Đại án Oceanbank: Tiền chi ngoài hợp đồng cho đối tác đang ở đâu?
Từ các lãnh đạo ngân hàng Oceanbank ở Hội sở đến lãnh đạo, nhân viên chi nhánh đều mang cả "tấn tiền" chi lãi ngoài hợp đồng cho đối tác.
- 08-03-2017Phiên tòa sáng 8/3: Bị cáo nói nếu không chi lãi ngoài, OceanBank sẽ đổ vỡ, ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng
- 07-03-2017Đại án OceanBank: “Sao kể về thành tích thì bị cáo nhớ tốt thế?”
- 07-03-2017Phiên tòa chiều 7/3: Báo cáo tài chính cho thấy OceanBank có lãi từ 2011 đến nửa đầu 2014
Chi 1,9 tỷ đồng để VSP lo phong bì cho khách?
Một trong những vấn đề được Tòa án Hà Nội thẩm tra trong quá trình xét hỏi các bị cáo và những người liên quan trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) là vấn đề chi tiền ngoài hợp đồng để “chăm sóc khách hàng” – “chi lãi ngoài hợp đồng”.
Quá trình xét hỏi cho thấy, khi các cơ quan tiến hành tố tụng cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank đã thực hiện chỉ đạo việc thu phí dịch vụ khách hàng qua Công ty BSC Việt Nam – công ty của Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank số tiền gần 69 tỷ đồng thì ông ta không thừa nhận.
Đối chất lời khai của Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu tại tòa.
Cựu TGĐ Oceanbank cho rằng, mình chỉ nhận duy nhất 4 lần với tổng số tiền khoảng 4,5 tỷ đồng từ Hà Văn Thắm. Trong đó, sử dụng 1,9 tỷ đồng để đối tác Vip, Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP) lo “phong bì” cho khách nước ngoài.
Rời Oceanbank để trở về nắm giữ vị trí tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nguyễn Xuân Sơn vẫn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu – người thay ông ta vị trí TGĐ tại ngân hàng lo chăm sóc cho ba khách Vip là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP).
Tổng số tiền chi “chăm sóc” ba khách hàng này của Nguyễn Minh Thu là gần 58 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Minh Thu trình bày, mình phụ trách khối kinh doanh, nếu không có sự chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn thì không trực tiếp chăm sóc 3 khách hàng Vip của ngành dầu khí. “TGĐ ngân hàng nên chăm sóc trực tiếp khách hàng”, bị cáo Thu thuật lại lời của Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo.
Bị cáo Thu khai theo thỏa thuận với kế toán của VSP, 70% số tiền này bị cáo chuyển Võ Quang Huy – Kế toán trưởng của VSP. Số còn lại thì theo yêu cầu của kế toán trưởng thì đưa cho TGĐ. Trước đây là anh Nguyễn Hữu Tiến, sau này là anh Từ Thành Nghĩa.
Đối với PVOIL, bị cáo chi cho TGĐ Nguyễn Xuân Sơn và kế toán trưởng Vũ Trọng Hải. Tổng tỉ lệ là 50%. Đây là theo yêu cầu của TGĐ của PVOIL.
Đối với Công ty BRS là theo yêu cầu của TGĐ Nguyễn Mạnh Tùng giao tiền cho Chủ tịch, TGĐ, Phó TGĐ, kế toán trưởng. Ngoài ra giám đốc chi nhánh của ngân hàng còn chăm sóc ban tài chính kế toán của BRS. Tổng cộng theo số liệu từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014 BRS nhận tiền chăm sóc khách hàng hơn 18 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến vấn đề chi lãi ngoài, bị cáo Nguyễn Trà My – cựu PGĐ Oceanbank Chi nhánh Thăng Long trình bày được lãnh đạo hội sở nhờ chuyển cho ông Nguyễn Tuấn Hùng là Trưởng ban Tài chính của Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) tổng số tiền 11 tỷ đồng.
