MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng GTVT: Trong năm 2019 sẽ báo cáo Quốc hội tổng thể dự án sân bay Long Thành, phê duyệt 11 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía đông

Dự án tổng thể xây dựng sân bay quốc tế Long Thành sẽ có nội dung về giải phóng mặt bằng và quy mô xây dựng sân bay. Bên cạnh dự án này, Bộ Giao thông vận tải còn hoàn thiện việc phê duyệt 11 dự án thành phần trong đại dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông (dài 654km) trước tháng 10/2018.

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã thông báo sơ lược về một số vấn đề nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ, ngày 22/5.

Trong nhiệm kỳ này, Bộ GTVT có 2 dự án trọng điểm quốc gia phải thực hiện: Một là, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông; Hai là, sân bay quốc tế Long Thành.

Về dự án sân bay quốc tế Long Thành, Quốc hội, Chính phủ đã giao việc thu hồi đất cho tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Đồng Nai cũng đã hoàn chỉnh dự án thu hồi đất. Nhưng việc thẩm định giữa các bộ ngành còn chậm. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhằm đảmm bảo có mặt bằng sạch ngay khi phê duyệt xây dựng sân bay. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải là tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà tư vấn, lập dự án tổng thể sân bay quốc tế Long Thành.

"Hiện nay, chúng tôi đã bám theo đúng kế hoạch. Tư vấn đang tập trung hoàn thiện dự án. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội một dự án tổng thể sân bay quốc tế Long Thành gồm cả giải phóng mặt bằng và quy mô xây dựng sân bay, lộ trình các giải pháp" – ông Nguyễn Văn Thể nói.

Về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, có 11 dự án thành phần (chiều dài khoảng 654km). Trong tháng 5/2018, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt 5/11 dự án. Tháng 7/2018 sẽ phê duyệt 5/11 dự án nữa. Dự án cuối cùng là cầu Mỹ Thuận 2 sẽ phê duyệt vào tháng 9/2018.

"Tất cả các công việc này đang được Bộ giám sát chặt chẽ. Hàng tháng, chúng tôi đều họp giao ban, kiểm tra kỹ lưỡng. Theo lộ trình, trong năm nay sẽ phê duyệt toàn bộ 11 dự án, phối hợp với địa phương để cắm mốc giải phóng mặt bằng. Đầu 2019 sẽ đấu thầu quốc tế để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Dự án thứ 2 này chúng tôi quản lý đúng tiến độ" – ông Nguyễn Văn Thể khẳng định

Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử (Uber, Grab), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cam kết rằng, Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải (sửa đổi) sẽ khắc phục các vấn đề hiện nay.

"Chủ trương thí điểm nhưng đã được kéo dài quá lâu, gây nên dư luận xã hội phức tạp: trách nhiệm doanh nghiệp với lái xe, trách nhiệm doanh nghiệp với người sử dụng dịch vụ; công tác quản lý thuế hoạt động của các doanh nghiệp này theo luật pháp Việt Nam. Chúng tôi đã tham mưu với Chính phủ, trong thời gian ngắn nữa sẽ ban hành Nghị định 86 sửa đổi. Nghị định 86 sửa đổi sẽ tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp như Uber, Grab cũng như cho doanh nghiệp taxi truyền thống bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đi kèm với đó là tăng cường công tác quản lý trách nhiệm của doanh nghiệp, tài xế đối với người dân, xã hội" – ông Nguyễn Văn Thể cho biết.

DQ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên