KTS Chi Mai: Đưa nét mơ màng của người xứ Huế vào thiết kế, thừa nhận chinh phục khách hàng ‘người thân’ là khó nhất!
Trải qua hơn một thập kỷ gắn bó với nghề KTS, KTS Chi Mai thực hiện nhiều công trình có sự kết hợp hài hòa giữa nét xưa và mới, cân bằng giữa kiến trúc – văn hóa Á Đông và không gian đương đại.
- 15-09-2023Hyundai Palisade giá từ 1,469 tỷ đồng tại Việt Nam: Ngang cỡ Explorer nhưng 'rẻ' như Everest, dễ lấy khách của phân khúc dưới
- 15-09-2023Phiên đấu giá biển số xe lịch sử: 2 biển 55.555 được trả gần 17 tỷ, "đại gia" nào sở hữu?
- 15-09-2023Đôi bạn thân chi gần 1 tỷ khám phá 10 nước châu Phi và trải nghiệm thót tim khi gặp linh cẩu săn mồi
Năm 2017, KTS Trần Ngọc Chi Mai đã sáng lập văn phòng kiến trúc mang tên LimDim House. Từ đó, chị cùng những người cộng sự của mình đã thực hiện nhiều dự án thú vị. KTS Chi Mai luôn mong muốn truyền tải cảm giác bình yên, cởi mở và thư giãn trong các dự án của mình, để mọi người đều có một không gian để tận hưởng.
Là người con xứ Huế, KTS Chi Mai - Founder LimDim House gây ấn tượng với nhiều công trình kiến trúc nhà ở, văn phòng ở Huế, mang đậm nét quê hương và văn hóa Á Đông. Nhiều công trình của chị và cộng sự đã xuất hiện trên các tạp chí kiến trúc quốc tế nổi tiếng như Archdaily, Dezeen… Trong quá trình gần một thập kỷ gắn bó với nghề kiến trúc sư cùng kinh nghiệm và trải nghiệm đặc biệt, KTS. Chi Mai đã có những chia sẻ về công việc thiết kế và kiến trúc.
KTS Chi Mai - Founder LimDim House
- Họ tên: Trần Ngô Chi Mai
- Năm sinh: 1991
- Số năm kinh nghiệm: 10 năm
- Nhà sáng lập, điều hành công ty thiết kế LimDim House.
- Công trình nổi bật: Jalousie House, Chum Villa, Le Condé House… Trong đó có nhiều công trình xuất hiện trên tạp chí kiến trúc danh tiếng của Mỹ như: Le Condé House, Tranquille House, Jalousie House,...
Nghề KTS như một cuộc hành trình, những vị khách “khó làm việc” nhất là người thân và bạn bè
Cơ duyên nào khiến chị quyết định lựa chọn trở thành 1 KTS? Hành trình để trở thành 1 KTS của chị và trở thành founder của Limdim House diễn ra như thế nào?
Vì yêu thích cái đẹp và hứng thú nhiều về không gian từ thuở cấp 3 nên tôi quyết định chọn nghề kiến trúc sư và theo đuổi đến bây giờ. Cũng phải trải qua rất nhiều thời gian để nhận ra lý tưởng riêng dành cho ngành này, và đến một ngày tôi thấy việc mình đang làm có những giá trị riêng, vừa là làm nhưng cũng là hưởng thụ những gì mình yêu thích. Quá trình làm việc với tư cách một KTS và thành lập LimDim House cũng sẽ có những lúc khó khăn, cũng có những lúc thuận lợi. Chủ yếu đối mặt với khó khăn mình phải biết cách cố gắng và tận dụng chúng như một bàn đạp để phát huy hết khả năng của mình.
Những năm đầu đi làm việc định hình phong cách thiết kế cũng là một việc khó, bản thân phải biết mình mạnh gì, thích gì, nên tiết chế gì. Bước chân vào con đường thiết kế thì việc người khác tin tưởng bạn tới đâu là điều vô cùng quan trọng. Ngoài chuyên môn tốt thì việc biết cách trình bày cũng như thuyết phục khách hàng là điều tiên quyết để công trình từ bản vẽ có thể thành hình một cách chính xác nhất. Để vượt qua những khó khăn trên thì đầu tiên là phải tin bản thân, bên cạnh đó việc học hỏi càng nhiều từ thực tế, trải nghiệm sống, quan sát là vô cùng quan trọng cho ngành nghề.
Tôi tạo ra LimDim House thật sự không nằm trong mục đích ban đầu khi ra trường đi làm, mà chỉ là cơ duyên đưa đẩy LimDim House ra đời. Tôi muốn tạo dựng một không gian làm việc mà ở đó tôi thoải mái sáng tạo và cùng các bạn làm việc theo nhóm để mọi người có không khí đi làm nhưng lại vô cùng thoải mái và đầy cảm hứng, yêu thích sản phẩm mình làm ra.
Trong nhiều năm làm KTS, thiết kế nhiều công trình, chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đặc biệt của mình với nghề KTS?
Kỷ niệm về việc nghề thì gắn liền với các dự án, trong đó những dự án với bài toán khó đặt ra từ đầu luôn là những công trình mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Những dự án như này thì tôi nghĩ không riêng bản thân mà ai khi tham gia vào công việc thiết kế đều ít nhiều gặp phải. Có những khó khăn hay “oái ăm” mang tính chất về sáng tạo hay kỹ thuật thì sẽ kích thích tôi vì một bài toán khó sẽ đánh thức bản tính thích chinh phục của người giải qua đó tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng và độc đáo.
Kỷ niệm thú vị là ba mẹ cũng chính là khách hàng của tôi cho căn Tranquille. Người thân và bạn bè là những tệp khách hàng khó làm việc nhất, dễ rạn nứt tình cảm khi không có tiếng nói chung. Nhưng may thay sự quyết đoán của tôi và cộng sự đã thuyết phục được ông bà cho những tư duy mới.
Trong số những công trình mình đã làm, chị có thể chia sẻ chi tiết về 1-2 công trình mà chị đặc biệt ấn tượng?
Căn Chum villa là một trong những căn mà tôi nghĩ bản thân và cộng sự thấy vui vì sau bao vất vả mình đã giải được bài toán khó của việc cân bằng giữa nét xưa và mới, cân bằng giữa kiến trúc – văn hóa Á Đông nhưng công năng vẫn phải hiện đại, hợp lý cho gia chủ sinh hoạt. Chum villa có hiện trạng là một căn nhà sàn cũ của người ba để lại cho con sau bao năm để không, cây cối um tùm, xuống cấp. LimDim đã thiết kế lại toàn bộ công năng cũng như nội ngoại thất, sân vườn nhưng vẫn giữ lại kiến trúc nhà sàn và phát huy thêm để đưa vào sinh hoạt cho gia đình đầy đủ 2-3 thế hệ sinh sống.
Le Condé House cũng là một công trình mang lại nhiều cảm xúc thú vị cho tôi và cộng sự. Công trình này thuộc phong cách industrial, có những mảng tường trang trí lộ gạch thô nhưng thợ làm mãi vẫn chưa đúng ý của thiết kế nên buộc tôi cầm bay thợ nề để thi công những mảng lộ cho đúng ý đồ của mình. Công cuộc chọn đèn, đặt đèn cũng cầu kỳ hơn. Nhưng bù lại sau khi hoàn thành công trình team thiết kế lẫn thi công đều có những trải nghiệm khó quên.
Nơi làm việc của KTS cần phải ĐẸP để có cảm hứng sáng tạo ra những công trình ấn tượng
Đặc biệt, nhà cũng như văn phòng của chị Limdim House cũng là một công trình xuất hiện trên tạp chí kiến trúc Mỹ Archdaily. Với chị, công trình này có ý nghĩa đặc biệt như thế nào?
Ý nghĩa công trình này thì chắc là đây chính là ốc đảo bình yên của tôi nói riêng và LimDim team nói chung, chúng tôi chia sẻ không gian này để tạo ra những công trình đầy ý nghĩa khác.
Làm việc trong một không gian như vậy, đem lại cho chị và cộng sự nguồn cảm hứng như thế nào? Là KTS khi tự thiết kế không gian sống, làm việc của mình, với chị thì điều này có gì đặc biệt?
