CEO Sông Hương Foods: Nghỉ Thế giới di động, về cầu an cho cá mắm, giải oan cho trái cà
Đặt mục tiêu trở thành công ty cà pháo số 1 Việt Nam và đưa trái cà thành “biểu tượng ẩm thực”, anh Nguyễn Lê Quốc Tuấn nói: Thấy cái gì tốt cho xã hội thì làm thôi.
- 14-10-2022Bầu Đức: "Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không đơn thuần là người giàu Việt Nam"
- 13-10-2022Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Đừng vì sai phạm của cá nhân mà hủy hoại cả doanh nghiệp
- 13-10-2022Khám phá những công ty đầu tư kín tiếng nơi các tỷ phú Việt "cất giữ" khối tài sản tỷ đô của mình
Làm hơn chục năm tại CTCP Thế giới di động, lên đến vị trí Giám đốc Ngành hàng phụ kiện, anh Nguyễn Lê Quốc Tuấn gặp một biến cố cuộc đời và bước chân vào con đường ăn chay niệm Phật. Anh nghỉ việc, trở về tiếp quản Sông Hương Foods - công ty sản xuất mắm, đồ muối mà dì dượng anh đã gây dựng 25 năm.
Anh Tuấn quyết chọn sản phẩm chủ lực là cà pháo – món ăn mà anh tâm đắc rằng "chỉ Việt Nam mới trồng", lại thích hợp với một ông chủ ăn chay trường. Tuy nhiên, trái cà pháo theo quan niệm dân gian là thứ quả không tốt cho sức khỏe.
Trước khi anh về điều hành Sông Hương Foods, công ty đang tập trung vào các sản phẩm mắm, tại sao anh rẽ hướng sang cà pháo?
Lần đầu tiên nhìn thấy quy trình làm mắm tôm, mắm cá cơm, nhìn thấy những con cá đang sống yên lành và chỉ sau một phút thôi đã chết vài chục ngàn con, tôi không ăn không ngủ được trong gần một tháng trời. Dì tôi mới nói: "Con đi tu đương nhiên là tốt. Nhưng công ty mắm này đã 25 năm tuổi, còn con mới ăn chay mấy năm. Chẳng lẽ dẹp công ty đi? Mà nếu mình không làm mắm thì người khác cũng vẫn làm".
Tôi bị thuyết phục, nhưng đến mồng 1 và ngày rằm, toàn công ty ăn chay để cầu nguyện cho những con mắm được bình an.
Đó là lí do tôi quyết định lựa chọn một sản phẩm không sát sinh để phát triển quyết liệt dù không phải thế mạnh. Khi đó công ty nhà tôi có bốn món từ thực vật: cà, kiệu, dưa món, kim chi, sau này tôi mới làm thêm ớt xay.
Trong đó, cà là món ăn rất ngon mà nó cũng là loại quả gần như duy nhất Việt Nam trồng được, bán quanh năm. Tôi chọn cà để phát triển, đầu tư rất tâm huyết. Đúng đợt dịch Covid-19 xảy ra, doanh số cà tăng vọt từ 4-5 tỷ lên 30 tỷ rồi tốc độ tăng tính bằng lần.
Thực ra không riêng gì cà pháo mà trong mùa dịch, những món ăn đóng hộp được ưa chuộng vì nó rất thuận tiện để khách hàng có thể mua về và tích trữ. Cà Sông Hương Foods lại ngon, kích thích vị giác, chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng ăn cà không tốt cho sức khỏe?
Đúng vậy, dân gian vẫn truyền miệng nhau rằng "một quả cà bằng 3 chén thuốc", tức là ăn cà pháo sẽ bị khớp, bị nhức xương, bị bệnh nọ bệnh kia. Nếu tìm kiếm trên google, bạn sẽ thấy hàng loạt thông tin như thế. Khi quyết định phát triển cà pháo thành sản phẩm chủ lực, tôi tìm gặp một chuyên gia ẩm thực nổi tiếng xin tư vấn, anh ấy nhất quyết không đồng ý làm cùng Sông Hương Foods, cũng bởi quan điểm như trên.
