Đây là lý do quả hồng được ví như 'trái cây của các vị thần'
Đây là lý do quả hồng được ví như 'trái cây của các vị thần'
- 29-04-2023Truy tìm cây xoài được ca ngợi đẹp nhất Việt Nam, quả hồng đỏ như "đào tiên", ai đi qua cũng dặn lòng không nỡ hái
- 17-10-2022"Một quả hồng, mười vị thuốc" - Đặc sản mùa gió về chị em không nên bỏ qua
- 12-09-2022Những lưu ý ‘sống còn’ khi ăn quả hồng, biết để tránh kẻo ngộ độc, tắc ruột
Quả hồng có nguồn gốc từ Trung Quốc, được người dân tại đây trồng từ hàng nghìn năm trước. Cho tới nay, quả hồng được trồng ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới và được yêu thích bởi hương vị ngọt như mật ong.
Quả hồng được gọi với nhiều cái tên khác nhau như “Trái táo phương đông”, “Trái cây của các vị thần”, “Viên kẹo của thiên nhiên”... Sở dĩ, quả hồng được gọi với nhiều cái tên mỹ miều như thế là do giá trị dinh dưỡng và hàng loạt lợi ích sức khỏe mà nó có thể mang lại cho con người.
Giàu dinh dưỡng
Mặc dù kích thước nhỏ nhưng hàm lượng dinh dưỡng của quả hồng rất ấn tượng. Theo trang tin Healthline, một quả hồng Nhật Bản nặng 168g chứa 118 calo; 31g carb; 1g chất đạm; 0,3g chất béo; 6g chất xơ; 15% DV (giá trị hàng ngày) vitamin A; 14% DV vitamin C; 8% DV vitamin E; 4% DV vitamin K; 10% DV vitamin B6; 6% DV kali; 21% DV đồng; 26% DV mangan.
Ngoài ra, quả hồng cũng chứa một lượng vitamin B1, B2, B9, magiê và phốt pho. Trong quả hồng có nhiều hợp chất thực vật bao gồm tannin, flavonoid và carotenoids.
Chống oxy hóa rất tốt
Các hợp chất thực vật trong quả hồng có tác dụng chống oxy hóa rất tốt. Các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào nhờ việc chống lại quá trình stress oxy hóa (được kích hoạt bởi các gốc tự do).
Stress oxy hóa liên quan tới các bệnh mạn tính như bệnh tim, đái tháo đường, ung thư hoặc các bệnh liên quan tới hệ thần kinh, ví dụ như Alzheimer. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa các chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc các loại bệnh này.
Trong quả hồng còn có chất chống oxy hóa mạnh là beta carotene. Đây là sắc tố trong nhiều loại trái cây hoặc rau củ có màu sắc rực rỡ. Theo một nghiên cứu năm 2016, chế độ ăn chứa nhiều beta carotene giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi, ung thư đại tràng và các bệnh chuyển hóa.
Một nghiên cứu khác vào năm 2015 cho thấy, những người ăn nhiều thực phẩm giàu beta carotene giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2.
Tốt cho tim mạch
Một số nghiên cứu cho thấy, các chất chống oxy hóa có lợi của quả hồng, gồm quercetin và kaempferol, liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Một nghiên cứu năm 2012 trên hơn 98.000 người cho thấy, những người tiêu thụ nhiều nhất thực phẩm chứa các chất chống oxy hóa có tỷ lệ tử vong, do các vấn đề liên quan đến tim mạch ít hơn 18% so với những người tiêu thụ ở mức thấp nhất.
Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa giúp giảm huyết áp, mỡ máu có hại và giảm viêm nhiễm, cuối cùng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, tannin - một chất tạo vị chát của quả hồng - đã được chứng minh có thể giúp giảm huyết áp.
Giảm viêm nhiễm trong cơ thể
Viêm nhiễm là yếu tố dẫn tới các bệnh mạn tính. Tiêu thụ các thực phẩm chứa chất chống oxy hóa như quả hồng có thể giúp giảm viêm nhiễm.
Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh có nhiều trong quả hồng. Loại vitamin này giúp bảo vệ tế bào không bị hư hại bằng cách vô hiệu hóa các gốc tự do.
Ngoài ra, trong quả hồng còn chứa các carotenoid, flavonoid và vitamin E. Tất cả các chất này đều là chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng chống viêm nhiễm trong cơ thể.
Giàu chất xơ
Tiêu thụ quá nhiều cholesterol, đặc biệt là cholesterol “xấu” LDL có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ. Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, chẳng hạn như quả hồng, có thể giúp giảm mức cholesterol “xấu”.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy những người trưởng thành ăn 3 chiếc bánh quy có chứa chất xơ từ quả hồng mỗi ngày trong vòng 12 tuần đã giảm đáng kể lượng cholesterol LDL.
Chất xơ cũng làm chậm quá trình tiêu hóa carb và hấp thu đường, từ đó ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến. Chất xơ cũng giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn bằng cách nuôi dưỡng hệ lợi khuẩn đường ruột và thúc đẩy hoạt động của nhu động ruột.
vtc.vn