Bản thân là một kiến trúc sư nên việc sống và làm việc trong một không gian đẹp, hợp lí là vô cùng quan trọng. Khi tâm trạng mình đi xuống, một không gian kiến trúc có thiết kế tốt sẽ như một ốc đảo, cách ly bản thân khỏi những xô bồ ngoài kia. Nó sẽ mang đến sự chữa lành cho tâm hồn qua đó khiến bản thân cảm thấy an toàn, thư giãn thật sự.
Những phong cách thiết kế mà chị luôn theo đuổi là gì?
Đa phần công trình của LimDim house lấy ý tưởng từ kiến trúc bản địa. Nhưng tôi cũng không đóng khung trong một phong cách hay ý tưởng cố định mà sẽ làm đa dạng bằng những mảng khối hiện đại, tùy ngôn ngữ khách hàng đưa ra và cách LimDim định hướng ở mỗi dự án. Phong cách thiết kế cũng dần thay đổi theo từng độ tuổi, từng trải nghiệm, mỗi giai đoạn LimDim đi qua nữa.
Chị gặp phải những khó khăn nào khi theo đuổi phong cách thiết kế đó không?
Thực ra tôi không cố gán ghép hoặc áp đặt công trình theo một phong cách cụ thể nào. Mọi thứ đều được tôi và cộng sự cân bằng giữa cái thoả mãn về phong cách và công năng sử dụng của gia chủ. Theo tôi sự khó khăn chính là tạo nên sự cân bằng này.
Tạo ra điểm giao thoa giữa kiến trúc Á Đông và phong cách đương đại vào các công trình
Được biết, nhiều công trình của chị có mang kiến trúc Á Đông. Để thổi hồn Á Đông nhưng vẫn giữ nét hiện đại vào các công trình, chị đã đưa ra phương án thiết kế như thế nào cho phù hợp?
Phương thiết kế chính là tạo ra sự cân bằng, có thể khó diễn tả một cách bao quát nên tôi sẽ đưa ra một ví dụ nhỏ về sự giao thoa kiến trúc và cách tạo sự cân bằng này là căn bếp. Ở văn hoá Á Đông, bếp sẽ được cất kỹ sâu trong nhà, khuất tầm mắt hoặc thậm chí là một gian riêng với chuồng trại nuôi gia cầm tách biệt khỏi khu nhà chính. Thì nay, không gian bếp trở thành tâm điểm của căn nhà như các thiết kế hiện đại phương Tây, nó là một không gian liên thông giữa phòng khách, bếp và ăn. Điều này được không chỉ giới trẻ mà người lớn tuổi cũng nhận thấy sự hợp lý, tích cực trong sự phân chia công năng mới mẻ này. Một ví dụ cụ thể là tôi và cộng sự đã thuyết phục được ba mẹ của tôi đã lớn tuổi sử dụng dạng bố trí này ở dự án Tranquille.
Làm các công trình ở khu vực miền Trung, nơi thời tiết có phần “khắc nghiệt” nắng nóng vào mùa hè và mùa mưa kéo dài, gây ra tác động lớn tới chất lượng bề mặt công trình nói chung và chất lượng không gian trong nhà nói riêng. Chị tính toán thiết kế để các công trình phù hợp với thời tiết địa phương ra sao?
Ở miền Trung nói chung và Huế nói riêng, thời tiết khắc nghiệt là một trở ngại lớn cho việc thiết kế vì có những loại vật liệu hay tạo hình kiến trúc rất đẹp, nhưng lại “mẫn cảm” với thời tiết, khiến việc áp dụng nó cho các dự án ở khu vực này dường như là không thể. Chưa kể tuổi thọ của một công trình phải tính theo độ dài chục năm thì cũng khó có thể kiểm tra một cách thấu đáo những vật liệu mới khi áp dụng vì thường thời gian thi công chỉ khoảng 1 năm.
