MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chợ thịt chó bị đóng cửa: Người dân "buồn bã" vì mất món truyền thống

08-08-2023 - 14:05 PM | Tài chính quốc tế

Theo SCMP, việc cấm buôn bán thịt chó mèo ở một khu chợ nổi tiếng ở Indonesia là "động thái lịch sử" trong việc bảo đảm phúc lợi động vật. Tuy nhiên, nhiều người dân tỏ ra không vui trước quyết định này.

Việc buôn bán thịt chó tại một khu chợ nổi tiếng trên đảo Sulawesi của Indonesia đã bị chính quyền chấm dứt chính thức vào tháng trước. 

Bước tiến lịch sử

Theo cư dân Sulawesi, sở thích "ăn bất cứ thứ gì có bốn chân" đồng nghĩa với việc chó và mèo sẽ tiếp tục bị đánh bằng dùi cui, thiêu sống và tiêu thụ trong các bữa tiệc của khu phố.

Tomohon, một thành phố trên cao ở Bắc Sulawesi, có thể tự hào về phong cảnh núi non tuyệt đẹp, những cánh đồng hoa rực rỡ và thời tiết se lạnh, mát mẻ. Nhưng nó cũng là quê hương của khu chợ Beriman nổi tiếng, một nơi mà cẩm nang hướng dẫn du lịch Lonely Planet từng mô tả là "địa điểm không dành cho những người yếu tim".

Du khách có thể bắt gặp hình ảnh những con lợn bị giết thịt treo trên quầy lát gạch trắng, bên cạnh những hàng dơi bị nướng và những con trăn dài hai mét treo trên móc. Chó cũng từng nằm trong số những động vật bị bán tại đây, nhưng vào ngày 21/7, một biểu ngữ cao đã được giăng với nội dung tuyên bố chấm dứt hoạt động buôn bán sau nhiều năm vận động của các nhà hoạt động và người nổi tiếng toàn cầu nhằm loại bỏ hoạt động giết mổ chó và mèo.

Edwin Roring, đại diện thành phố, cho biết: "Mối quan tâm lớn của công chúng quốc tế về sự tàn nhẫn đối với động vật có tác động bất lợi đến ngành du lịch, do đó chính quyền thành phố Tomohon đang thực hiện các bước cần thiết".

Năm 2018, hơn 90 ngôi sao quốc tế, trong đó có nữ diễn viên Mỹ Cameron Diaz, diễn viên hài người Anh Ricky Gervais và người dẫn chương trình Mỹ Ellen DeGeneres đã ký một lá thư kêu gọi Tổng thống Indonesia Joko Widodo cấm buôn bán thịt chó, mèo.

Khả năng lây lan của các bệnh như bệnh dại và sốt lợn châu Phi bắt nguồn từ các hoạt động mất vệ sinh liên quan đến hoạt động buôn bán không được giám sát là một trong những lý do khác được đưa ra cho quy định mới.

Chợ thịt chó bị đóng cửa: Người dân "buồn bã" vì mất món truyền thống ở đám cưới, đám tang - Ảnh 1.

John Karundeng, người đứng đầu cơ quan chăn nuôi và thú y ở Tomohon cho biết: "Hơn 90% chó mèo được bán ở Tomohon đến từ các khu vực có bệnh dại như Nam Sulawesi, Trung Sulawesi, Đông Nam Sulawesi, Gorontalo. Việc buôn bán động vật có khả năng làm tăng lây truyền bệnh dại ở Tomohon".

Nhóm Humane Society International (HSI) mô tả việc đóng cửa khu chợ này là "bước tiến lịch sử". Trước đây, ước tính có hơn 130.000 con chó bị giết thịt tại các chợ truyền thống trên khắp Sulawesi mỗi năm.

"Bắc Sulawesi là tâm điểm của nạn buôn bán thịt chó và mèo ở Indonesia; hoạt động giết mổ khá nhẫn tâm và tồn tại vô số những rủi ro sức khỏe cộng đồng từ việc giết mổ công khai", Lola Webber, giám đốc chiến dịch chấm dứt buôn bán thịt chó của HSI, cho biết.

"Đó là một chiến thắng to lớn cho phúc lợi động vật và an toàn cộng đồng, rằng chó và mèo sẽ không bao giờ bị đánh đập và hành hạ tại chợ Tomohon nữa, và chúng tôi hy vọng thỏa thuận chưa từng có này sẽ đặt ra tiêu chuẩn cho các chợ và các khu vực khác noi theo."

Trong khi các nhà hoạt động vì quyền động vật hoan nghênh quy định mới, họ cũng kêu gọi các nhà chức trách tăng cường thực thi pháp luật, vốn là thách thức chính trong việc đảm bảo phúc lợi động vật ở Indonesia.

"Chúng tôi khuyến khích chính phủ quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi động vật. Indonesia có các quy tắc về phúc lợi động vật, nhưng vấn đề số một là việc thực thi pháp luật yếu kém. Chúng tôi có luật, nhưng nhiều người không biết về chúng", Frank Delano Manus, người phụ trách chương trình của Animal Friends Manado Indonesia, cho biết.

Món ăn đặc trưng của ẩm thực dân tộc

Động thái cấm buôn bán thịt chó chỉ là bước đầu tiên trong một khu vực mà thịt chó và mèo là món ăn đặc trưng của các món ăn dân tộc ở Indonesia.

Trong số những người Minahasan, một nhóm Cơ đốc giáo có nguồn gốc từ Bắc Sulawesi, chó thường được tiêu thụ trong một món ăn gọi là rintek wuuk, có nghĩa là "lông ngắn" và được phục vụ trong đám cưới, đám tang hoặc các sự kiện liên quan đến nhà thờ. Nó cũng có mặt rộng rãi tại các nhà hàng Minahasan trên toàn tỉnh.

"Tôi ủng hộ việc cấm bán chó và mèo sống ở chợ, nhưng theo tôi thì bán thịt chó và mèo cũng không sao, vì virus sẽ bị tiêu diệt khi động vật bị thiêu nhiều lần", Roy Nangka, một người bán dơi, trăn và thịt lợn rừng tại chợ Beriman, nói.

"Chúng tôi đã ăn rintek wuuk qua nhiều thế hệ. Trong một bữa tiệc, trong một nhà hàng, nhất định phải có rintek wuuk. Không có rintek wuuk thì không vui".

Nangka cho biết ông đã bán mèo từ năm 1998 đến năm 2012, khi chính quyền địa phương khuyến nghị những người bán hàng ở chợ ngừng buôn bán chó và mèo do các nhóm bảo vệ động vật giám sát chặt chẽ. Ông cho biết mỗi con mèo sẽ có giá ít nhất 100.000 rupiah (6,6 USD).

Ông vẫn thường xuyên thích ăn thịt chó, món mà theo ông là có kết cấu như "thịt ngựa".

Chợ thịt chó bị đóng cửa: Người dân "buồn bã" vì mất món truyền thống ở đám cưới, đám tang - Ảnh 2.

Ở Bắc Sulawesi, người dân địa phương sẽ ăn bất kỳ động vật nào miễn là nó đã được nấu thành món ăn, sau đó "thịt" sẽ được gọi là ikan, nghĩa là cá, ông nói.

"Tôi thích ăn thịt chó, nhưng tôi mua chúng ở nhà hàng. Chúng tôi không ăn thịt chó ở nhà. Nếu tôi nuôi một con chó và giết nó thì điều đó là không tốt. Sẽ tốt hơn nếu đó là chó của người khác", Nangka nói. "Đó là lý do tại sao thịt chó ở Tomohon được nhập từ bên ngoài. Chó đến từ các tỉnh của người Hồi giáo, vì họ không ăn thịt chúng".

Mặc dù thị trường Beriman sẽ không còn bán thịt chó và mèo, Nangka cho biết người tiêu dùng vẫn có thể lấy thịt trực tiếp từ các nhà cung cấp, những người giao hàng tận nơi.

Tại Langoan, một khu chợ khác cách Tomohon khoảng 45 phút lái xe, việc thui rơm chó vẫn tồn tại và phát triển mạnh. Người mua sẽ trực tiếp chọn một con chó, sau đó người bán sẽ lấy chó ra đánh chết ngay tại chỗ trước khi thui.

Thịt chó cháy sau đó sẽ được cắt thành từng miếng và bán với giá 55.000 rupiah (3,6 USD) mỗi kg. Người dân địa phương cho biết vào buổi sáng hôm đó, người mua đổ xô đi mua thịt chó cho một sự kiện sắp diễn ra ở nhà thờ gần đó.

Tại Tomohon, những người chủ cũ của các lò mổ cho biết họ sẽ tuân thủ quy định mới, mặc dù họ khó có thể từ bỏ tập tục kéo dài hàng thập kỷ này.

"Tôi buôn bán chó, mèo đã 30 năm. Chúng tôi buôn bán chó mèo chỉ tuân theo luật lệ, nhưng với chúng tôi, điều đó rất khó vì điều này sẽ làm giảm thu nhập của chúng tôi", thương nhân Melky Pongoh nói.

Theo Melky, những con chó tại trại của ông đến từ các tỉnh lân cận Gorontalo, Trung Sulawesi, Nam Sulawesi và Đông Nam Sulawesi. Ông cho biết ông kiếm được tới 50 triệu rupiah (3.300 USD) mỗi tháng từ việc buôn bán này, nhưng giờ ông sẽ bán cá nướng.

Elvianus Supongoh, người đã có thâm niên 25 năm trong nghề, cho biết ông từng bán được tới 120 con chó mỗi tháng. Nhưng bây giờ, ông dự định bán cà rốt, bí ngô, tỏi tây và các loại rau khác từ khu vườn rộng 1 ha của mình.

"Chợ không có chó thì người ta sẽ quen với việc không ăn thịt chó", ông nói. "Bản thân tôi đã ngừng ăn thịt chó từ lâu, kể từ khi tôi bị bệnh gút."

Theo Tất Đạt

Phụ Nữ Số

Từ Khóa:
Trở lên trên