Chỉ trong 1 tháng, vì sao Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD để nhập một mặt hàng từ Trung Quốc?
Ngay trong tháng đầu năm 2024, Việt Nam mạnh tay chi tới hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu một mặt hàng từ Trung Quốc. Nguyên nhân hóa ra rất thực tế.
- 27-02-2024Một loại 'vàng trắng' của Mỹ đổ bộ Việt Nam với giá cực rẻ: tăng trưởng gần 200% chỉ trong tháng 1, Việt Nam nhập khẩu đứng thứ 3 thế giới
- 26-02-2024Giá siêu rẻ, 'vàng đen' của Indonesia đang liên tục đổ bộ Việt Nam: nhập khẩu tăng vọt hơn 2.500%, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất điện
- 26-02-2024Xuất hiện 1 ‘cá mập’ mua gạo Việt với giá hơn 1.000 USD/tấn: Soán ngôi Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ 2, nhập khẩu tăng hơn 16.000%
Mặt hàng này chính là sắt thép. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, Việt Nam đã chi hơn 1,6 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm, tăng 20% so với tháng 12/2023 và tăng 77% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số đó, chỉ tính riêng lượng sắt thép các loại, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn, với trị giá khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 151% về lượng và tăng tới 102% về trị giá so với tháng 1/2023. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp lượng nhập khẩu sắt thép các loại của nước ta đạt trên 1 triệu tấn, đồng thời là mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ Trung Quốc. Cụ thể, ngay trong tháng 1/2024, Việt Nam đã chi tới hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc, tăng 181 triệu USD, tương ứng tăng 22% so với tháng 12/2023. Con số này gấp 2,4 lần so với cùng kỳ của năm 2023 và chiếm tới 63% trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm của cả nước.
Tính chung trong cả năm 2023, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt gần 11,13 triệu tấn, với giá trị 8,35 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và tăng 4,5% về giá trị so với năm 2022. Rõ ràng Việt Nam có thể sản xuất và xuất khẩu hàng triệu tấn sắt thép.
Vậy, câu hỏi đặt ra rằng vì sao Việt Nam phải chi tới hơn hàng tỷ USD để nhập khẩu sắt thép từ thị trường Trung Quốc?
Vì sao sắt thép Trung Quốc hấp dẫn doanh nghiệp Việt?
Trong năm 2023, lượng sắt thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, tăng 63% về lượng và tăng 14% về giá trị so với năm 2022. Con số này cũng chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của nước ta.
Theo các chuyên gia, sở dĩ Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu sắt thép của Trung Quốc là vì mặt hàng này ở quốc gia tỷ dân có giá rẻ hơn nhiều so trong nước và các thị trường khác. Điều này cũng gây ra áp lực lớn lên các doanh nghiệp sản xuất sắt thép trong nước, buộc phải sản xuất cầm chừng.
Hơn nữa, lượng nhập khẩu sắt thép tăng là vì nhiều doanh nghiệp dân dụng ở nước ta hiện nay trữ hàng để chuẩn bị cho sự phục hồi, sự trở lại của những dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, theo Plo, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc CTCP Thép Việt, chia sẻ, những dự án đầu tư về hạ tầng giao thông trọng điểm và dự án nhà ở xã hội sẽ tăng, nên dự báo về nhu cầu sắt thép tăng trong năm 2024. Đồng thời do lãi vay ngân hàng đã hạ nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiến hành vay vốn để nhập hàng hóa.
Ngành sắt thép của Việt Nam đã trải qua một năm tương đối khó khăn với thị trường ảm đạm. Thế nhưng, với những tín hiệu tích cực trong các tháng cuối năm 2023, ngành sắt thép Việt Nam có dấu hiệu phục hồi.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong số đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm dự báo tăng 12% lên gần 13 triệu tấn.
Ngành sắt thép của Việt Nam được dự báo là sẽ phục hồi có những tăng trưởng, kéo dài sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) chỉ ra rằng, nhu cầu về thép toàn cầu đã đạt 1,81 tỷ tấn trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng 1,9% lên mức 1,85 tỷ tấn vào năm 2024. Đáng chú ý là nhu cầu thép của ASEAN được kỳ vọng sẽ tăng 5,2% trong năm 2024. Điều này là tín hiệu tích cực cho Việt Nam. Bởi ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của thế giới, chiếm tới 32% thị phần xuất khẩu; trong khi EU và Mỹ đứng thứ 2 và 3, với lần lượt chiếm 28% và 9%.
Bài viết tham khảo nguồn: Customs, VSA, Worldsteel
Đời sống & pháp luật