Tôi nghĩ "Trời, hàng loạt thông tin tiêu cực như thế thì mình làm gì nổi". Nhưng lúc bế tắc, tôi được giới thiệu đến gặp PGS.TS Trịnh Khánh Sơn- Phó trưởng khoa Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM – người chuyên nghiên cứu về những sản phẩm lên men.
Anh Sơn nói:"Người tiêu dùng chỉ đi theo kinh nghiệm, họ thấy không tốt thì họ đồn, nhưng họ quên mất rằng cà pháo sống khác với cà pháo chín". Theo nghiên cứu, trong cà pháo có một chất gọi là chất kháng dinh dưỡng. Nếu ăn nhiều cà sống hoặc muối chưa tới thì nó làm cản trở hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến bị mỏi cơ.
Nhưng cà Sông Hương Foods là cà lên men trong 21 ngày, nó không phải là cà ngâm giấm, nó tốt cho sức khỏe con người.
Anh có gì để chứng minh điều đó?
Tôi đã bỏ tiền ra làm một công trình nghiên cứu, được cấp giấy chứng nhận về sự khác biệt trong chất dinh dưỡng của cà pháo sống và cà pháo lên men. Sau đó kết hợp với Hội tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao làm một buổi tọa đàm công bố nghiên cứu.
Tuy rất tốn kém nhưng tại vì… tức quá rồi. Tôi không tin là cà lên men không tốt cho sức khỏe.
Tôi cũng đem bản thân ra thử nghiệm bằng việc ăn cà không ngừng nghỉ trong 60 ngày liên tiếp, sau đó đi khám sức khỏe và làm xét nghiệm máu chi tiết xem có tăng lượng đường không, xương có bị loãng không… Trong buổi tọa đàm, tôi công bố cả tờ xét nghiệm ấy để chứng minh tôi ăn nhiều cà nhưng sức khỏe vẫn tốt.
Làm thực phẩm mà tìm ra cái gì tốt cho sức khỏe thì mình tự tin làm thôi. Tôi sẽ kiên trì như vậy sau 1 năm, 2 năm, thậm chí 3 năm, đến khi nào mà 60% người được hỏi trả lời là "Tôi tin ăn cà không bị sao hết".
Tôi vẫn luôn mơ ước trái cà có thể trở thành biểu tượng cho ẩm thực Việt Nam. Khi thay đổi được nhận thức của người dân về trái cà, tôi sẽ cố gắng thuyết phục Bộ Công thương, Chính phủ Việt Nam công nhận trái cà là sản phẩm quốc dân, mang lại niềm tự hào cho người Việt và dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn.
Nhưng đây mới chỉ là mơ ước thôi.
Anh đặt ra cách đi cho Sông Hương Foods như thế nào?
Sông Hương Foods đã 25 năm tuổi nhưng trước đây dì dượng tôi không quan tâm đến thương hiệu mà gia công cho công ty khác, bán cho một số siêu thị hoặc khách hàng xách tay mang đi. Thu nhập vài tỷ/năm đối với quy mô công ty gia đình như vậy là hài lòng.
Đến năm 2019 khi tiếp quản, tôi bắt đầu làm thương hiệu và quyết tâm xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Mỹ, Nhật, Đài Loan. Khi sản phẩm mang thương hiệu Sông Hương Foods được các thị trường khó tính nhất công nhận thì người Việt Nam mình cũng sẽ tin tưởng. Mà để các thị trường khó tính công nhận thì tôi phải đưa công ty thành số 1 Việt Nam về món cà pháo. Thế nên tôi đặt mục tiêu là sản phẩm của Sông Hương Foods phải phủ khắp các hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam.
Chúng tôi nỗ lực trong 3 năm liên tiếp từ 2019 đến 2021, làm sao để trở thành số 1 ở cả 3 chuỗi lớn Winmart, Bách hóa xanh, Coopmart. Theo số liệu tôi nắm được thì hiện nay, thị phần cà pháo của Sông Hương Foods trong WinMart là 80%, trong Coopmart ít nhất cũng hơn 50%, còn trong Bách Hóa Xanh thì 100%.
Hiện tại, 95% doanh thu của chúng tôi là từ thị trường nội địa. Tôi kỳ vọng sang năm doanh thu xuất khẩu tối thiểu sẽ góp 30% và trong 5 năm tăng lên ít nhất 50%.