Để khắc phục những vấn đề này, tôi cùng cộng sự tìm đến những sản phẩm chống thấm, làm sàn của nước ngoài, các vùng có khí hậu tương tự như Singapore, một số vùng mưa nắng nhiều ở châu Âu hoặc Mỹ hoặc các sản phẩm được kiểm tra qua những điều kiện khắc nghiệt. Kèm với đó là những sản phẩm, vật liệu hoặc thiết kế mang tính truyền thống, được kiểm nghiệm qua hàng trăm năm lịch sử còn lưu lại và phát huy ưu điểm cho đến ngày nay. Việc phối hợp các phương pháp trên, chúng tôi cũng hy vọng sẽ giải được bài toán thời tiết khó khăn ở miền Trung này.
Hiện tại, không ít người muốn mang không khí “nhà ở quê” vào căn nhà thành thị, là 1 KTS được đánh giá đã làm thành công điều này trong một số công trình, chị có lời khuyên như thế nào khi thiết kế công trình đảm bảo được yếu tố này?
Tôi không dám nhận đã thành công ở việc đưa không khí “nhà ở quê” vào căn nhà thành thị. Thực ra tôi cũng là một trong số rất nhiều KTS đang cố gắng làm điều này theo nhiều cách nhưng đều chung một mong muốn đó là nâng cao giá trị truyền thống của kiến trúc bản địa đồng thời hoà nhập với sự mới mẻ của kiến trúc nước ngoài, từ đó tạo nên một nền kiến trúc mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Sự hòa hợp, đồng cảm giữa KTS và chủ đầu tư trong các công trình
Được biết, chồng của chị cũng làm việc trong ngành kiến trúc, một cộng sự đồng hành đặc biệt của chị. Vậy việc 2 vợ chồng cùng làm nghề của anh chị có điều gì thú vị?
Thực ra chồng của tôi là Kỹ sư xây dựng. Tôi nghĩ nếu 2 người đều là KTS thì khả năng mâu thuẫn và khó giải quyết hơn là một cặp KTS – Kỹ sư. Vì KTS sẽ là người đưa ra các thiết kế mà ở đó có thể không tuân theo các quy tắc về bố trí kết cấu thông thường, nên để công trình có thể là một sản phẩm vừa mang tính mỹ thuật vừa có tính thực tế cao thì kỹ sư phải là một người vừa biết cân bằng giữa kiến trúc và kết cấu. Qua đó sẽ đưa công trình trở thành hình một cách chính xác nhất với thiết kế của KTS.
Vì chồng tôi là kỹ sư nên vấn đề xung đột chủ yếu là việc kết cấu và kiến trúc đôi khi không thể chung tiếng nói. Mỗi lần như vậy, cả hai bên đều phải ngồi lại để tìm giải pháp sao cho công trình sẽ đạt được độ thẩm mỹ cao nhất trong một điều kiện thi công và kết cấu thực tế có thể làm được ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng.
Dưới góc nhìn của 1 KTS, theo chị, thế nào là một ngôi nhà đẹp?
Một công trình đẹp thì trước tiên phải đảm bảo được công năng hợp lí mà đề bài đặt ra, tiếp đến mới yếu tố mỹ thuật. Vì sẽ vô nghĩa nếu đẹp mà không sử dụng được. Một trong những yếu tố mà Limdim cũng hay để tâm khi thiết kế là không gian phải thoáng, và lấy gió tự nhiên được tối đa, đảm bảo hạn chế được sự tác động tiêu cực của các yếu tố khí hậu địa phương.
Trong quá trình thiết kế, chị thường gặp những khó khăn nào khi bắt tay làm việc với chủ nhà? Và chị giải quyết những khó khăn ấy ra sao?
Cũng có những yêu cầu “oái ăm” theo nghĩa vô lý, đặt người giải vào thế bị động, phải nghe theo sự sắp đặt hoặc hạn chế khả năng tư duy sáng tạo cũng như chính kiến vốn có của một dự án kiến trúc thì tôi sẽ phải từ chối dự án đó. Đôi khi, tôi sẽ phải tìm đến sự hoà hợp thông qua cảm xúc xuyên suốt của một dự án. Vì khi đã hiểu và hoà hợp với nhau rồi thì mọi người sẽ cũng nỗ lực để giải quyết các xung đột, mâu thuẫn cũng như bổ trợ cho nhau tốt hơn để đạt đến sự hoàn thiện tốt nhất cho bản thiết kế.
