ĐHĐCĐ HVG: Huỷ thoái vốn khỏi Sao Ta, lên kế hoạch lợi nhuận 400 tỷ
"Chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch bảo thủ, tức là sẽ không nói nhiều về các dự báo nữa" - ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG nói.
- 14-03-2017Hùng Vương lên kế hoạch lãi 400 tỷ đồng năm 2017, cổ phiếu HVG tăng kịch trần
- 18-02-2017Hùng Vương (HVG): Quý 1/2017, lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ chưa đến 10 tỷ đồng
- 03-02-2017Hùng Vương (HVG): Sau kiểm toán, doanh thu bốc hơi hơn 2.000 tỷ đồng, lỗ ròng 49 tỷ đồng
- 04-01-2016Thuỷ sản Hùng Vương có còn là “ngôi sao cá tra”?
Sáng nay, tại TP.HCM Công ty CP Hùng Vương (HVG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Theo tài liệu ĐHĐCĐ, HVG tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu khoảng 20,000 tỷ, tăng 11% so với năm 2016. Lợi nhuận dự kiến đạt khoảng 400 tỷ. Toàn bộ lợi nhuận được giữ lại để xử lý khắc phục nguồn vốn âm trên BCTC cho công ty mẹ.
Không chia cổ tức năm 2016 và 2017
Cụ thể, công ty đặt mục tiêu cho 2 năm liên tiếp, với mức tăng trưởng ổn định. Doanh thu 2017 và 2018 lần lượt đạt 20.000 và 25.000 tỷ đồng; lợi nhuận cũng lần lượt đạt 400 và 700 tỷ đồng.
Chỉ tiêu này gây bất ngờ bởi năm 2016, Thủy sản Hùng Vương lỗ 49 tỷ đồng sau kiểm toán trong khi trước đó trên BCTC tự lập của công ty báo lãi ròng đến 308 tỷ đồng. Nguyên nhân có sự chênh lệch lớn này, theo giải trình từ phía công ty là do ghi nhận sai về doanh thu.
Về cổ tức, năm 2016, Hùng Vương không trả cổ tức do kinh doanh thua lỗ. Năm 2017, HĐQT tiếp tục đề xuất không thực hiện chia cổ tức để xử lý khắc phục nguồn vốn âm trên BCTC công ty mẹ. Dự kiến trong tháng 7/2017 dựa trên kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm thống kê về doanh thu và lợi nhuận, HVG sẽ xin ý kiến tổ chức đại hội cổ đông bất thường bàn về việc có nên chia cổ tức 10% bằng tiền mặt trong năm 2017 hay không.
Theo HĐQT, năm 2017, công ty sẽ tích cực thu hồi lợi nhuận từ các công ty con và công ty liên kết. Năm 2016, việc này đã không được thực hiện do Việt Thắng và Sao Ta đang thực hiện nhiều dự án đầu tư mở rộng kinh doanh nên cần giữ lại lợi nhuận; hoạt động kinh doanh của Agifish và các đơn vị khác không thuận lợi nên lợi nhuận không khả thi.
Công ty dự kiến tập trung vào 2 hướng chính là thuỷ sản và chăn nuôi. Trong đó, cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng khả quan nhất trong ngành thủy sản cả về giá trị lẫn sản lượng. Giá trị xuất khẩu dự kiến tăng 5%, ước đạt 7.5 tỷ USD. Nhu cầu xuất khẩu cá tra tăng dự kiến tăng 20%. Dự báo cho thấy sản lượng xuất khẩu cá tra đang thiếu hụt đến 50%.
Với lĩnh vực chăn nuôi, theo HVG, năm 2017, dự án chăn nuôi heo là bước đi mới trong chiến lược của doanh nghiệp. Hiện tại công ty đang phát triển lĩnh vực này tại An Giang và Bình Định với công nghệ từ Đan Mạch (từ nguồn heo giống, hệ thống thiết bị chuồng trại, đến đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn, thuốc thú y...).
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG, cho biết thêm những chương trình đầu tư của doanh nghiệp từ 2015 đến nay đều đạt hiệu quả cao và đúng tiến độ. "Thị trường tuy có những thông tin trái chiều về HVG, tuy nhiên những chương trình đầu tư của chúng tôi không hề bị gián đoạn", ông Minh nói.
Trong năm 2017, HVG sẽ tiếp tục phát triển, trong đó chuyển trước 2.500 con heo giống ra Bình Định để hoàn thành mục tiêu phát triển trên 10.000 con heo bố mẹ. Tại An Giang, đây sẽ là trung tâm giống 1.500 con cụ kị cộng tái đàn, 1.000 con ông bà. Với quy hoạch đó, năm 2017, HVG sẽ hoàn thành chương trình phát triển con giống.
Đối với dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi Việt Thắng tại Long An, HVG sẽ khởi công vào tháng 6/2017. Tháng 4/2017 tiếp tục khởi công nhà máy Remic ở Long An, trong đó HVG góp 25% vốn, nhà máy cung cấp ở 4 thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Philippins và Hàn Quốc. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Ngoài ra, phần lớn trong số 12 công ty con và 10 công ty liên doanh liên kết của HVG hoạt động trong ngành thủy sản, trong đó có những công ty có vị thế đáng kể trên thương trường. Lợi thế này giúp HVG đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng năng lực sản xuất, nâng cao khả năng tự chủ về nguyên liệu…
Số nợ vay so với tài sản vẫn an toàn
Đặc biệt, trong tháng 3/2017 có thông tin HVG đang tính toán đến chiến lược thoái vốn khỏi công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Được biết, HVG à cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 54,28% vốn điều lệ của Thực phẩm Sao Ta. Hùng Vương sẽ nhận về gần 49 tỷ đồng cổ tức từ FMC. Tuy nhiên, ông Minh khẳng định rằng doanh nghiệp đã thu xếp được vốn đầu tư, do vậy sẽ huy kế hoạch này.