Về sản phẩm, đồ chua (cà pháo, kim chi, củ kiệu) chiếm hơn 60% doanh thu, mắm chiếm 30%, 20% liên quan đến bánh. Trong đồ chua thì cà pháo chiếm hơn 50%.
Anh đã làm thế nào để trở thành số 1 tại các chuỗi siêu thị đó?
Tôi luôn nói với nhân viên rằng đối tác là người bán hàng cho mình, mình phải hỗ trợ họ từ việc nhỏ nhất, sản phẩm phải cung cấp đầy đủ nhất, chiết khấu tốt nhất. Khi làm việc với Sông Hương Foods, họ không chê gì, cũng không phải lo lắng gì vì tôi đã hứa là phải làm. Họ yên tâm thì sẽ lấy hàng của Sông Hương Foods về bán.
Trong tương lai, anh có kế hoạch phát triển mảng cà pháo ra sao?
Tôi sẽ chia cà ra 3 phân khúc, cao cấp, trung cấp và bình dân. Tôi dự định sẽ phát triển thêm mảng cà organic (cà hữu cơ) để bán trong phân khúc cao cấp.
Cà pháo của Sông Hương Foods là cà được trồng ở Tây Ninh, Củ Chi. Tôi đã trồng thử rất nhiều vùng trong miền Nam nhưng chỉ có trái cà ở Tây Ninh Củ Chi là ngon nhất. Khi mà mọi người công nhận rằng cà lên men là tốt cho sức khỏe rồi thì tôi sẽ phát triển thêm mảng cà organic này.
Anh đã làm một kênh Tiktok có gần 100.000 người theo dõi. Anh định xây dựng niềm tin cho cà và cho doanh nghiệp bằng Tiktok hay sao?
Tôi nhớ hồi sinh viên đi ăn cơm hàng, phải hỏi xem quán nào mà ông bà chủ ăn cơm họ nấu thì mới tới đó ăn. Nên khi làm doanh nghiệp, tôi cũng cố gắng tạo hình ảnh một ông chủ bán mắm, bán cà và ăn cà mỗi ngày với cái tâm từ bi.
Tài khoản Tiktok của tôi có nội dung nói về một người tử tế, một người học Phật làm kinh doanh, những mong người xem hiểu sâu về mình. Họ thấy là "ông này kinh doanh mắm và có hình ảnh đẹp vậy thì chắc chắn ông này không làm bậy đâu". Đó là cách tôi kết nối giữa kinh doanh và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nhưng hiện nay rất nhiều người cũng xây dựng hình ảnh "tu tập" mà thực tế lại không có hành vi, lời nói đạo đức của người theo đạo Phật. Vì vậy, làm xấu đi hình ảnh doanh nhân tu hành, thậm chí khi nhắc đến, người ta còn nói là giả dối. Anh nghĩ sao?
Thực ra trong mỗi lần livestream, tôi gặp rất nhiều bình luận nói là "mượn áo nhà Phật" để dễ lừa. Tâm người ta như thế nào thì sẽ nói người khác như thế đó. Hơn nữa tôi hiểu rằng, người ta cũng trải nghiệm bằng chứng thực tế nhiều quá rồi nên không còn tin vào những người nói lời chân thật nữa. Đó là điều hiển nhiên.
Nhưng tôi tin rằng nếu như mình là người thật, người từng trải qua các biến cố cuộc đời, còn trẻ mà chọn con đường ăn chay niệm Phật, ít hưởng thụ thì tự khắc những điều mình lan tỏa ra cho cuộc đời, cho xã hội là thật. Mà đã thật thì mình không sợ, không mất công đi chứng minh, giải thích.
Chỉ người nào vụ lợi, làm vì cái danh thì mới để ý xem có ai xăm xỉa về mình hay không, và dễ gục ngã vì những bình luận tiêu cực.
Muốn biết sự tốt bụng của người trước mặt bạn là giả hay thật thì không cần tin lời họ nói hay nhìn họ làm. Hãy nhìn vào kết quả của chính người đó, vào cuộc sống của cha mẹ, con cái họ.