Cái quan trọng trọng khi thiết kế các công trình cùng khách hàng là sự đồng cảm, thấu hiểu, không áp đặt lẫn nhau. Tôi thường sẽ cố gắng lắng nghe họ nói về nhu cầu, mong muốn để biết được cả hai có hợp với nhau không. Tâm niệm của tôi luôn cố gắng cân bằng để giữ cái TÔI không lớn nhưng vẫn có lập trường và chính kiến. Đối với việc thiết kế, bản thân tôi luôn giữ sự sáng tạo cân bằng với thực tế thi công như cách mà người ta thường nhắc đến ngành kiến trúc là ngành kỹ thuật có tính mỹ thuật nhất và cũng là ngành mỹ thuật có tính kỹ thuật nhất, là bay bổng nhưng vẫn phải giữ một chân chạm đất.
Chủ đầu tư mới chính là người trải nghiệm không gian của họ nên đa phần tôi sẽ lắng nghe rồi nhìn nhận mong muốn của họ đồng thời truyền đạt những trải nghiệm kinh nghiệm làm nghề của bản thân để giúp công trình tốt nhất. Đa phần khách hàng khi đến chúng tôi thì họ đã ít nhiều tìm hiểu về tinh thần của LimDim nên xung đột cũng ít khi xảy ra.
Nhìn lại hành trình sau gần một thập kỷ gắn bó với công việc KTS, chị cảm thấy như thế nào?
KTS theo tôi không phải là đích đến, mà nó là một con đường nghề nghiệp mà ở đó mình tìm được quan điểm kiến trúc xuyên suốt, sống và làm việc với quan điểm này một cách tâm huyết nhất. Tôi nghĩ kiến trúc trong mình là cảm xúc, không gian phải chạm được cảm xúc người dùng và người nhìn. Cảm xúc như những viên gạch nhỏ nhưng xuyên suốt cả một không gian. Tôi cũng đã từng suy nghĩ nếu mình không làm nghề thì mình sẽ làm gì. Nhưng vì quá yêu cái đẹp và công việc thiết kế này nên câu trả lời luôn là thiết kế, tôi yêu công việc cũng như cách bản thân tỉ mỉ cho những ngóc ngách không gian.
Để nói vài điều là lời chia sẻ, lời khuyên đến các bạn đang nuôi ước mơ trở thành KTS, chị sẽ nói gì?
Tôi cũng không có quá nhiều lời hoa mỹ về ngành nghề này. Thực tế đây là một ngành nghề khắc nghiệt, dễ đào thải và bào mòn sự sáng tạo rất nhanh. Nhưng đây cũng là một ngành nghề tổng hợp, qua đó bạn sẽ không chỉ là thiết kế kiến trúc mà còn phải tìm hiểu về mọi ngành nghề, mọi con người sẽ sử dụng thiết kế của mình. Chính việc này sẽ khiến bản thân KTS phải luôn tìm tòi, học hỏi để có thể có một cái nhìn bao quát phục vụ tốt nhất cho việc thiết kế. Và như tôi đã nói, kiến trúc sư không phải là đích đến, không phải là một chức danh mà là một hành trình, nên hãy đầu tư dài cho hành trình này. Để đảm bảo rằng bạn sẽ sống với nó chứ không phải làm việc cho nó.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Phụ nữ số
Sự kiện: Architalks
Xem tất cả >>- KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền: Làm thiết kế cảnh quan như cho khách đeo đồng hồ Rolex, phải tiếp cận với người nhiều tiền mới sống được với nghề
- KTS Phạm Anh Tuấn: “View triệu đô” của ngôi nhà không nhất thiết phải đắt tiền, vài trăm nghìn vẫn có được
- Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”
- KTS Nguyễn Văn Thu: Vật liệu là thứ kết nối chúng ta gần hơn với bản chất của tự nhiên
- KTS Lê Quang Thạch: "Tôi xem việc thiết kế một cái ghế cũng quan trọng như thiết kế một toà nhà"