Bị cáo Trà My cũng chuyển cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam 3 lần với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Trong 3 khách hàng Vip ngành dầu khí được tòa triệu tập, duy nhất chỉ có đại diện của PVOIL có mặt tại phiên tòa. Bà Lê Thị Hoài Giang – đại diện PVOIL tại tòa cho hay, đơn vị này có nhận được văn bản của cơ quan cảnh sát điều tra hỏi về sự việc. PVOIL rà soát lại toàn bộ hệ thống tiền thì khẳng định rằng không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ bị cáo Nguyễn Minh Thu và từ Oceanbank. Người đại diện cũng trình bày đã xác minh lại sự việc từ các cán bộ, lãnh đạo của của đơn vị này.
Trong khi đó, đại diện của PVEP tỏ ra khá ngạc nhiên trước lời khai của bị cáo Trà My. “Nghe bị cáo trả lời tôi rất ngạc nhiên”, người đại diện cho hay. PVEP cho rằng không làm việc với chị Trà My cũng không có chút ấn tượng gì về cán bộ ngân hàng thuộc chi nhánh này.
Đối chất lời khai, bị cáo Trà My cho biết, lúc đó chị ta đang mang bầu những tháng cuối, việc giao dịch đưa tiền chỉ diễn ra chưa đầy 30 giây nên PVEP không ấn tượng gì về chị là chuyện bình thường.
Đại diện của TCT Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng phủ nhận nhận lãi ngoài từ Oceanbank.
Lãi ngoài hợp đồng, không có giấy tờ
Trong phần trình bày của mình, trả lời chủ tọa việc chi lãi ngoài với số tiền lớn hàng tỷ đồng, có giấy tờ biên nhận? Bị cáo Nguyễn Minh Thu cho biết, việc chuyển tiền không có giấy biên nhận.
Theo bị cáo, những người nhận tiền không chấp nhận có giấy biên nhận. Về lý do, chi tiền tỷ không cần giấy tờ, cựu TGĐ cho biết, Hà Văn Thắm đã đồng ý phê duyệt chi không cần giấy biên nhận vì đây là khoản chi lãi ngoài, lãi huy động vốn. “Thực tế khách hàng không ký”, bị cáo Thu cho hay.
Thực tế theo lời khai của các bị cáo khác tại tòa cho thấy, trong việc chi lãi ngoài là theo thỏa thuận, không ký giấy tờ.
Sau khi sự việc xảy ra, khi các giám đốc chi nhánh đi đòi nợ, một số khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp trả lại tiền nhưng cũng không lập chứng từ. Một số thì trả tiền lại cho ngân hàng qua người trung gian.
Theo tài liệu của cơ quan cảnh sát điều tra, trong thời gian từ năm 2011 - 2014 có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do OceanBank chi trả.
Trong số đó có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức thuộc PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin) có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên của OceanBank nhận các khoản tiền lãi để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã gửi công văn đến 392 tổ chức kinh tế có tiền gửi tại OceanBank trong giai đoạn 2011 - 2014, yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến việc gửi tiền, nhận tiền lãi ngoài lãi suất tiền gửi và nộp lại số tiền lãi hưởng lợi bất chính từ hành vi chi sai lãi ngoài của OceanBank.
Đến nay đã có 143 tổ chức kinh tế có văn bản trả lời, trong đó 19 đơn vị khẳng định có nhận tiền lãi ngoài của OceanBank và nộp lại hơn 3 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. 123 tổ chức có trả lời nhưng khẳng định không nhận được tiền chi lãi, hiện còn 249 tổ chức chưa trả lời. Quá trình diễn biến phiên tòa, nhiều khách hàng đã tìm đến chi nhánh của Oceanbank để trả lại tiền hưởng lợi từ lãi suất ngoài hợp đồng.
Tài liệu tố tụng cho biết, với hành vi chi chăm sóc khác hàng, lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, các bị cáo đã gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.700 tỷ đồng./.
VOV
Sự kiện: Xét xử vụ Hà Văn Thắm
Xem tất cả >>- Vụ Hà Văn Thắm: Ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố
- Hà Văn Thắm: Nếu chi lãi suất ngoài gây thiệt hại cho Oceanbank thì bản thân cũng mất ngàn tỷ
- Yêu cầu làm rõ trách nhiệm để thất thoát 800 tỷ của PVN đầu tư vào OceanBank
- Hoãn phiên tòa, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ Hà Văn Thắm
- Hình ảnh các bị cáo Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh trong chiều mưa tầm tã