Người ta có thể lừa nhau qua lời nói, hành động, nhưng không lừa được qua kết quả. Kết quả - đó là minh chứng rõ nét nhất cho cách thức người ta sống đúng hay sai, sống tử tế thật hay tử tế giả, đem lại lợi ích cho người khác hay cố tình màu mè để đem lại lợi ích cho mình. Những lời nói, hành động và kết quả của tôi đều vẫn còn nguyên trên internet, mọi người có thể kiểm chứng gia đình, doanh nghiệp, kết quả của tôi có "ok" không.
Tôi xây dựng kênh Tiktok không vì lợi ích của mình mà đơn giản là cảm thấy đang làm một việc có lợi cho xã hội, cho cộng đồng và những người hữu duyên mà thôi.
Đã gắn bó với Thế giới di động khoảng 11 năm, ngoài việc dì dượng gọi anh về điều hành Sông Hương Foods, có nguyên nhân nào khác khiến anh nghỉ việc không?
Tôi ăn chay niệm Phật, không đi chơi buổi tối. Mà ở TGDĐ, là một trong những quản lý cấp cao, thi thoảng họp xong lại đi nhậu, đi giao lưu. Các hoạt động đó trái với con người tôi nên tôi muốn làm chủ, muốn khởi nghiệp để mình được quyền quyết định. Lúc đó nhu cầu của tôi là nhu cầu đi tu chứ không phải nhu cầu về tiền nữa.
Nếu hỏi tôi tiếc nuối lớn nhất của cuộc đời là gì, tôi vẫn sẽ nói là rời TGDĐ hơi sớm. Tôi tiếc vì mình vẫn yêu TGDĐ, tiếc những người đồng nghiệp gắn bó hơn chục năm. Nhưng tiếc nuối vậy, thật ra cái duyên cái phước nó tới, đến đó dứt là dứt thôi.
Vì sao anh đi tu?
Khi một con người thay đổi, phần lớn là do họ gặp một biến cố nào đó trong cuộc đời. Phật dạy, đau khổ là người thầy lớn nhất đời mình, nên khi đau khổ xảy ra, chúng ta nên dừng lại, nhìn lại, để sửa đổi bản thân, để học được một bài học lớn của cuộc đời, mới giúp ta bớt khổ hơn.
Những năm tháng sống nhiều tiền, sống hưởng thụ cũng làm bản thân tôi phải trả giá nên buộc phải thay đổi, buộc phải sống tu tập, sống hướng thiện sám hối để giúp phần đời còn lại, của mình và người thân được bình an.
May mắn lớn nhất đời mỗi con người là biến cố đến sớm và ta có cơ hội được làm lại cuộc đời. Vì cuộc sống khác với cuộc đời, cuộc đời là một quãng đời dài của con người, bao gồm những thăng trầm trong cuộc sống. Còn cuộc sống là những giây phút nhất thời, thắng đó rồi thua đó, nếu ai đó nghĩ cho cuộc đời, thì sẽ không bị những giây phút nhất thời của cuộc sống làm gục ngã mà đánh mất cả cuộc đời.
Trải qua hơn 6 năm tu tập tại gia, mọi thứ tôi trải qua giúp tôi tự tin và kiên định cho hành trình này.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ này!
Nhịp sống kinh tế
Sự kiện: PHỤNG SỰ ĐẤT NƯỚC
Xem tất cả >>- Dấu ấn đồng hành cùng phụ nữ Việt trong hành trình kiến tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội của Number 1 Soya Canxi
- Năng lượng tích cực – Cộng đồng vững mạnh: Những giá trị cốt lõi làm nên sự tin yêu của hàng triệu người Việt với thương hiệu Number 1 suốt hai thập kỷ
- Trưởng CLB Trái tim nhân ái: “Khi giúp đỡ được người khác, lòng tôi thấy yên vui”
- Người đàn ông 24 lần đối diện tử thần, không thể nghe nói và đi lại trở thành “thuyền trưởng” cho nhóm thanh niên trẻ xứ đại ngàn
- Từng bị bắt nạt chỉ vì gương mặt khác lạ, TikToker “triệu view” vượt qua mặc cảm, lan tỏa tri thức đến cộng đồng