Với thông tin về việc tập đoàn CJ nhiều lần gặp gỡ bàn kế hoạch "thâu tóm" công ty Việt Thắng, tuy nhiên, HVG đã hủy kế hoạch này do không đạt kỳ vọng về giá. Gần đây có một công ty của Nhật Bản cũng đặt vấn đề mua Việt Thắng, nhưng HVG khẳng định sẽ không bán.
Đặc biệt, hai khu đất có diện tích lớn tại quận 6 cũng đã được hai đối tác đặt vấn đề mua lại với giá trị gần 550 tỷ đồng, nhưng HVG cũng từ chối do chưa đến thời điểm để bán tháo tài sản. Riêng tại khu công nghiệp Tân Tạo, HVG đang sở hữu hơn 10ha đất, tương đương 26 triệu USD; và hơn 5ha đất sạch tại khu công nghiệp Hiệp Phước có giá 250 USD/m2 (trong khi lúc HVG mua chỉ khoảng 100 USD/m2)...
"Nếu thực hiện thoái vốn chúng tôi có thể thu về hàng nghìn tỷ, nhưng vẫn không làm vậy vì đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn cho các kế hoạch sắp tới. Việc trong năm 2016 HVG có số lỗ trên là do tình hình thị trường thay đổi quá nhanh, chúng tôi không trở tay kịp. Trong vòng một tháng, chênh lệch vấn đề nhập khẩu gần 30 triệu USD, các doanh nghiệp trong ngành chế biến phải bán đổ bán tháo để giải quyết vấn đề tài chính với ngân hàng. Chúng tôi không lừa đảo hay gạ gẫm bất kỳ cổ đông nào. Hiện nay, chúng tôi còn hàng chục tấn cá trong kho (trên 35.000 tấn) và dưới ao đã đủ khả năng sản xuất từ nay đến cuối năm. Năng lực tài chính hơn 3.000 tỷ đồng (vốn vay từ 2 ngân hàng và trái phiếu) sẽ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn ngắn hạn này", ông Minh trả lời các cổ đông.
Thảo luận:
Cổ đông đang thảo luận cùng HđQT
Cổ đông: Trước đây công ty HVG có đầu tư sang Nga, vậy hiện nay kế hoạch này ra sao mà không thấy lãnh đạo công ty đá đọng đến? Lợi nhuận quý 1/2017 đã xoá được khoản lỗ 49 trong năm 2016 của công ty chưa?
Ông Minh: Chương trình đầu tư tại Nga, HVG đã mất thương vụ này nhưng không phải do lỗi của chúng tôi, mà do thủ tục hành chính của chúng ta quá mất thời gian trong khi Nga chỉ cho chúng ta có 2 tháng để hoàn thành. Sau khi thực hiện các thủ tục ở cấp dưới, chúng tôi nộp hồ sơ lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mất nhiều thời gian xin phép và lấy ý kiến khắp nơi, các thủ tục vẫn không thực hiện được.
Về khoản thua lỗ 49 tỷ đồng, chúng tôi dư sức xoá nợ trong 6 tháng đầu năm nay mà còn báo cáo có lãi tốt từ lợi nhuận các công ty con chuyển về. Có khả năng năm nay 1 cổ phiếu của Asifish từ 5.000 đồng/cp, FMC cũng vậy và riêng chỉ Việt Thắng giữ lại để thực hiện các kế hoạch đầu tư mới.
Cổ đông: Trong năm 2017 nay Hùng Vương sẽ giải quyết các khoản nợ vay cao của mình như thế nào?
Ông Minh: Đến năm 2018 HVG sẽ đạt được mục tiêu doanh thu 30.000 tỷ đồng, giảm sâu nợ các ngân hàng. HVG hiện có vay ngân hàng thì chỉ dùng trả nợ hiện hữu và tái cấp vốn đầu tư cho một số chương trình sắp tới. "Tôi thành thật xin lỗi do tôi đã đưa ra những dự báo sai về thị trường, chỉ biết dự báo giá cá tra càng ngày càng lên chứ không ngờ tình hình đảo chiều quá nhanh do vấn đề Brexit. Chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch bảo thủ, tức là sẽ không nói nhiều về các dự báo nữa", ông Minh thừa nhận.
Trao đổi với nhiều cổ đông về số nợ hiện hữu của HVG, ông Minh cho biết hàng tồn kho tương đương gần 6.000 tỷ đồng và hàng loạt tài sản trị giá hàng chục triệu USD khác, do vậy số nợ của HVG vẫn trong ngưỡng an toàn. "Hùng Vương sẽ có lộ trình trả nợ hàng tháng, tiến đến tháng 9 năm trả nợ Vietcombank 70% và BIDV 50%", ông Minh khẳng định.
Trí Thức Trẻ
- ĐHCĐ Đạt Phương: Dự kiến niêm yết HOSE trong tháng 5, doanh thu 2019 có thể tăng 50-60%
- ĐHĐCĐ Searefico: Quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn khi thị trường cung cấp 83% doanh thu đang bị đe dọa
- Lãi đậm năm 2017, Mía đường Sơn La vẫn dè dặt đặt mục tiêu lãi sau thuế năm 2018 giảm 66% so với cùng kỳ
- Cổ đông Cao su Quảng Nam bất ngờ đề nghị hủy niêm yết tự nguyện, chuyển sang giao dịch trên UpCOM
- Cao su Quảng Nam (VHG): Mục tiêu lỗ 200 tỷ đồng năm 2017, thoái vốn tại Công nghiệp Cao su Quảng Nam xuống dưới 35%