưới mua hàng Trung Quốc, Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc vào năm 2020 đã mua một lô 120 con khỉ thí nghiệm với đơn giá trung bình là 170.000 RMB/con (596 triệu VNĐ).

Vào thời điểm đó, giá khỉ thí nghiệm ở Mỹ thậm chí còn cao hơn, có khi lên tới 60.000 USD/con (1,51 tỷ VNĐ).

Ngay cả khi "giá khỉ cao ngất trời" như vậy, người ta vẫn đổ xô đi mua. Lý do rất đơn giản: "cả thế giới đang thiếu khỉ" và cầu vượt xa cung.

Theo Sohu, từ phía cung, giá khỉ thí nghiệm sẽ tăng vọt vào năm 2020 trùng với thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thế giới. Để tiêu diệt loại virus Corona mới, nhiều quốc gia và công ty đã tập trung nghiên cứu và phát triển vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 tăng cao. Mỗi dự án nghiên cứu cần 60 con khỉ thử nghiệm. Khi có nhiều dự án nghiên cứu và phát triển vắc xin hơn, nhu cầu về khỉ thử nghiệm cũng ngày càng tăng.

Còn từ phía cầu, tiêu chuẩn đối với khỉ thí nghiệm khá cao, chúng phải có tính di truyền tốt và có sức khỏe tốt. Nhưng giống như người, khỉ sinh sản chậm và thường chỉ sinh một con trong mỗi lứa. Chúng có chu kỳ sinh trưởng dài, và khỉ non phải từ 3 tuổi trở lên mới có thể tiến hành thí nghiệm. Những đặc điểm này không chỉ kéo dài chu kỳ cung ứng của khỉ thí nghiệm mà còn gây khó khăn cho việc tăng sản lượng trong thời gian ngắn.

Việt Nam xuất 'vật thế thân' thiết yếu cho các nghiên cứu tỷ đô: Từng bán 1,5 tỷ VNĐ, Mỹ-Trung tranh mua- Ảnh 3.

Tiêu chuẩn đối với khỉ thí nghiệm khá cao, chúng phải có di truyền tốt và có sức khỏe tốt. Ảnh: The Paper

Nguồn cung khỉ đến từ Đông Nam Á

Sau đại dịch Covid-19, tổng số lượng nghiên cứu và phát triển vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 trên toàn thế giới đã giảm, giá khỉ thí nghiệm cũng giảm mạnh.

Theo Sohu, hiện tại, những con khỉ thí nghiệm chủ yếu là khỉ cynomolgus đến từ Đông Nam Á, cùng với một số lượng nhỏ khỉ rhesus.

Một mặt, khỉ cynomolgus chủ yếu được tìm thấy ở các nước Đông Nam Á, chúng thích sống ở các khu vực nhiệt đới như rừng mưa nhiệt đới.

Vào tháng 3/2023, Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) đã chính thức công bố loài khỉ cynomolgus sẽ được đưa vào "Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng của IUCN".

Sau khi khỉ cynomolgus được liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng, 184 quốc gia đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) phải có giấy phép kinh doanh khi mua bán khỉ cynomolgus. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung khỉ thí nghiệm trên toàn cầu.

Theo Sohu, trong chuỗi cung ứng khỉ thí nghiệm toàn cầu, Trung Quốc là quốc gia chăn nuôi khỉ thí nghiệm lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu khỉ thí nghiệm lớn nhất. Nhưng phần lớn khỉ thí nghiệm xuất khẩu từ Trung Quốc là khỉ hoang dã được nhập khẩu từ Đông Nam Á, được nuôi thành khỉ thí nghiệm rồi xuất khẩu.

Hầu như không có nguồn khỉ hoang dã ở châu Âu và Mỹ, chúng chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đông Nam Á.

Từ năm 2017 đến 2019, hơn 50% số khỉ thí nghiệm ở Mỹ đến từ Trung Quốc. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu khỉ thí nghiệm.

Hoa Kỳ đã liệt kê khỉ thí nghiệm là nguồn tài nguyên chiến lược quốc gia ngay từ năm 2002, và Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác cũng đã tham gia cuộc cạnh tranh giành nguồn tài nguyên khỉ ở Đông Nam Á.

Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà cho biết, đối với Việt Nam, việc xuất khẩu khỉ đuôi dài không mới vì nước ta đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản... gần đây nhất là từ năm 2019 đến 2022.

Khỉ đuôi dài ở Việt Nam được phân bổ từ Thừa Thiên - Huế trở vào tới Kiên Giang, chúng sống thành đàn trong trong rừng rậm nguyên sinh, thứ sinh, rừng tre nứa, rừng thường xanh, rừng thưa, bờ sông, ven biển, rừng ngập mặn ven biển, dọc theo các con sông tới độ cao 2.000 mét.

Theo Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, khỉ xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng điều kiện là khỉ nuôi, không phải là khỉ hoang dã, được sinh ra hoặc nuôi nhốt ít nhất 2 năm ở Việt Nam.

Trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, khỉ đã qua kiểm dịch tại trang trại gốc xứ sẽ được cách ly 30 ngày tại địa điểm kiểm dịch được phía Việt Nam phê duyệt. Trong thời gian cách ly, khỉ sẽ được kiểm tra lâm sàng, xác nhận khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm.


Theo Hữu Hiển

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên