Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Bất động sản ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, cần thiết hỗ trợ cho thị trường
Trước những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản đang đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức lớn kể từ sau cuộc khủng hoảng 2011, mới đây Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị giải pháp lên Chính phủ, các ban, bộ, ngành.
- 09-04-2020Những giải pháp hữu hiệu vực dậy thị trường bất động sản sau khi dịch Covid-19 đi qua
- 09-04-2020Giám đốc thị trường vốn Cushman & Wakefiel: 6 nút thắt cần gỡ bỏ để BĐS phục hồi sau đại dịch Covid-19
Ưu tiên hỗ trợ thị trường BĐS du lịch
Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS lớn tại cuộc họp vào 18/2 vừa qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) mới đây đã đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan trung ương về những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn mà thị trường BĐS hiện đang gặp phải. Trong đó, một giải pháp tổng thể đã được thống nhất gửi lên Chính phủ, xoay quanh các gói hỗ trợ thị trường, gỡ vướng pháp lý và tín dụng.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho rằng, bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có ảnh hưởng lớn tới các ngành kinh tế khác như tài chính ngân hàng, vật liệu xây dựng, du lịch dịch vụ…, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân cũng như sự ổn định xã hội.
Hiện nay thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ nửa cuối 2019 và đầu năm 2020, có dấu hiệu giảm sút mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án gặp khó về thủ tục pháp lý. Dịch bệnh đã tác động đến nhiều phân khúc BĐS, nhất là ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng.
Chính vì thế, để hỗ trợ cho thị trường phát triển bền vững, vực dậy sau đại dịch, VNREA đã kiến nghị nhiều giải pháp cấp bách:
Về bất động sản du lịch: Hiện nay theo thống kê của đơn vị này, cả nước có hơn 82.900 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 15.663 nhà phố thương mại, bao gồm các sản phẩm đã đưa vào sử dụng; sản phẩm đã hoàn thiện xây dựng nhưng chưa đưa vào khai thác; sản phẩm đã và đang được xây dựng tập trung ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu… Tổng giá trị ước tính phân khúc BĐS này lên tới hơn 23 tỉ USD.
Lấy dẫn chứng từ Tổng cục du lịch Việt Nam, VNREA cho biết trong 3 tháng thiệt hại do Covid-19 gây ra sẽ ở mức khoảng 5,9 - 7,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở thị trường khách Trung Quốc, quốc tế và nội địa. Cũng theo nghiên cứu bước đầu của Hội đồng tư vấn Du lịch, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp khách sạn ở Cam Ranh, Nha Trang... cho biết tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn chuyên đón du khách Trung Quốc giảm tới 98%, còn các khách sạn phục vụ đa dạng đối tượng khách thì bị hủy đặt buồng trung bình 50% và số lượng đặt buồng tương lai bị hủy tới 70%.
Do đó, theo Hiệp hội này trước mắt cần sự hỗ trợ cấp bách cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, các giải pháp về thuế và tín dụng cần được ưu tiên:
Về chính sách tín dụng: VNREA kiến nghị giảm lãi suất đối với các hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (ví dụ: giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch, 30% cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát); xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp (ví dụ giãn nợ từ 6 tháng đến 1 năm kể từ ngày dịch bệnh được kiểm soát), có gói vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
VNREA kiến nghị giảm lãi suất đối với các hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú
Các giải pháp về thuế: VNREA kiến nghị giãn thời gian nộp các nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế.
Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến về việc miễn visa cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam.
Gỡ vướng pháp lý, thúc đẩy thị trường phát triển sôi động
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam hiện nay bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch bệnh, thì thị trường BĐS còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về pháp lý. Dịch bệnh còn kéo dài và phức tạp nên chắc chắn sẽ tác động lâu dài đến nền kinh tế, cộng đồng DN nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp BĐS. Với 1 dự án BĐS, nếu thực hiện theo đúng quy trình thủ tục thì doanh nghiệp phải mất khoảng 5 năm.
Thời gian bắt đầu triển khai xây dựng dự án đến lúc đủ điều kiện bán hàng cũng mất gần 1 năm nữa. Vì thế, VNREA đã kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp các sắc thuế cho DN bất động sản là 1 năm thay vì 5 tháng.
Theo chủ tịch VNREA, các quy định pháp luật hiện nay về đầu tư, xây dựng, kinh doanh và vận hành bất động sản còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập cần được sửa đổi, hoàn thiện nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư, kinh doanh; bảo đảm sự phát triển minh bạch của thị trường; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân. Chẳng hạn hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều nghị định. Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, gia tăng thời gian và chi phí tuân thủ, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Một điểm quan trọng khác mà VNREA kiến nghị các cơ quan trung ương là cần hoàn thiện văn bản pháp luật về bất động sản du lịch theo Chỉ thị số 11/CT-Ttg theo hướng nghiên cứu bổ sung các sản phẩm shophouse, shoptel và các sản phẩm tương tự và ban hành văn bản về chế độ sử dụng đất đối với các loại hình bất động sản này.
Ở mảng nhà xã hội: Theo VNREA thực tế năm 2019 vẫn chưa có nguồn vốn hỗ trợ cho người mua nhà và doanh nghiệp ở loại hình nhà ở này. Mặc dù theo quy định thì hàng năm nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó 4 ngân hàng Thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1 nghìn tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội. Vì thế, VNREA kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người nghèo mua nhà ở theo 2 kênh như trên.
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19