Đau hàm sau khi ngủ dậy là dấu hiệu cảnh báo 6 vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chớ coi thường!
Nếu bạn đang phải vật lộn với những cơn đau hàm dai dẳng sau khi ngủ dậy, đừng ngại ngần tìm tới các chuyên gia y khoa để được tư vấn.
- 30-04-2022Chăm làm 2 thói quen tốt này mỗi ngày để tránh bệnh ung thư: Việc đơn giản ai cũng làm được
- 27-04-20225 thói quen là "tội đồ" hại não: Số 1 nhiều người biết nhưng vẫn làm, muốn sống khoẻ thì thay đổi ngay kẻo hối hận không kịp
- 24-04-2022Loại bệnh gây tổn thọ 5 năm: Càng lớn tuổi càng nguy hiểm, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đột quỵ, thay đổi ngay kẻo hối hận
Cảm thấy đau hàm sau khi thức dậy vào buổi sáng là tình trạng không ít người mắc phải. Cơn đau có thể khiến bạn khó ngáp, nói chuyện, nhai và thậm chí gây ảnh hưởng tới công việc hàng ngày. Dưới đây là tổng hợp một số nguyên nhân dẫn tới hiện tượng đau hàm sau khi ngủ dậy và lời khuyên đến từ chuyên gia:
Đau hàm sau khi ngủ dậy do nghiến răng khi ngủ
Nghiến răng có thể xảy ra một cách vô thức và thường xuất hiện vào ban đêm.
Nghiến răng là một trong những lý do phổ biến nhất khiến hàm bị đau sau khi thức dậy. Hiện tượng này thường xảy ra vào ban đêm và là một thói quen vô thức không ít người mắc phải.
Craig Ratner, nha sĩ kiêm cựu chủ tịch Hiệp hội Nha khoa New York cho biết, nghiến răng cũng giống như thói quen xoay người khi ngủ nên bạn có thể không biết bản thân đang thực hiện điều này cho tới khi cảm thấy đau.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng nghiến răng khi ngủ là vấn đề về hàm. Nha sĩ Craig giải thích, bộ não muốn răng, hàm và tất cả các cơ xung quanh đầu, cổ phải ở vị trí thoải mái nhất khi ngủ. Vì vậy, nếu cảm thấy khó chịu, cơ thể sẽ tự cử động hàm để cố gắng tránh cảm giác khó chịu.
Ngoài đau hàm và mỏi cơ hàm, các dấu hiệu khác cho thấy bạn đang nghiến răng khi ngủ bao gồm mẻ răng, răng lung lay, mòn men răng, tăng độ nhạy cảm của răng, đau đầu hoặc mặt, đau âm ỉ ở thái dương và mắc rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ).
Mặc dù không thể ngăn chặn thói quen vô thức này, mọi người vẫn có thể áp dụng một số biện pháp để bảo vệ răng và tránh những cơn đau xảy đến.
Theo nha sĩ Craig, máng chống nghiến răng là dụng cụ được dùng phổ biến để hạn chế hai hàm cọ xát vào nhau trong vô thức.
Tuy nhiên, nếu tình trạng nghiến răng trở nên nghiêm trọng và những cơn đau kéo dài hoặc rất dữ dội, bạn nên đến gặp chuyên gia y khoa càng sớm càng tốt. Nha sĩ Craig đã chỉ ra, họ có thể sử dụng thiết bị giúp điều chỉnh vị trí hàm. Từ đó giảm bớt áp lực lên răng và cơ.
Ngoài ra, kiểm soát mức độ căng thẳng cũng là vấn đề không kém phần quan trọng vì chúng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng nghiến răng trong vô thức.
Đau hàm sau khi ngủ dậy do tư thế ngủ xấu
Ngủ trong tư thế xấu có thể khiến hàm và các cơ liên quan của đến bộ phận này bị kéo căng, dẫn đến tình trạng đau nhức hàm sau khi thức dậy.
Theo nha sĩ Craig, ngủ sai tư thế làm mất cân bằng các cơ nâng đỡ đầu và cổ. Những cơ này ảnh hưởng không nhỏ tới vị trí và hoạt động của hàm. Do đó, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy nằm ngủ ở tư thế xấu thường gây đau đớn sau khi thức dậy.
Dù hiện nay không có tư thế ngủ giúp ngăn ngừa tình trạng đau hàm, bạn vẫn có thể thực hiện một số việc làm nhằm đảm bảo đầu và cổ được đặt ở vị trí thoải mái nhất khi ngủ. Nha sĩ Craig đã chỉ ra, sử dụng một chiếc gối phù hợp là yếu tố quan trọng vì nằm nghiêng kết hợp với đầu không được tựa ở vị trí tốt có thể dễ dàng dẫn tới căng cơ.
Thói quen vận động
Cử tạ và các bài tập đòi hỏi hoạt động mạnh như chạy có thể làm căng cơ hàm.
Thói quen tập thể dục hàng ngày cũng có thể là lý do khiến bạn cảm thấy đau nhức quai hàm sau khi thức dậy. Theo nha sĩ Craig, một số người có thói quen nghiến răng trong khi thực hiện các bài tập cường độ cao, đòi hỏi vận động mạnh và điều này rất dễ dẫn tới căng cơ hàm. Ngoài ra, tập luyện quá sức cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng đau cơ.
Để khắc phục, bạn có thể sử dụng máng chống nghiến răng hoặc đến gặp nha sĩ để mua thiết bị giúp bảo vệ răng. Nha sĩ Craig khuyên, hãy cẩn thận với những dụng cụ này vì đôi khi chúng có thể đặt hàm vào một vị trí gây đau đớn.
Ngưng thở khi ngủ
Đau hàm vào buổi sáng có thể bắt nguồn từ tình trạng ngưng thở khi ngủ, chứng rối loạn giấc ngủ làm ảnh hưởng tới quá trình hít thở khi ngủ.
Nha sĩ Craig cho biết, nhiều người mắc chứng ngưng thở khi ngủ phàn nàn về tình trạng đau quai hàm mãn tính. Nguyên nhân là do vị trí của hàm có liên quan tới vấn đề về giấc ngủ này.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra não bộ sẽ làm tất cả để giữ cho đường thở hoạt động bình thường, trong đó có việc nghiến răng, buộc cơ hàm phải di chuyển vào vị trí không gây cản trở đường thở.
Ngoài đau hàm, các triệu chứng khác cảnh báo chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm, ngáy to, thở hổn hển khi ngủ, nhức đầu vào buổi sáng, cảm thấy miệng khô sau khi ngủ dậy, khó ngủ hoặc mất ngủ, quá mức buồn ngủ vào ban ngày, khó chú ý khi tỉnh táo và dễ cáu gắt.
Nếu bạn đang nghi ngờ bản thân mắc chứng ngưng thở khi ngủ, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ để khám và nhận được chẩn đoán chính xác. Những người đang đối mặt với tình trạng này có thể sử dụng một số thiết bị giúp điều chỉnh vị trí của hàm và khiến cho đường thở không bị cản trở.
Thực phẩm chứa chất kích thích
Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể gây căng thẳng cho cơ thể và góp phần làm đau hàm nếu tiêu thụ ngay trước khi ngủ.
Theo nha sĩ Craig, thực phẩm chứa chất kích thích như caffeine, có thể ảnh hưởng tới não và gây căng thẳng. Từ đó góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng nghiến răng vào ban đêm. Rượu và các chất khác cũng góp phần dẫn tới điều này. Viện Mayo giải thích, đồ uống có cồn làm giãn các cơ ở sau cổ, từ đó có thể cản trở quá trình thở.
Vì vậy, mọi người nên tránh tiêu thụ những thực phẩm và đồ uống này trước khi ngủ. Cắt giảm caffeine, hạn chế uống rượu trước khi đi ngủ vài giờ vừa giúp ngăn ngừa cảm giác khó chịu sau khi thức dậy vừa đảm bảo chất lượng giấc ngủ.
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)
Đau hàm vào buổi sáng thường là dấu hiệu cảnh báo tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm. Theo nha sĩ Craig, cứ 12 người thì có 1 người mắc TMJ. Đôi khi những yếu tố khác như tư thế xấu, thiếu răng, răng mọc sai vị trí hoặc lệch khớp cũng góp phần dẫn tới tình trạng này.
Ngoài đau hàm và đau mặt, người mắc TMJ còn gặp phải một số vấn đề khác như đau đầu, đau cổ, tắc nghẽn tai và xoang, chóng mặt. Nếu nghi ngờ bản thân mắc TMJ, bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Nha sĩ Craig đã chỉ ra, bác sĩ có thể giúp bạn giải quyết tình trạng này, từ sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng, kiểm soát căng thẳng cho đến tiến hành chỉnh hình hàm.
(Nguồn: Livestrong)
Trí thức trẻ